Đối thoại, giao lưu trực tuyến về bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp:

Hiểu rõ hơn quyền và trách nhiệm công dân

09:54 | 22/04/2016
Đó là tâm sự chung của đông đảo công nhân lao động (CNLĐ) đang làm việc ở các Khu Công nghiệp - Khu chế xuất Hà Nội  tại buổi giao lưu trực tuyến có chủ đề “Bầu cử - quyền và trách nhiệm của công nhân lao động" diễn ra sáng 21. 4. 2016  tại Trung tâm Thương mại Melinh Plaza, do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tổ chức.
hieu ro hon quyen va trach nhiem cong dan "Bầu cử quyền và trách nhiệm của công nhân lao động"
hieu ro hon quyen va trach nhiem cong dan Hiệp thương lần thứ 3 dân chủ, minh bạch và đúng pháp luật

Đến dự buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến có ông Ngô Văn Tuyến - UVBCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội; ông Phùng Văn Thiệp - PGĐ Sở Nội vụ (ủy viên Ủy ban bầu cử TP. Hà Nội); ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; lãnh đạo Báo Lao động Thủ đô;  Luật sư Nguyễn Văn Hà - Văn phòng Luật sư Hà Lan.

Khi công nhân đến dự đông đủ

Do làm tốt công tác tuyên truyền, nên mới đầu giờ sáng 21.4, khán phòng Trung tâm Melinh Plaza đã có đông CNLĐ đến tham gia buổi tọa đàm, điều này cũng khiến các chuyên gia bất ngờ. Vẫn biết họ đến để tìm hiểu quyền và nghĩa vụ của công dân, nhưng “không ngờ” lại đông đến thế.

hieu ro hon quyen va trach nhiem cong dan
Phó Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội Ngô Văn Tuyến và TBT Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc tặng hoa cho 2 chuyên gia: Ông Phùng Văn Thiệp - PGĐ Sở Nội vụ - ủy viên Ủy ban bầu cử TP. Hà Nội và Luật sư Nguyễn Văn Hà.

Điều này chứng tỏ, một khi những lợi ích sát sườn liên quan đến CNLĐ được các cấp, ngành “đưa đến” tận nơi để nói cho họ nghe, và nghe họ hỏi,  họ tâm sự thì sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt của CNLĐ.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Phùng Văn Thiệp -  PGĐ Sở Nội vụ - thay mặt Ủy ban Bầu cử Thành phố trình bày một số nội dung liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (ĐBHĐND) các cấp  nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới  200 CNLĐ.

Theo ông Thiệp, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn thành phố được thực hiện đúng quy định của pháp luật, đồng bộ, nhanh chóng và kịp thời. Hà Nội đã sớm chủ động, khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Thành phố đã thành lập Ủy ban Bầu cử, ban hành Kế hoạch triển khai công tác bầu cử.

“Đến nay,  sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3, Hà Nội đã chốt danh sách sách 38 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV và 179/180 người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBHĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021; trong đó có 1 người dự phòng” - ông Thiệp thông báo thêm.

Thỏa mãn các thắc mắc

Tại buổi đối thoại, sau khi được nghe các thông tin về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới của thành phố Hà Nội, nhiều CNLĐ đã nêu lên những băn khăn, thắc mắc của mình xung quanh cuộc bầu cử như: Các tổ chức phụ trách bầu ĐBQH, ĐBHĐND có được vận động bầu cử cho những người ứng cử không?

hieu ro hon quyen va trach nhiem cong dan
Đông đảo công nhân Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội tới buổi giao lưu trực tuyến về “Bầu cử - quyền và trách nhiệm của công nhân lao động".

Cách tính tuổi của một người để được thực hiện quyền bầu cử và ứng cử như thế nào? Trong thời gian lập danh sách cử tri, những người có giấy chứng nhận chuyển đi của cơ quan có thẩm quyền ở nơi cư trú cũ có được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi cư trú mới?

Người lao động tại các khu công nghiệp tập trung, các doanh nghiệp có được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu cử?... Những nội dung này được các chuyên gia giải đáp rõ ràng, dễ hiểu.

Bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và là ngày hội lớn để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình.

Chính vì vậy, Báo Lao động Thủ đô – cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội, tiếng nói của CNVCLĐ Thủ đô, luôn sát cánh cùng CNVCLĐ giúp họ đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Báo Lao động Thủ đô sẽ phối hợp với Công đoàn Khu công nghiệp- Chế xuất Hà Nội tổ chức thêm hai buổi đối thoại, trao đổi, hướng dẫn, nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời những kiến thức cần thiết để CNLĐ hiểu và thực hiện bầu cử dân chủ, đúng luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của công dân Thủ đô. Lê Thị Bích Ngọc - TBT Báo Lao động Thủ đô

Điển hình, nữ công nhân Nguyễn Thị Thành (Công ty Nitori) thắc mắc: Tại sao rất ít người trẻ tham gia ứng cử, liệu có phải là do họ không có thời gian hay là Công đoàn không có thời gian để giúp họ có điều kiện tự ứng cử?

Luật sư Nguyễn Văn Hà trả lời: Khi tham gia vào bầu cử phải căn cứ vào tiêu chuẩn theo luật Bầu cử đã quy định. Trong đó, có 5 tiêu chí đối với bầu cử ĐBQH và của ĐBHĐND là 4 tiêu chí.

Trước khi ứng cử, phải xem xét xem mình có đủ tiêu chí hay không? Không phải lớp trẻ không tự ứng cử mà nhiều người trẻ thường phải lo về kinh tế, đời sống gia đình... mà một trong 5 tiêu chí của Ủy ban bầu cử là phải có thời gian dành cho công việc.

Đảng và Nhà nước không quan tâm người ứng cử là trẻ hay già, chỉ cần đủ tiêu chuẩn (điều kiện, năng lực chuyên môn, uy tín…).

Còn anh Hoàng Ngọc Đức - đại diện Cty CP Nhôm Việt Dũng lại hỏi: Những đối tượng cai nghiện không giam giữ có được đi bầu cử? Ông Phùng Văn Thiệp trả lời: Đối với các đối tượng đang bị tạm giam, tạm giữ hoặc đang cai nghiện bắt buộc, luật quy định, những đối tượng này được thực hiện quyền của cử tri và được bầu 2 cấp là ĐBQH và ĐB HĐND TP.

Đối với những đối tượng tự nguyện cai nghiện, ở cơ sở giáo dục bắt buộc thì quyền của họ như cử tri bình thường. Nếu họ ở cơ sở trên 12 tháng sẽ được quyền bầu cử 4 cấp, nếu dưới 12 tháng được quyền bầu cử 3 cấp.

“Vậy, đối với công dân già, ốm yếu không đi được đến địa điểm bầu cử thì sẽ thế nào?”-  nữ công nhân Lê Thị Ánh Tuyết (CN Cty Asti HN) nêu vấn đề,  Luật sư Nguyễn Văn Hà cho hay: Quy định của Luật Bầu cử đã xác định rõ là công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền đi bầu cử và không hạn chế độ tuổi tối đa.

Đối với những người cao tuổi mà không đi được đến nơi bầu cử thì tổ bầu cử đã có phương án dự phòng  là có thêm hòm bầu cử phụ. Tổ bầu cử sẽ mang hòm bầu cử phụ đến tận nơi ở để cho người đó được bầu và bỏ phiếu.

Đối với người không đọc được chữ, có thể thông qua người biết chữ đọc cho nghe và bầu cử, còn người không biết chữ mà tay bị tật không gạch được thì có thể nhờ người gạch hộ. Hay người vừa bị khiếm thị, khiếm thính, bị tật ở tay, thì phải nhờ người tin tưởng bầu cử hộ…

Sau hơn 2 giờ giới thiệu, trao đổi, đối thoại, nhiều câu hỏi của bạn đọc có mặt tại hội trường cũng như bạn đọc gửi email, điện thoại qua đường dây nóng đã được thông tin, giải đáp thoả đáng.

Tham dự buổi giao lưu, tọa đàm, nữ công nhân Nguyễn Thị Xoa - (Công ty Nitori) chia sẻ chị rất tự hào được tham dự buổi tọa đàm hôm nay, qua đó giúp cho các anh em CNLĐ hiểu rõ thêm quyền và nghĩa vụ của công dân lần đầu tham gia bầu cử.

“CNLĐ rất ít thời gian để tìm hiểu về Luật Bầu cử nói riêng, các kiến thức về bầu cử nói chung, nên dự cuộc giao lưu, tọa đàm hôm này em vỡ ra rất nhiều điều. Với kiến thức này chắc chắn chúng em sẽ tham gia bầu cử đầy đủ và lựa chọn các đại biểu xứng đáng nhất, để đảm bảo quyền và trách nhiệm của mình”, chị Nguyễn Thị Xoa bộc bạch.

Với tư cách là PGĐ Sở Nội vụ, ủy viên Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội, ông Phùng Văn Thiệp khẳng định buổi tọa đàm thực sự hiệu quả, góp phần để CNLĐ hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình đối với bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp.

Trần Vũ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này