UBND TP Hà Nội đột phá trong quy chế quản lý quy hoạch công trình cao tầng nội đô

14:54 | 12/04/2016
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, cũng như mỹ quan đô thị, năm 2005, HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về cải tạo chung cư cũ (CTCCC). Tuy nhiên, đến nay TP mới cải tạo được 14 chung cư (chưa đạt 1%).
ubnd tp ha noi dot pha trong quy che quan ly quy hoach cong trinh cao tang noi do Hệ lụy từ chung cư, biệt thự bỏ hoang: Nỗi lo ô nhiễm, dịch bệnh
ubnd tp ha noi dot pha trong quy che quan ly quy hoach cong trinh cao tang noi do Chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng - Sập nhà, chết người ai chịu trách nhiệm?

Do đó, việc Chủ tịch UBNDTP ban hành Quyết định số 11/2016/QĐ - UBND TP về Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử thành phố, theo các chuyên gia là một chủ trương đúng và kịp thời.

Từ thực tiễn…

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TP hiện có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 - 5 tầng, số này chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1980 và tập trung chủ yếu ở 4 quận nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Tất cả, sau nhiều năm sử dụng, do gặp áp lực về diện tích ở và cả sự yếu kém trong công tác quản lý, 100% các khu chung cư đều xảy ra tình trạng cơi nới, xây dựng lấn chiếm đất lưu không, sân chung…  ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu công trình.

ubnd tp ha noi dot pha trong quy che quan ly quy hoach cong trinh cao tang noi do
Quyết định 11 mang đến nhiều kỳ vọng trong việc cải tạo chung cư cũ vốn đang rất chậm.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ vẫn diễn ra rất chậm. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân vì vẫn chưa tìm được sự cân bằng lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Về phía người dân, luôn đặt ra những yêu cầu cao để đảm bảo lợi ích của mình, như phương án đền bù tốt nhất, địa điểm tạm cư gần nhất và thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Ngược lại, doanh nghiệp muốn xây dựng các phương án đền bù, tạm cư với phương châm ít nhất, có lợi nhất…

Được biết, theo Quy chế mới được ban hành, tầng cao tối đa một số khu tập thể cũ ở Hà Nội như sau: Khu Văn Chương 18 tầng; Nguyễn Công Trứ 25 tầng; Giảng Võ, Hào Nam, Ngọc Khánh 21 tầng; các khu Thành Công, Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Nam Đồng, Kim Liên, Láng Hạ, Phương Mai, Thanh Nhàn 24 tầng.

Đơn cử như trường hợp của khu chung cư Quỳnh Mai, từ năm 2008, thành phố đã khởi động Dự án Cải tạo khu tập thể Quỳnh Mai, song đến đến thời điểm hiện tại, do khúc mắc về cân bằng quyền lợi giữa người dân và doanh nghiệp, dự án vẫn chỉ là trên giấy.

Là một doanh nghiệp đã tham gia nhiều dự án CTCCC của thành phố, ông Trịnh Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc  Công ty CP tư vấn Handic- Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội) nói rằng chúng tôi luôn muốn ủng hộ chủ trương của thành phố.

Tuy nhiên, trước đây do vướng quy hoạch, nên một số dự án CTCCC như C5-C6 Giảng Võ dù được giao, nhưng cũng chưa triển khai được. Thế nên, với việc Thành phố phê duyệt quy chế trên,  tôi cho rằng bước đầu đã tạo cơ chế “mở” hơn; đồng  thời, là cơ sở ban đầu để doanh nghiệp có thể cân đối đầu tư tham gia dự án CTCCC.

“Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề chung cư cũ mong Thành phố có quy định riêng, cụ thể hơn trong việc triển khai đối với vấn đề này. Qua đó, người dân biết và hiểu  thông tin chính sách ủng hộ chủ trương an sinh của Thành phố, ủng hộ nhà đầu tư tham gia dự án CTCCC” – ông Quang nhấn mạnh.

Đến việc phải giải “nút thắt”

Có thể khẳng định, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc CTCCC vẫn “ì ạch” là do những khu chung cư này chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm vốn bị hạn chế chiều cao. Ngoài ra, theo tính toán, thành phố hiện có 23 khu chung cư cũ với hơn 1.500 nhà và hơn 2 triệu m² sàn.

Tính bình quân mỗi đầu người sống ở các khu chung cư cũ này chưa đạt 10m² sàn/người, trong khi đó, theo định hướng Thủ đô Hà Nội phải đạt 30m² sàn/người vào năm 2020. Đây là một yêu cầu khó khăn, cho nên, nhiều chuyên gia đều đồng tình với việc tăng chiều cao công trình, điều này là giải pháp hợp lý,  song điều quan trọng việc phê duyệt quy hoạch cần rất chặt chẽ.

Trao đổi vấn đề này, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm -Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - cho rằng:  “Việc cho phép nâng tầng và chiều cao chính là một trong những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc CTCCC, vốn là bài toán khó, tồn tại thời gian dài.

Chúng ta không nên hiểu lầm việc thay đổi quy định về tầng cao sẽ phá vỡ quy hoạch, đây chỉ là một trong nhiều yếu tố, chỉ tiêu. Do đó, cần có những quan niệm đúng đắn về quy định này”.

Giải thích rõ hơn về điều này, TS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh: Các dự án CTCCC, ngoài việc tuân thủ theo quy chế chung, sẽ phải tuân thủ những quy hoạch riêng về tổng thể và mặt bằng.

Đơn cử nếu muốn triển khai dự án khu tập thể Nguyễn Công Trứ có diện tích gần 6 héc-ta, khu tập thể Kim Liên 19 héc-ta ... chủ đầu tư sẽ phải xây dựng quy hoạch tổng thể về diện tích cây xanh, hệ số sử dụng đất, chiều cao tòa nhà, tạo nhiều không gian mở, hạn chế tăng dân số, bố trí đất đảm bảo môi trường sống hài hòa, từ đó căn cứ hồ sơ này ,các cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, phê duyệt...

Cùng chung nhận định với ông Nghiêm, GS, TS Hoàng Đạo Kính cũng cho rằng: “Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo mật độ xây dựng, nếu không quản lý chặt sẽ gây quá tải cho hạ tầng kỹ thuật hiện có”.

Có thể khẳng định, với những gì đang diễn ra hiện nay, việc Chủ tịch UBNDTP ban hành QĐ số 11 được cho là giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính tầm nhìn để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này