Nhập nhèm máy kiểm tra nồng độ Nitrat: Dễ chuốc vạ vào thân

15:30 | 17/05/2016
Còn nhớ cuối năm 2015, người dân đổ xô đi mua sản phẩm được cho là máy kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) Soeks vì cho rằng nó có thể test nhanh độ an toàn của rau, củ quả... Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo về việc nhiều đơn vị đã “thổi phồng” tính năng của máy đo nồng độ Nitrat có tên Soeks, bởi việc kiểm tra hàm lượng Nitrat chỉ là một trong 4 tiêu chí để kiểm tra độ ATTP của các mặt hàng nông sản.
nhap nhem may kiem tra nong do nitrat de chuoc va vao than Kết quả kiểm nghiệm ban đầu sản phẩm nước C2 và Rồng đỏ
nhap nhem may kiem tra nong do nitrat de chuoc va vao than Quận Đống Đa ưu tiên hàng đầu công tác an toàn thực phẩm

Thậm chí, gần đây, nhiều trang mạng xã hội vẫn “ngựa quen đường cũ” khi tiếp tục “phồng hóa” máy Soeks khiến nhiều người dân vẫn tin rằng có thiết bị này sẽ không lo mua phải thực phẩm độc hại.

“Phớt lờ” cơ quan chức năng

Nếu như trước kia với việc quảng cáo sản phẩm máy Soeks sai chức năng một cách công khai, thì nay nhiều trang wedsite lại sử dụng chiêu thức “bán công khai” trên mạng sản phẩm này.

nhap nhem may kiem tra nong do nitrat de chuoc va vao than
 

Cụ thể trên trang mạng có tên miền wedsite: soeks.vn vẫn tồn tại dòng chữ quảng cáo lớn “máy đo an toàn thực phẩm Soeks”; hay tại wedsite:maydothucpham.com; bibun.vn...thì khéo léo “đánh lừa” người tiêu dùng bằng việc giới thiệu về sản phẩm đo nồng độ Nitrat, nhưng bên cạnh  lại tô đậm dòng chữ “người tiêu dùng gọi với cái tên máy đo độ an toàn thực phẩm”.

Đặc biệt, dòng dưới khi chú thích ảnh, các trang wedsite còn bôi đậm thêm dòng chữ “Máy kiểm tra thực phẩm sạch”.

Táo bạo hơn tại trang wedsite:maydoantoanthucpham.net; maydoantoanthucpham.org ngay tại tên wedsite vẫn tiếp tục “thổi phồng” sản phẩm Soeks với dòng chữ “Máy đo an toàn thực phẩm”, lạ hơn ở wedsite: maydoantoanthucpham còn quảng cáo máy loại này đo được  cả chất phóng xạ.

Mặc dù trước đó, Bộ Y tế cũng như nhiều chuyên gia y tế đã lên tiếng về tính năng thật của sản phẩm có tên Soeks, nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết đến.  Hơn nữa, với việc nhiều trang mạng xã hội đã quảng cáo sản phẩm như “rót mật vào tai” khiến không ít người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn tưởng là thật.

Chị Thanh Xuân (phố Kim Mã – quận Ba Đình) cho hay: Tôi biết sản phẩm đo nồng độ Nitrat từ giữa năm 2015 trong chuyến công tác sang Nga, nhưng không hiểu sao về đến Việt Nam lại nghe mọi mọi người gọi sản phẩm này là máy đo ATTP, máy đo thực phẩm sạch?

Còn với chị Minh Anh (ở đường Lê Đức Thọ - quận Cầu Giấy) nói: Nghe mọi người mách cũng như một số trang mạng quảng cáo, nên mẹ chồng tôi cứ nằng nặc đòi mua máy đo nồng đô Nitrat về và bà còn gọi nó là “máy đo thực phẩm sạch.

Vì quá tin vào máy, nên nhiều lần mẹ chồng tôi mua hoa quả về tin là sản phẩm sạch nên chỉ cần rửa qua là ăn… dẫn đến cả nhà đau bụng phải đi cấp cứu” – chị Anh buồn rầu chia sẻ.

Như vậy, có thể thấy dù sản phẩm đã được “nổ” từ nhiều năm, nhưng không phải người dân nào cũng hiểu và biết được tính năng thực sự của sản phẩm. 

Một quan chức ở Bộ Y tế nhấn mạnh: Xin khẳng định lại, sản phẩm máy có tên Soeks là máy chỉ dùng đo nồng độ Nitrat trong rau, củ, quả… chứ không phải là máy đo độ ATTP như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Việc đo nồng độ Nitrat chỉ là một trong 4 tiêu chí để đánh giá được sản phẩm an toàn (3 tiêu chí còn lại: Thuốc bảo vệ thực vật cho phép; vệ sinh gây hại trong rau; giới hạn một số kim loại nặng ở rau).

Ths. Đỗ Hữu Tuấn - Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) - cũng khẳng định: “Người dân không nên thần thánh hóa máy Soeks. Kết quả kiểm tra của Soeks không khẳng định thực phẩm an toàn hay không mà chỉ có ý nghĩa sàng lọc ban đầu, không nên hiểu đây là máy kiểm tra độ ATTP”.

Hàng “sốt” dễ mua phải hàng giả

Vẫn đánh vào tâm lý đám đông của người tiêu dùng cộng với việc ham lợi nhuận của không ít doanh nghiệp, hiện nay, sản phẩm máy đô nồng độ Nitrat vẫn đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường.

Giá máy Soek được quảng cáo trên mạng từ 4.500.000 đến 5.000.000 đồng, nhưng ở mỗi trang website lại giới thiệu tính năng của máy kiểm tra nồng độ Nitrat khác nhau như: Có nơi quảng cáo máy đo tính năng kiểm tra của máy Soeks trong 15 giây, có máy đo trong 20 giây và có may quảng cáo chỉ cần đo trong 5 giây. Điều này khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là hàng thật và hàng giả.

Để tìm hiểu thêm về sản phẩm máy đo nồng độ Nitrat có tên Soeks, phóng viên Báo Lao động Thủ đô tìm đến khu vực phố Phương Mai (Hà Nội).

Tại đây mặc dù là nơi chuyên kinh doanh thiết bị y tế, song không ít cửa hàng  có bán khá nhiều thiết bị kiểm tra, đo lường phát hiện nhanh hóa chất, kháng sinh, nấm mốc trong thực phẩm - từ các loại đơn giản như giấy quỳ tím dùng để đo độ PH, nhận biết tính acid, kiềm trong thực phẩm cho tới các bộ kit test nhanh thực phẩm hay thiết bị cầm tay, để bàn có tác dụng kiểm tra nhiều chỉ số về ATTP.

Đáng chú ý, các sản phẩm này đều có xuất xứ đa dạng, không chỉ của Việt Nam mà của Trung Quốc, Nga, Thái Lan... cũng tràn ngập. Tại cửa hàng ngay đầu phố Phương Mai, phóng viên hỏi mua máy Soeks thì được chủ cửa hàng nhiệt tình giới thiệu đủ loại với tính năng và xuất xứ: Anh, Nga, Đức, Trung Quốc...

Khi phóng viên hỏi về giấy tờ xuất xứ của sản phẩm Soeks thì chủ cửa hàng chỉ tay vào tờ giấy duy nhất dùng chung cho các sản phẩm để giới thiệu nguồn gốc  sản phẩm. Nhìn chung, rất ít cửa hàng trên con phố này có thể đưa ra đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đo nồng độ Nitrat có tên Soeks theo đúng như yêu cầu.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên,  ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết: Người tiêu dùng cần phải thận trọng trước những thông tin khác nhau về sản phẩm này, bởi bản thân doanh nghiệp khi nhập khẩu máy đo nồng độ Nitrat về, họ đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp giấy phép để lưu hành.

Vì vậy, nếu họ làm sai quy định thì đã có bị Bộ Y tế xử phạt. Tuy nhiên, điều đặt ra ở đây là, nếu đơn vị quảng cáo sai sự thực ấy mà không phải là đơn vị được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành sản phẩm Soeks mà chỉ là những trang mạng giả danh đơn vị đó thì người mua cần phải thận trọng.

Ngoài ra, để tránh mua phải hàng giả thì người dân nên tìm đến sản phẩm chính hãng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Còn theo GS. Nguyễn Lân Dũng: “Người dân không nên tin những lời quảng cáo “có cánh” ở một số trang mạng về sản phẩm Soeks và cũng không nên quá phụ thuộc vào máy móc.

Nếu người dân muốn mua sản phẩm có khả năng kiểm tra thực phẩm thì có thể tìm đến những sản phẩm trong nước do Bộ Công an sáng chế”.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này