Trạm thu phí BOT đang bủa vây Hà Nội

09:46 | 28/04/2016
Hàng loạt dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức Hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đã tạo diện mạo mới ngành giao thông và mở ra một phương thức mới trong việc huy động vốn xã hội hóa. 

Nhưng vì lợi nhuận hoàn vốn của các nhà đầu tư đã dẫn đến mức thu phí qua trạm BOT hiện rất cao, quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp. Cùng đó, hàng loạt các trạm thu phí đã mọc lên, khiến người dân bức xúc trong thời gian qua.

tram thu phi bot dang bua vay ha noi

Phí đường nặng vai người dân

Hiện ở những cửa ô vào Hà Nội, các trạm thu phí được mọc lên như các cổng thành bảo vệ các con đường ra vào Thành phố. Cụ thể, từ ngày 6.10.2015, các phương tiện đi trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ phải đóng các mức phí từ 10.000 đồng tới 180.000 đồng/vé/lượt tùy theo loại phương tiện. Bên cạnh đó, các phương tiện có thể sử dụng vé tháng với mức từ 300.000 - 5.400.000 đồng và vé quý với mức 810.000-14.580.000 đồng tùy theo đoạn tuyến và loại phương tiện. Điều đáng nói, tiếp nối ngay đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ còn có một tuyến cao tốc nữa, đó là tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình với một trạm thu phí khác, và mức phí cũng khác. Theo đó, từ Hà Nội về Thái Bình khoảng trên dưới 100km đã có 4 trạm thu phí, thậm chí có trạm không đảm bảo khoảng cách 70km mỗi trạm như quy định của Bộ GTVT. Nhiều ý kiến cho rằng việc lập các trạm thu phí dày đặc như hiện nay sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân. Mỗi lượt đi từ Hà Nội về Thái Bình hết 135.000 đồng tiền vé nếu tính cả đi và về, thì phí cầu đường bằng tiền xăng.

tram thu phi bot dang bua vay ha noi
Trạm thu phí cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Cùng đó, toàn tuyến cao tốc Hà Nội- Lào Cai mới đưa vào sử dụng năm 2014 có tới… 12 trạm thu phí toàn tuyến với mức phí từ 300.000 đồng -1.220.000 đồng/lượt. Tương tự trên QL6 (đoạn Xuân Mai – Hòa Bình) có tổng chiều dài 30,36km (từ km38+00 đến km70+932,4) cũng có một trạm thu phí. Trong khi người dân còn đang ngỡ ngàng về những trạm thu phí mới, thì mới đây nhất, Cty cổ phần BOT Hà Nội – Bắc Giang đã có đề nghị lên Bộ GTVT cho phép thu phí dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang (đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang) vào ngày 5.5 tới đây. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên bức xúc cho rằng, suất đầu tư BOT không minh bạch, vốn chủ sở hữu có thực bỏ ra đầu tư hay là đi vay vốn ngân hàng đầu tư, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng đầu tư chứ không phải nhà đầu tư. “Không phải BOT là nhà đầu tư bỏ vốn hoàn toàn mà được Nhà nước hỗ trợ vốn bằng hình thức lấy đất đổi hạ tầng. Lượng tiền để hoàn vốn cho dự án BOT rất lớn khi toàn vốn vay ngân hàng, nhà đầu tư phải tính cả bài toán trả lãi suất, nợ gốc và có lợi nhuận. Nhưng tất cả đều đánh vào vận tải và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu khi giá cước tăng lên” - ông Liên cho biết thêm.

tram thu phi bot dang bua vay ha noi ​Phê bình nhà đầu tư tự ý đóng trạm thu phí cầu Hạc Trì

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công văn phê bình Cty Cổ phần BOT cầu Việt Trì (đơn vị thu phí cầu Hạc Trì) do tự ý đóng trạm thu phí cầu Hạc Trì.

Cũng theo ông Liên, thời gian qua, người dân than phiền vì vừa đóng phí đường bộ theo đầu xe vừa đóng phí qua trạm BOT, đây có thể xem là phí chồng phí, bởi từ ngày 1.3.2013, tất cả các trạm phí trên đường bộ theo ngân sách Nhà nước phải dừng thu phí vì đã thu phí bảo trì đường bộ.  Cụ thể như tại tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhà đầu tư đã được Nhà nước hỗ trợ với nhiều đặc quyền như cho phép nhà đầu tư được đầu tư xây dựng hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần phục vụ dọc tuyến đường cao tốc và thu phí QL5 đến hết thời gian BOT là khoảng 35 năm. Tuy nhiên, 2 trạm phí ngân sách Nhà nước trên QL 5 không những dừng thu mà còn tăng phí để hỗ trợ hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vì mật độ phương tiện chưa cao như thế có nghĩa là nhà đầu tư đẩy rủi ro cho Nhà nước và doanh nghiệp thì không hợp lý.

Một bài toàn hóc búa

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, Bộ GTVT cần công khai minh bạch tên các nhà đầu tư, đầu tư bao nhiêu cây số, tổng mức đầu tư sau khi được kiểm toán, mức thu phí và lộ trình thu hoàn vốn là bao nhiêu năm, mức tăng phí phát sinh ra sao, số tiền phí thu được trong một ngày… Cơ quan Nhà nước và Bộ Giao thông Vận hoặc hay kể cả kiểm toán phải có trách nhiệm công khai với dân. 

tram thu phi bot dang bua vay ha noi Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lại tăng phí từ 1.4.2016

Tin từ Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), mức phí trên đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và 2 trạm thu phí trên QL5 sẽ tăng từ 15.000 đến 40.000 đồng/lượt kể từ ngày 1.4.2016

Hiện một số công trình xây dựng trên nền đường đã có sẵn của Nhà nước và nhà đầu tư chỉ mở rộng mặt đường, thảm lại nền đường, xây thêm những công trình phụ, nhưng lại thu phí trên toàn bộ tuyến đường đó như QL6 (đoạn Xuân Mai – Hòa Bình) là một ví dụ điển hình. Điều này là sự không công bằng đối với người dân khi tham gia giao thông trên các tuyến này, vì lẽ, ra đường được đầu tư BOT phải là đường mới hoàn toàn sẽ không gây thắc mắc cho nhà xe, trong khi trạm BOT dày đặc, mọc lên như nấm sau mưa. “Việc đầu tư xây dựng đường BOT phải bảo đảm người dân có quyền được lựa chọn việc sử dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, đơn vị vận tải hiện nay không có lựa chọn nào vì một đường BOT độc đạo và bị các trạm phí BOT bủa vây” - ông Thanh chỉ rõ.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, chính vì lợi nhuận hoàn vốn của các nhà đầu tư đã dẫn đến giá phí qua trạm BOT hiện rất cao, quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp nên cần phải xem xét lại việc đầu tư ồ ạt các dự án BOT. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thì đây là một bài toán hóc búa. Do vậy, ngoài cơ quan Nhà nước cần có cả chuyên gia độc lập và mời cả chuyên gia nước ngoài để thẩm định lại, phải xem lại toàn bộ chi phí, từ khâu dự toán, khái toán tới lập dự toán, chi phí, rà soát lại các trạm thu phí, xem sắp xếp đã hợp lý chưa để làm sao phí thấp hơn, đảm bảo người dân và nhà đầu tư, Nhà nước hài hòa.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên bức xúc cho rằng, suất đầu tư BOT không minh bạch, vốn chủ sở hữu có thực bỏ ra đầu tư hay là đi vay vốn ngân hàng đầu tư, điều đó đồng nghĩa với việc ngân hàng đầu tư chứ không phải nhà đầu tư. Không phải BOT là nhà đầu tư bỏ vốn hoàn toàn mà được Nhà nước hỗ trợ vốn bằng hình thức lấy đất đổi hạ tầng. Lượng tiền để hoàn vốn cho dự án BOT rất lớn khi toàn vốn vay ngân hàng, nhà đầu tư phải tính cả bài toán trả lãi suất, nợ gốc và có lợi nhuận. Nhưng tất cả đều đánh vào vận tải và cuối cùng là người tiêu dùng phải gánh chịu khi giá cước tăng lên.

Minh Hạnh

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này