Quy định người sản xuất thực phẩm phải khám sức khỏe định kỳ

06:58 | 27/04/2016
Ngày 15.4.2016, Thông tư 57/2015/TT-BCT “Về quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương” chính thức có hiệu lực. 
can y thuc trach nhiem ca hai ben Hà Nội: Người dân sẽ được khám sức khỏe miễn phí
can y thuc trach nhiem ca hai ben Dự thảo quy định chủ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải khám sức khỏe định kỳ: Còn nhiều bất cập

Theo quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chủ cơ sở có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho bản thân và những người trực tiếp tham gia sản xuất, định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại cơ sở y tế cấp quận/ huyện trở lên.  

Liệu “bình mới rượu cũ”

Với 4 Chương, 13 Điều, Thông tư 57/2015/TT-BCT quy định rõ chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp; chủ cơ sở có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho bản thân và những người trực tiếp tham gia sản xuất của cơ sở định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên. Hồ sơ khám sức khỏe phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất và người sản xuất phải có giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên cấp.Với quy định mới này, phần nào xoa dịu được những mối lo ngại của đại đa số dư luận về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay. Nhất là khi hàng loạt các cơ sở chế biến nhỏ lẻ bị phanh phui sử dụng chất cấm, không đảm bảo quy trình. Xét trên phương diện ý nghĩa, quyết định những chủ cơ sở cũng như những người trực tiếp sản xuất khám sức khỏe hàng năm là vô cùng hợp lý, bởi khi những “đầu mối sản xuất” được đảm bảo an toàn thì sản phẩm “đầu ra thị trường” cũng đảm bảo sạch sẽ.

can y thuc trach nhiem ca hai ben
Chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ phải khám sức khoẻ định kỳ. Ảnh minh họa.

Quy định là vậy, nhưng nhiều người cho rằng những điều nêu trong thông tư mới dường như chỉ là “bình rượu cũ” “nấu lại”. Trong khi người tiêu dùng phấn khởi đồng tình thì những chủ cơ sở sản xuất dường như chẳng mấy mặn mà. “Năm nào chẳng thế, khám như này suốt, bỏ phí ra 100.000 đồng khám rồi lấy một tờ giấy xác nhận cất đi, có phải năm nay mới có đâu” - anh Hùng chủ cửa hàng sản xuất bánh ngọt (huyện Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ.

Vợ chồng anh chị Ngọc Hiếu (hộ kinh doanh bún phở tại phường Phương Canh, huyện Bắc Từ Liêm) cũng cho hay: “Sáng nay xã họ mới đưa giấy mời, chiều chị bắt anh nhà chị đi, năm nào chị cũng để cho anh đi chứ chị kệ. Năm ngoái là 130.000 đồng đấy, năm nay còn 100.000, cứ ra trạm y tế phường khám. Xong họ đưa giấy xác nhận, mang về cất đi, sau người ta đi kiểm tra thì mang ra, đâu phải khám để xem ốm đau thế nào, ốm đau ra sao phải lên bệnh viện chứ”. 

Hành động thực tế còn thiếu triệt để

Đến cơ sở y tế được tập huấn, giao khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe các hộ sản xuất phường Phương Canh - đó là một trạm y tế cấp phường, có tổng thể 4 phòng phục vụ quá trình khám sức khỏe: phòng đón tiếp, phòng làm bài kiểm tra, khám tim- mạch kèm khám tai-mũi- họng và đo huyết áp- khám mắt. Điều đơn giản nhất có thể nhìn thấy là những dụng cụ thô sơ. Sau khi được khám xong, các chủ cơ sở được chỉ dẫn sang phòng khai báo. Ở đây có 1 cái bàn và 3-4 cô hướng dẫn, họ sẽ được giao một bản tự đánh giá về cơ sở vật chất cũng như những câu hỏi trắc nghiệm về quá trình sản xuất thực phẩm thế nào là an toàn. Không bàn ghế, không trật tự, người đứng kẻ ngồi và tất nhiên, không có sự kiểm duyệt đúng sai về sau của bản khai báo.

Dược sĩ Nguyễn Viết Dũng - khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai: Thông tư là rất tốt, tuy nhiên để thực sự hiệu quả thì phụ thuộc vào cả cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Nếu cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện đúng Thông tư thì họ phải làm đúng quy trình khám, chữa bệnh và không khó để tìm ra những bệnh lây nhiễm. Cùng với đó, người đi khám cũng phải có ý thức trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh của mình, đi khám vì sức khỏe người tiêu dùng, chứ không chỉ vì cho đủ thủ tục.

Cùng một câu hỏi sự hài lòng thế nào của những người tham gia sản xuất về quyết định này, phóng viên nhận được đa số câu trả lời dạng không quan tâm, không có ý kiến. Và nếu trong thông tư ghi rõ “chủ cơ sở và những người trực tiếp tham gia sản xuất” phải khám bệnh định kỳ thì đa phần những hộ sản xuất này chỉ cắt cử 1 người đi khám, vì “khám nhiều thì đóng nhiều phí, cứ để 1 người đi thôi, trước em còn chưa ra làm riêng, chủ hộ bảo đi khám, mà mình vẫn tự bỏ phí ra nộp”, hoặc “nhà có em làm, vợ em bán nên mình em đi khám là được”. Vậy, ai sẽ đảm bảo tai mũi không bệnh thì sẽ không mắc bệnh lý truyền nhiễm và ai là người đảm bảo người đi khám không bệnh thì cả cơ sở chế biến đều an toàn. Một chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm thẳng thắn chia sẻ với phóng viên, khám cho đủ thủ tục thôi, khám sơ sài như vậy cũng khó mà phát hiện được bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm. Nhà có 5 người thay nhau ai rảnh lúc nào thì làm lúc đó, đi khám hết chết tiền à?.

Có thể nói, với việc khám bệnh sơ sài ở một số cơ sở cùng với tâm lý người khám, khám cho đủ thủ tục như hiện nay, việc đảm bảo phát hiện mầm bệnh cũng như những bệnh lý truyền nhiễm là khó hiện thực. Thông thường, có những bệnh truyền nhiễm phải qua thời gian ủ bệnh rất kỹ trước khi phát tác và cần những xét nghiệm tổng thể, gắt gao mới phát hiện được bệnh. Cho nên, nếu chỉ khám bệnh qua loa chỉ phát hiện được vài bệnh thông thường hoặc nhiều biểu hiện bệnh dễ gây nhầm lẫn. Mặt khác, nếu một năm khám bệnh 1 lần cũng chưa phải điều hợp lý.

Bài toán thực tế đang đòi hỏi các nhà quản lý cần có sự thúc ép sát sao tới từng cơ sở, đảm bảo hơn nữa tính thực thi chính sách. Bên cạnh đó, cần cho những chủ cơ sở sản xuất nhận thức rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, không làm theo hình thức chống đối. Có như vậy chính sách ý nghĩa như trên mới không “chết” trên giấy tờ.

Hồng Hải

 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này