Kẽ hở chính sách bị lợi dụng?

12:07 | 29/03/2016
Gần đây, tình trạng vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá phức tạp. Việc xử lý vi phạm còn nhiều nhiêu khê, trong đó có những “kẽ hở” về chính sách nên đã vô tình để đối tượng vi phạm lợi dụng.
Phát triển “công nghiệp không khói”: Nhiều chính sách kích cầu
Các doanh nghiệp nhỏ chưa nắm rõ chính sách hỗ trợ từ nhà nước

Trong phiên chất vấn HĐND TP. Hà Nội đầu tháng 12.2015, trao đổi về vấn đề liên quan đến vấn đề quản lý đô thị, trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, sở rất muốn xử nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, nhưng các quy định mới của Chính phủ lại cho phép các sai phạm không ảnh hưởng đến quy hoạch thì vẫn cho tồn tại. Quy định này không phù hợp với đặc điểm của Hà Nội. Ngoài ra, việc quản lý các công trình trên địa bàn giữa Trung ương và Hà Nội cũng có vấn đề.

Kẽ hở chính sách bị lợi dụng?
Việc xử lý vi phạm không thống nhất của các cơ quan chức năng đã dẫn tới công trình xây dựng vi phạm vẫn vi phạm.

Được biết, 3 năm qua, Hà Nội áp dụng Nghị định 26/2013/NĐ-CP chuyển đổi mô hình hoạt động của thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn bằng lực lượng thanh tra của Sở Xây dựng. Song hành với Nghị định này, quy trình, thẩm quyền trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng được áp dụng Nghị định 180/2007/NĐ-CP (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng). Áp dụng 2 Nghị định này, các cấp chính quyền được quyền ban hành các quyết định hành chính trong việc đình chỉ, xử phạt, ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Trong khi đó, lực lượng thanh tra xây dựng chỉ thực hiện được quyền kiểm tra, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị ủy ban nhân dân các cấp xử lý. Sự phân cấp quản lý này, yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa lực lượng thanh tra chuyên ngành và chính quyền cơ sở. Nếu không có sự thống nhất, việc bỏ lọt vi phạm, không đi đến cùng sự việc là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động theo mô hình hợp quản, năng lực hoạt động của thanh tra xây dựng yếu hẳn đi, việc quản lý trực tiếp 24/24h thực sự có vấn đề.

Đơn cử như Dự án Chung cư cao tầng Mỹ Sơn Tower (số 62 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn làm chủ đầu tư, đã có nhiều sai phạm nghiêm trọng, Đội Thanh tra Xây dựng quận Thanh Xuân đã nhiều lần lập biên bản vi phạm hành chính, UBND phường Thanh Xuân Trung đã ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình. Thế nhưng mới đây, một trong những lá đơn xin nối lại điện, nước của chủ đầu tư này lại xuất hiện “bút phê” của lãnh đạo quận Thanh Xuân yêu cầu Chủ tịch phường Thanh Xuân Trung có văn bản đến Công ty Điện lực Thanh Xuân cấp điện trở lại cho công trình bị đình chỉ.

Hay như dự án số 25 Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) do Công ty Đầu tư TNHH RITM Mekong làm chủ đầu tư với những sai phạm nghiêm trọng, Phòng Cảnh sát Môi trường (CA TP.Hà Nội) đã yêu cầu Công ty Mekong chấm dứt ngay các hành vi vi phạm để khắc phục hậu quả; Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa cũng đã lập Biên bản xử phạt vi phạm hành chính số 26/BB-VPHC và yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thi công ngừng mọi hoạt động thi công công trình, vệ sinh vỉa hè, lòng đường khu vực xung quanh... Thế nhưng, yêu cầu ngừng thi công của cơ quan chức năng xem ra bị vô hiệu, bởi ngay sau đó, công nhân ở đây vẫn ráo riết làm việc, mọi hoạt động vẫn diễn ra như thường, ngang nhiên thách thức pháp luật.

Thực tế trên cho thấy, sự chéo ngoe, không thống nhất trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng giữa các cơ quan chức năng liên quan đã đẩy việc xử lý vi phạm vào tình thế không có hồi kết. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, nếu chỉ đổ cho kẽ hở của chính sách dẫn đến việc Hà Nội có hàng trăm công trình xây dựng là chưa khách quan, bởi cái cốt yếu vẫn là người thực thi chính sách, sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, ngoài việc điều chỉnh chính sách, các cơ quan, tổ chức, chính quyền cần nghiêm túc, quyết liệt hơn trong việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho sai phạm.

Mới đây, tại Hội nghị Cán bộ chủ chốt học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết ĐH Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội – nêu rõ: “Về quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng, thanh tra xây dựng bị kỷ luật, đồng chí là cán bộ hợp đồng bị cách chức, thì vẫn chưa đủ mạnh. Ban thường vụ Thành ủy lần này rất cương quyết, phải quy trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu, giám đốc sở phải chịu trách nhiệm, chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm. Không thể để tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục diễn biến mà xử lý không đủ mạnh để phòng ngừa và răn đe”.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này