Dừng, đỗ xe tràn lòng đường: Chẳng lẽ bó tay?

10:33 | 08/04/2016
Hiện nay trên nhiều tuyến phố của Hà Nội đang tái diễn tình trạng ôtô đậu, đỗ tràn lan dưới lòng đường, gây nhiều bức xúc cho người dân. Nhiều người cho rằng, do sự việc đã rồi, lại chỉ xử lý phần “ngọn”, nên rất khó giải quyết triệt để tình trạng này.
dung do xe tran long duong chang le bo tay Có hay không sự “nương tay” của chính quyền sở tại?
dung do xe tran long duong chang le bo tay Vật liệu xây dựng tràn lòng đường

Vi phạm tràn lan

Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 530.000 xe ôtô các loại, chưa kể các loại xe của lực lượng công an, quân đội và lượng xe ở ngoại tỉnh đổ về. Trong khi đó, phần diện tích dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của các phương tiện này.

Hơn 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan, công sở, vỉa hè, sân trường, bệnh viện, tại các khu đất trống của các dự án...  và cả dưới lòng đường.

dung do xe tran long duong chang le bo tay
Xe ô tô dừng đỗ tràn lan trên phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điều đáng nói, thời gian gần đây, tình trạng đậu, đỗ xe vô tội vạ gây cản trở giao đông khiến người dân Thủ đô rất bức xúc. Điển hình như một số tuyến phố: Lê Văn Hưu, Nguyễn Du, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Ngô Quyền, Nguyên Hồng, Láng Hạ, Nhà Chung…

Trong đó, phố Lê Văn Hưu, đoạn từ  Thi Sách đến phố Huế, nơi tập trung nhiều hàng quán, khách đến dùng điểm tâm, ăn sáng, uống cà phê được nhân viên hướng dẫn đậu, đỗ song song dưới lòng đường, bất chấp cả dòng phương tiện đang ùn ứ. Trên đường Nguyễn Hữu Huân, nhiều tài xế con, xe taxi và cả xe máy cũng phải loay hoay để thoát ùn tắc giữa hai hàng ô-tô đậu, đỗ.

Phố Nguyên Hồng nhỏ hẹp, được Sở GTVT cắm biển phân làn một chiều ô tô để đảm bảo các phương tiện được lưu thông thông suốt, thế nhưng, việc dừng đỗ trái phép của hàng loạt phương tiện, đã khiến con phố này thường xuyên chịu cảnh ùn tắc kéo dài vào các giờ cao điểm.

Không giấu được bức xúc, anh Đỗ Hoàng Nam (phòng 1708 - T18, phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội) tâm sự, tôi về sống ở khu vực này đã 5 năm rồi, nhưng ngày nào cũng phải sau một hồi chen lấn xô đẩy mới về được đến nhà. Hai con phố Trung Hòa, Nguyễn Thị Định to đẹp như  vậy, lòng đường xấp xỉ 15 mét nhưng chiều tối nào cũng ùn tắc.

Nguyên nhân theo tôi, chính là do việc dừng, đỗ trái phép của hàng loạt phương tiện. Tuyến phố Trung Hòa chỉ được cấp phép trông xe một chiều, nhưng ngày nào cũng có hai hàng xe đỗ song song chiếm chọn toàn phần đường dành cho xe máy, xe đạp, dẫn đến tình trạng các phương tiện này phải luồn lách, dồn dứ mỗi khi đi qua đây.

“Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng không hề được giải quyết triệt để, thỉnh thoảng lực lượng chức năng đi qua có xử lý nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Nếu chỉ xử lý phần “ngọn” như vậy thì sẽ rất khó giải quyết triệt để tình trạng này” – anh Nam tâm sự.

Tương tự như trước nhà hàng số 46 Láng Hạ ôtô của khách thường xuyên đậu, đỗ song song. Vào giờ cao điểm buổi chiều tối, lượng khách ra vào tấp nập, càng gây thêm ùn tắc trên tuyến đường này. Phố Nhà Chung có lòng đường hẹp và gần như không có vỉa hè nhưng có đến hàng loạt khách sạn, nhà hàng người dân và người đi đường rất vất vả khi gặp xe du lịch, taxi dừng đón, trả khách trên đường

Ai chịu trách nhiệm?

Thực tế trên cho thấy, khi cấp phép kinh doanh và cấp phép xây dựng cho các nhà hàng, khách sạn, cơ quan, nhưng cơ quan chức năng lại không để ý đến chỗ đậu, đỗ ôtô. Vì thế, khi các cơ sở này hoạt động, biến vỉa hè và lòng đường chung trở thành bãi dừng, đỗ xe của mình.

Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết tận gốc tình trạng này, các cơ quan cấp phép xây dựng và cấp phép kinh doanh nên yêu cầu chủ đầu tư khách sạn, nhà hàng... bổ sung thiết kế, xây dựng tầng hầm, sân bãi đỗ xe mới được cấp phép(!?).

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia giao thông cũng thống nhất rằng, trong lúc cơ sở hạ tầng giao thông đang yếu kém, việc trả lại lòng đường, vỉa hè là thực sự cần thiết. Nhưng chính họ cũng băn khoăn trước câu hỏi: Lòng đường, vỉa hè là của ai? Ai là người sở hữu đích thực ? Và nếu đòi lại lòng đường vỉa hè thì ai trả? Trả cho ai?

Các chuyên gia cho rằng: Theo phân công công việc, Sở GTVT thành phố có nhiệm vụ tổ chức giao thông ở lòng đường các tuyến phố, còn việc quản lý hoạt động ở vỉa hè  UBND TP giao cho UBND quận/huyện cấp phép sử dụng,  quận, phường vừa có trách nhiệm giữ trật tự đô thị, vừa được giao nhiệm vụ thu thuế kinh doanh trên phần diện tích cấp phép sử dụng.

Từ đó, đã tạo ra mâu thuẫn, mẫu thuẫn ở chỗ muốn người dân đóng thuế trên vỉa hè thì phải để họ kinh doanh, mà đã kinh doanh thì việc “tận dụng” vỉa hè, lòng đường được coi như đương nhiên. Một bên anh hô hào thuế, một bên anh hô hào trật tự, chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Hơn nữa, nói như một cán bộ công an phường Ngô Thì Nhậm, lực lượng cảnh sát trật tự mỗi phường chỉ có 5-7 người, địa bàn rộng dù có thay phiên nhau đi tuần tra tuyên truyền nhắc nhở cũng vẫn không đủ người. Hoặc là, mỗi khi thấy xe tuần tra đến, người dân nghiêm túc chấp hành, xe vừa đi họ lại quay lại đỗ đúng chỗ cũ.

Đã thế, vào những giờ cao điểm có khi còn phải xuống đường cùng lực lượng CSGT, TTGT để phân làn. Do đó xử lý triệt để tình trạng dừng đỗ tràn lan thực sự là bài toán “khó”.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này