Lao động thất nghiệp:

Chưa tận dụng hết quyền lợi về đào tạo nghề

16:08 | 08/04/2016
Sau 7 năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), hiện phần lớn người lao động (NLĐ) mới chỉ quan tâm đến tiền trợ cấp thất nghiệp khi bị mất việc mà quên “sử dụng” quyền được giới thiệu việc làm và học nghề miễn phí - giá trị ưu việt của chính sách (BHTN).
chua tan dung het quyen loi ve dao tao nghe Trường nghề đầu tư triệu đô, tuyển sinh lay lắt
chua tan dung het quyen loi ve dao tao nghe Học nghề dễ kiếm việc làm

Trong khi đó, đây lại là cơ sở để đảm bảo NLĐ có được việc làm tốt và bền vững hơn. Do đó, thay đổi nhận thức về vấn đề này cho NLĐ đang được các cơ quan chức năng nỗ lực tìm giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ cũng như hiệu quả đưa vào thực tiễn cuộc sống của chính sách nhân văn này.

NLĐ không mặn mà với hỗ trợ học nghề

Thống kê quý 1.2016 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho thấy, 3 tháng đầu năm 2016 có trên 7.100 NLĐ đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như xin được tư vấn giới thiệu việc làm, trong đó có trên 6.800 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.

chua tan dung het quyen loi ve dao tao nghe
    Ảnh  minh họa

Tuy nhiên, số người có quyết định nhận hỗ trợ học nghề chỉ vỏn vẹn 314 người. Như vậy, tỷ lệ NLĐ xin hỗ trợ học nghề đối với NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ chiếm 4-5%. Riêng năm 2015, số người học nghề ở Hà Nội có tăng lên 6,5%, khoảng hơn 2000 NLĐ học nghề.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm GTVL Hà Nội - cho biết, đa số LĐ thất nghiệp là LĐ phổ thông, đời sống vốn khó khăn nên khi bị mất việc NLĐ chỉ quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến tìm việc làm ổn định thu nhập.

Theo Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg của Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ sẽ được hỗ trợ kinh phí để hỗ trợ học một lần, học một nghề tại cơ sở dạy nghề, mức hỗ trợ phụ thuộc vào thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học là 600.000 đồng/tháng đối với khóa học nghề trên 3 tháng hoặc 3 triệu đồng/người/khóa học đối với khóa học nghề dưới 3 tháng.

Hơn nữa, NLĐ ít có cơ hội lựa chọn nghề vì các danh mục nghề đào tạo của cơ sở dạy nghề chưa phong phú, nghề đào tạo lạc hậu, mức phí đào tạo cao. Cơ sở dạy nghề không mặn mà tiếp nhận do chiêu sinh không đủ, người lao động đăng ký học nghề nhưng không đi học.

Chính vì không mặn mà với học nghề nên nhiều NLĐ không tìm được việc làm có thu nhập tốt. Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết: Số người được hỗ trợ học nghề khi tham gia BHTN vẫn còn thấp so với tổng số được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống khó khăn, không có nguồn dự trữ, nên họ chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp.

Nhiều người trong số họ có tâm lý muốn dành thời gian tìm kiếm công việc khác để duy trì cuộc sống, rồi mới tính đến học nghề. Mặt khác, các công ty ở khu công nghiệp chỉ tuyển lao động phổ thông, NLĐ có xu hướng chuyển về địa phương tìm việc mới nên không có nhu cầu học nghề.

Thế nhưng  trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới sẽ diễn ra ngày càng sâu rộng, sẽ có một bộ phận NLĐ thất nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh hoặc do lần đầu tiên tham gia thị trường lao động.

Vì thế, “Bộ LĐTBXH đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về chính sách BHTN với nhiều hình thức. Trong đó, tập trung tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách và quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHTN được bù đắp một phần thu nhập khi bị mất việc; được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí…nhằm giúp người thất nghiệp sớm tìm được chỗ làm mới”.

Tín hiệu đáng mừng

Mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thí điểm tổ chức phiên giao dịch lưu động tại Khu công nghiệp Đông Anh nhằm trợ giúp NLĐ vừa thất nghiệp. Đây là lần đầu tiên tại Hà Nội có phiên giao dịch việc làm dành riêng cho NLĐ đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Sự ưu tiên đặc biệt nhằm giúp NLĐ không phải di chuyển xa và có nhiều lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện Đông Anh. Kết quả, đã có 330 NLĐ trong số 700 LĐ đang hưởng BHTN trên địa bàn đã được trải nghiệm mô hình thí điểm đầu tiên và 61 NLĐ đã tìm được việc làm tại chỗ, hàng chục LĐ không thuộc diện hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng có cơ hội tìm việc làm từ phiên giao dịch này.

Theo đánh giá của các chuyên gia LĐ, trong 330 người đến tuyển dụng tại phiên giao dịch, có 220/330 lao động BHTN có trình độ sơ cấp nghề và LĐ phổ thông, chiếm 67% tổng số LĐ BHTN có nhu cầu tìm việc; có 90/330 lao động BHTN có trình độ cao đẳng - trung cấp nghề, chiếm 27 % tổng số lao động BHTN có nhu cầu tìm việc.

Đáng nói, có 20/330 LĐ BHTN có trình độ đại học , chiếm 06% tổng số lao động BHTN có nhu cầu tìm việc làm.  Công việc mong muốn là quản lý, kế toán, kỹ thuật… Ngoài ra, còn có nhiều đối tượng LĐ khác như: LĐ tự do, LĐ chưa tìm được việc làm, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên trên địa bàn Đông Anh và các khu vực lân cận đã đến tham gia tìm việc, học nghề… tại phiên GDVL huyện Đông Anh.

Chị Thu Quỳnh, một NLĐ từng là nhân viên của một công ty may cho biết, chị đã được một doanh nghiệp ngành giải khát tuyển thẳng với mức lương khá hơn trước. Ở thời điểm này tìm được việc làm như ý quả là niềm vui với chị. Tương tự, nhiều NLĐ đã tìm được việc làm ở các vị trí công nhân, quản lý, kế toán…

Theo đánh giá, dù có 61 NLĐ tìm được việc làm ngay tại phiên giao dịch nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng. Trong thời điểm cung cầu lệch lạc, NLĐ đã biết tìm đúng địa chỉ để tìm việc là điều cần làm. Các cơ quan chức năng cũng tìm mọi cách để hỗ trợ NLĐ thất nghiệp với nhiều cách làm mới cũng là một tiền đề tốt cho công tác hỗ trợ việc làm sau này.

Ở cấp vĩ mô, để giải quyết vấn đề này, theo ông Doãn Mậu Diệp, thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tăng cường tuyên truyền chính sách BHTN nói chung và tuyên truyền về tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề nói riêng. Cùng với đó sẽ cải cách trình tự, thủ tục hỗ trợ để tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho NLĐ tham gia BHTN.

Bộ sẽ rà soát hệ thống chính sách các trung tâm dịch vụ việc làm để có đội ngũ cán bộ tư vấn làm việc chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khuyên NLĐ tham gia BHTN đầy đủ; chủ động tìm hiểu các quy định của BHTN. Cùng với đó là tận dụng chính sách hỗ trợ thất nghiệp để sớm có việc làm, giữ chỗ làm việc và thăng tiến trong công việc. Còn chủ sử dụng lao động tham gia và đóng BHTN theo đúng quy định.

Đặc biệt, tuyên truyền chính sách BHTN cho NLĐ cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định về BHTN.

K.Thoa 

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này