Luật sư tham gia ngay từ đầu vụ án:

Bước tiến mới trong cải cách tư pháp

08:21 | 10/05/2016
Ngày 1.7.2016, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, một trong những điểm đáng chú ý là quy định về việc cho phép luật sư được tham gia ngay từ giai đoạn đầu vụ án. Quy định mới được giới luật sư và cả dư luận kỳ vọng là một bước tiến mới trong cải cách tư pháp.
buoc tien moi trong cai cach tu phap Cần thêm vốn cho chương trình giải quyết việc làm
buoc tien moi trong cai cach tu phap Doanh nghiệp “khóc dở” vì không được chuyển lãi từ kinh doanh bất động sản

Gỡ nút thắt từ giai đoạn điều tra?

Theo Điều 83, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi được nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp có quyền: Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;  Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được điều tra viên hoặc kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố còn có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

buoc tien moi trong cai cach tu phap
Quy định mới sẽ nâng cao vai trò của luật sư. Ảnh minh họa.

Quy định về nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố như sau: Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nhiều luật sư cho rằng, quy định như trên thì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tình nghi phạm tội, bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố sẽ được đảm bảo. Không những thế, quy định mới này đã góp phần cân bằng giữa hoạt động buộc tội và gỡ tội, tạo điều kiện hoàn thiện hoạt động tố tụng hình sự, hạn chế oan sai và đảm bảo công lý được thực thi. Nếu áp dụng theo đúng quy định tại Điều 83 BLTTHS - 2015 và các cơ quan tiến hành tố tụng không gây cản trở cho luật sư trong khi hành nghề thì có thể tin tưởng rằng quyền của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố sẽ được đảm bảo theo những gì Hiến pháp năm 2013 ghi nhận.

Sẽ hạn chế oan sai

Đội ngũ luật sư đã chờ đợi quy định này từ lâu, nên đã chuẩn bị được tinh thần, cũng như kỹ năng để tham gia bảo vệ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Việc các luật sư cần lưu ý có lẽ là bảo vệ người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhưng không che giấu tội phạm, mớm cung và thực hiện tốt quy tắc đạo đức hành nghề luật sư Việt Nam trong mối quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Nhà nước khác.

Xung quanh quy định mới trên, theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), quy định mới như trên tiếp tục là một bước tiến dài trong cải cách tư pháp, hạn chế oan sai. “Khi luật sư yêu cầu được tham gia làm việc cùng với thân chủ thì có khi cơ quan điều tra từ chối với lý do vụ án chưa khởi tố hoặc nghi can chưa bị bắt giữ, nên luật sư chưa được quyền tham gia bào chữa. Như vậy, nghi can hình sự trong giai đoạn tiền tố tụng không được luật sư bảo vệ, trong khi đó giai đoạn này cơ quan điều tra đã thực hiện nhiều hoạt động điều tra xác định dấu hiệu tội phạm như lấy lời khai, yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ, giám định chữ ký, đối chất… Điều này làm thiệt thòi cho quyền được bảo vệ của người bị tình nghi phạm tội, bởi lẽ có hoạt động chứng minh tội phạm thì song hành với nó luôn có hoạt động gỡ tội cho thân chủ của luật sư”, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nói. Vì thế, quy định tại Điều 83 mới được bổ sung, nhằm mục đích rất tích cực, cho phép luật sư tham gia ngay từ đầu vụ án chính là nhằm đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo. Ngăn chặn khả năng cán bộ điều tra ép cung, mớm cung, nhục hình… dẫn đến làm oan sai cho bị can, bị cáo. Đồng thời, luật sư cũng có vai trò giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Ngọc Anh (Văn phòng luật sư Quốc Thái) cho rằng: Việc luật sư có mặt ngay từ đầu giai đoạn điều tra, vừa bảo vệ quyền lợi cho bị can bị cáo  đồng thời cũng có lợi cho cơ quan điều tra. Bởi lẽ, chứng kiến sự khai báo của bị can, bị cáo, bảo vệ bị can, bị cáo không bị ép cung, mớm cung, nhục hình… cũng chính là khiến bị can, bị cáo không thể phản cung. Cho nên việc bổ sung Điều 83 với nội dung như trên sẽ khiến việc thực thi pháp luật cũng minh bạch hơn, hạn chế oan sai.

H.Duy – S.Hào

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này