Tiền hoa hồng mua sắm tài sản công sẽ phải nộp ngân sách: Có khả thi?

08:42 | 12/05/2016
Trong thông báo gửi đến các cơ quan thông tấn, Bộ Tài chính cho hay mục tiêu việc ban hành 2 Thông tư số 34/2016/BTC và 35/2016/BTC về công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia và đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục mua sắm tài sản Nhà nước để thực hiện hực hiện Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg ngày 26.2.2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung là nhằm góp phần thắt chặt chi tiêu công trong các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm, liệu việc ban hành 2 thông tư này có thực sự xóa bỏ vấn nạn hoa hồng trong mua sắm công? 
tien hoa hong mua sam tai san cong se phai nop ngan sach co kha thi Bước tiến mới trong cải cách tư pháp
tien hoa hong mua sam tai san cong se phai nop ngan sach co kha thi Cần thêm vốn cho chương trình giải quyết việc làm
tien hoa hong mua sam tai san cong se phai nop ngan sach co kha thi Doanh nghiệp “khóc dở” vì không được chuyển lãi từ kinh doanh bất động sản

Khi cơ quan quản lý Nhà nước hứa

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4.2016 của Bộ Tài chính, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản Nguyễn Tân Thịnh cho hay: Việc ban hành 2 Thông tư trên sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi mua sắm tài sản Nhà nước. Cụ thể, từ nay việc mua sắm tài sản công (kể cả đấu thầu thuốc) sẽ được thực hiện tập trung. Trước đó từ năm 2008, việc mua sắm tài sản Nhà nước (mua sắm công) đã được thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, chỉ 23 bộ, ngành, địa phương đăng ký thực hiện và đã tiết kiệm được khoảng 500 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước. Vậy nên, với phương thức mua sắm tập trung, Bộ Tài chính kỳ vọng có thể ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, mua vượt quá định mức, tiêu chuẩn. Toàn bộ thông tin, quy trình mua sắm tập trung sẽ được Bộ Tài chính thực hiện công khai, kể cả chiết khấu, hoa hồng, khuyến mãi sẽ được nộp lại ngân sách, thay vì để lại cho đơn vị như hiện nay.

tien hoa hong mua sam tai san cong se phai nop ngan sach co kha thi
Tiền mua sắm xe công hàng năm vẫn lớn (Ảnh minh họa)

Theo thống kê, hằng năm ngân sách Nhà nước chi khoảng 200.000 tỉ đồng cho mua sắm công. Riêng ôtô công, hiện cả nước có khoảng 37.960 chiếc phục vụ các đơn vị hành chính sự nghiệp (chưa tính xe thuộc lực lượng công an, quốc phòng, các doanh nghiệp Nhà nước).

Trả lời câu hỏi của PV, nếu có chiết khấu hoa hồng thì Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền cho ngân sách, đại diện Bộ Tài chính trả lời: “Chưa thể thống kê đối với đặc thù Việt Nam. Song với kinh nghiệm các nước khác cho thấy,  khi mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm khoảng 10 - 17% chi phí so với trước”. Như vậy, với việc Nhà nước mỗi năm bỏ ra 200.000 tỉ đồng cho việc mua sắm tài sản công, thì số tiền hoa hồng (nếu có) nộp vào ngân sách Nhà nước sẽ rất lớn.

Vấn đề đặt ra, lâu nay chúng ta thường đề cập đến vấn nạn hoa hồng, lót tay trong các dự án, song chỉ ra được những dự án nào, lĩnh vực nào đang diễn ra tình trạng, lót tay, hoa hồng thì cũng chịu. TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khi trả lời phỏng vấn PV cũng chỉ khẳng định, vấn nạn hoa hồng, lót tay là có, ngay cả các cơ quan quản lý Nhà nước cũng thừa nhận vậy, nhưng điểm mặt, chỉ tên thất thoát ở lĩnh vực, dự án nào cũng bó tay.

Có biết để công khai?

Tại kỳ họp Quốc hội khi bàn về Luật Đấu thầu mua sắm công, ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của  QH - cho hay: Tiền hoa hồng chính là tiền của người bán trả lại người mua. Mua ít thì hoa hồng ít, mua nhiều thì hoa hồng nhiều. Với việc mỗi năm Nhà nước bỏ ra hàng trăm ngàn tỉ đồng cho việc mua sắm công thì số tiền hoa hồng sẽ rất lớn. Ai cũng biết, nhưng thực tế số tiền đó lại không hề được công khai để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, ngân sách Nhà nước đang khó khăn, nên việc siết chặt chi tiêu công là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Vì vậy, việc tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong việc mua sắm tài sản công cũng đang được Bộ Tài chính và các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai. Tuy nhiên, với việc sẽ tiến hành nộp ngân sách Nhà nước tiền hoa hồng trong mua sắm tài sản công (nếu có) một mặt sẽ rất khó khả thi vì biết số tiền lại quả là bao nhiêu; một mặt chẳng khác gì việc thừa nhận vấn nạn hoa hồng là có thật!

Thậm chí, giữa năm ngoái, khi Bộ Tài chính loan tin, nếu chi tiêu mua sắm công được minh bạch có thể tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm cả hàng chục ngàn tỉ đồng, thì ngay sau đó, ông Tiến nêu vấn đề trước Quốc hội vậy bấy lâu nay hàng ngàn tỉ đồng hoa hồng đã đi về đâu? Và chúng ta đã xử lý thế nào? Lãnh đạo Bộ Tài chính có mặt tại phiên họp cũng không thể trả lời.

Trở lại quy định của hai thông tư 34/2016/BTC và số 35/2016/BTC về công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia và đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục mua sắm tài sản Nhà nước trong đó có quy định như ông Nguyễn Tân Thịnh nêu ra: “Nếu trong quá trình mua sắm công có hoa hồng phải nộp vào ngân sách Nhà nước”, TS Hoài Phương - Học viện Hành chính Quốc gia cho hay: Nếu dự án đầu tư  thì  tổ chức, cá nhân môi giới được hưởng phần trăm tiền hoa hồng và số tiền này tổ chức, cá nhân được hưởng phải nộp Thuế Thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật. Nhưng với những dự án mua sắm tài sản công thuộc tiền ngân sách Nhà nước thì không được phép có chuyện tiền hoa hồng hay bôi trơn. Thế nên, khi đại diện Bộ Tài chính nói tiền hoa hồng (nếu có) đối với các dự án mua sắm công phải nộp ngân sách Nhà nước là không đúng, dẫu rằng vấn nạn hoa hồng lâu nay dư luận nói rằng là có thật.

Vậy nên, xét về mặt chính sách, Thông tư 34 và 35 phải là những thông tư không chỉ mang tính hướng dẫn Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ mà phải có chức năng “bịt kín” vấn nạn tiền lót tay, hoa hồng trong mua sắm tài sản công chứ không thể “cho phép” ngầm tình trạng hoa hồng trong mua sắm tài sản công để rồi nộp vào ngân sách. Nói như thế, chẳng khác nào “mở đường cho hươu chạy”, còn thực tế vấn nạn hoa hồng cũng không thể kiểm soát được.

Hương Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này