Vẫn chuyện “thừa thầy, thiếu thợ”

14:31 | 05/04/2016
Theo "phân khúc" của các nhà tuyển dụng, lao động (LĐ) có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên được coi là có trình độ cao. Những LĐ có thời gian đào tạo từ 3 tháng trở xuống được các nhà tuyển dụng coi là nhóm LĐ phổ thông. Nhưng có một nghịch lý là LĐ trình độ cao làm công việc của LĐ phổ thông đang trở nên phổ biến càng khiến câu chuyện “thừa thầy, thiếu thợ” đáng quan tâm hơn.
Giải tỏa áp lực “thừa thầy, thiếu thợ”

Vẫn chuyện “thừa thầy, thiếu thợ”

Trong các phiên giao dịch việc làm, chỉ tiêu tuyển dụng lao động có trình độ đại học luôn chiếm tỷ lệ thấp. Ảnh: Bá Hoạt

Trong các phiên giao dịch việc làm, hội chợ việc làm thời gian qua, chỉ tiêu tuyển dụng LĐ có trình độ đại học luôn chiếm tỷ lệ thấp nhất, trung bình dưới 30%. Trong khi đó, nhu cầu tìm việc làm của nhóm LĐ này luôn từ 70% đến 80%. Thực tế này đang khiến cung - cầu trên thị trường LĐ trình độ cao mất cân bằng nghiêm trọng.

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, năm 2015, Hà Nội tổ chức 166 phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch việc làm tập trung cũng như tại các quận, huyện. Qua các phiên giao dịch việc làm, chỉ có 30% chỉ tiêu được đáp ứng trong mỗi phiên. Lý do được các nhà tuyển dụng đưa ra là họ muốn tuyển LĐ phổ thông, LĐ giản đơn với mức lương trung bình 3-5 triệu đồng/tháng.

Thế nhưng, trong số những ứng viên tìm đến các phiên giao dịch việc làm, rất nhiều LĐ có trình độ đại học và họ mong muốn có việc làm ở vị trí tốt với mức lương cao. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ năng làm việc, họ đã không tìm được một việc làm như mong muốn. Một số LĐ khác có trình độ đại học nhưng chấp nhận những vị trí làm việc với mức lương thấp hơn, tương đương với trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Song, một số nhà tuyển dụng có kinh nghiệm vẫn thẳng thừng từ chối dù có nhiều phiên không tuyển đủ lao động với các vị trí làm việc giản đơn.

Cũng bởi theo các nhà tuyển dụng, rất nhiều LĐ có trình độ đại học, cao đẳng cũng không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp do thiếu kỹ năng nghề, thiếu thực tế. Hầu hết những LĐ này có những kiến thức lý thuyết khá tốt nhưng lại thiếu kỹ năng nghề. Nhiều ứng viên tốt nghiệp đại học bằng khá nhưng khi vào việc chính lại không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, cũng không có khả năng phát triển. Ông Thanh Vũ, đại diện Công ty V&M cho biết, Công ty có nhu cầu tuyển LĐ tốt nghiệp đại học, cao đẳng nên chọn được 20 bộ hồ sơ sáng giá. Tuy nhiên, sau quá trình sàng lọc, đơn vị này chỉ chọn được 3 LĐ đúng chuyên ngành đạt yêu cầu để thử việc.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, mỗi phiên giao dịch có từ 500 đến 700 chỉ tiêu tuyển dụng. Tuy nhiên, có tới 70% đến 80% chỉ tiêu tuyển LĐ trình độ trung cấp, LĐ phổ thông; khoảng 10% đến 30% các vị trí tuyển dụng dành cho LĐ có trình độ đại học, cao đẳng. Trong khi đó, số LĐ đến xin việc làm đa phần là tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Tại phiên giao dịch việc làm cuối tháng 3, Nguyễn Thị Hồng, một cử nhân Trường Đại học Thương mại cho biết: Em mong muốn tìm được việc làm lương cao nhưng nhu cầu của doanh nghiệp khắt khe nên chỉ chọn được việc làm nhân viên marketing hoặc bán hàng. Trước mắt, em chấp nhận có một việc làm để trang trải chi phí hằng ngày, khi có cơ hội sẽ thi tuyển công ty khác.

Theo kết quả phân tích dự báo thị trường LĐ Hà Nội 2015-2016, số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển LĐ giản đơn, LĐ thủ công là rất lớn và đặc biệt ở nhóm LĐ nghề bậc cao. Tuy nhiên, lượng LĐ này lại không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng khiến cung vẫn chưa đủ cầu. Và điều này cũng đang đặt ra cho các nhà quản lý trong việc đào tạo nghề theo yêu cầu và nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc phân luồng học sinh giữa việc học nghề và học lên đại học với trình độ chuyên môn sâu ngay từ cấp phổ thông trung học là điều rất cần thiết. Việc này nhằm giúp các em có định hướng đúng đắn về nghề nghiệp, phát huy được khả năng, sở trường của mình trong suốt cả cuộc đời.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này