Nỗi khắc khoải của người phụ nữ 42 năm bị trao nhầm:

Còn hi vọng chúng tôi còn đi tìm

16:13 | 14/03/2016
“Khi mẹ nói tôi không phải là con ruột do mẹ đích thân sinh ra…đầu óc tôi quay cuồng, trái tim tôi như có ai bóp nghẹt. Hai mẹ con ôm nhau khóc rất lâu. Khi ấy, bàn tay gân guốc của mẹ lại vỗ nhè nhẹ lên vai tôi, với hơi thở đứt quãng mẹ thì thầm vào tai tôi: Dù mẹ có tìm ra con ruột của mình, con có tìm lại được cha mẹ đẻ của con, thì con mãi mãi vẫn là con gái của mẹ, con đến với mẹ đó là duyên trời định” – đó là tâm sự của chị Tạ Thị Thu Trang, người bị trao nhầm cho bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (ở phố Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) suốt 42 năm qua.
Huyện Mê Linh quyết liệt thực hiện cải cách hành chính
Triển lãm “Khói trời mênh mông”

Éo le của số phận

Gặp chị Thu Trang (SN 1974) tại ngôi nhà của gia đình trên phố Quán Thánh, ẩn sau gương mặt rắn rỏi của chị, chúng tôi có thể cảm nhận được tận sâu trong tâm hồn chị là sự mong ngóng, khắc khoải. Chị bảo, kể từ khi câu chuyện của mình chính thức được sáng tỏ, nhiều cơ quan, tổ chức cũng đã sát cánh cùng gia đình với mong muốn tìm lại nguồn gốc cho chị, tìm lại người con gái thất lạc cho mẹ Hạnh.

Nhiều lúc, tin vui đến dồn dập bởi chính quyền đã khoanh vùng những người sinh cùng thời gian với chị (10/10/1974), có thời điểm số người chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, niềm vui tưởng như đến gần ấy lại vụt mất, bởi hầu hết không có ai sinh tại nhà hộ sinh quận Ba Đình cùng với chị tại thời điểm đó, lúc ấy, chị và những người thân trong gia đình lại tiếp tục sống trong sự chờ đợi, khắc khoải…

Còn hi vọng chúng tôi còn đi tìm
Chị Tạ Thị Thu Trang xúc động khi kể lại những ký ức của mình

Cuộc đời trái ngang của chị Thu Trang được bắt đầu vào ngày “định mệnh” (10/10/1974), khi ấy, mẹ chị bây giờ là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh chuyển dạ tại Nhà hộ sinh Ba Đình (phố Phan Huy Ích, Ba Đình, Hà Nội - sau này là Nhà hộ sinh 12 Lê Trực) và sinh ra một bé gái. Theo lời bà Hạnh kể lại cho chị Trang, sau khi sinh, con gái ruột của bà Hạnh được đánh số vào chân cùng một số với mẹ là 33, rồi được chuyển ra ngoài chăm sóc. Nhưng khi nhận lại con, bà lại thấy, số thứ tự được đánh trên chân đứa trẻ là số 32. Biết có sự nhầm lẫn, bà và chồng nhanh chóng tìm các bác sĩ, y tá để hỏi nhưng được giải thích rằng, do lúc tắm cho bé, số 33 bị mờ, mất móc nên thay bằng số 32, chứ không phải nhầm con.

Khi ấy, vì những đứa trẻ sinh cùng thời điểm với con bà Hạnh đều đã được gia đình đưa về nhà, nên vợ chồng bà đành ôm đứa trẻ số 32 về. Bé gái sau đó được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Kể từ đó, gia đình bà Mai Hạnh nuôi nấng và yêu thương Thu Trang như con ruột của mình. Thời gian trôi đi, Thu Trang ngày một lớn và có nhiều nét không giống như 3 chị em còn lại, với linh cảm của một người mẹ, khi đó bà Hạnh đã cảm nhận được Thu Trang không phải là con ruột của mình. Nhưng để bảo vệ con trước sóng gió cuộc đời, trước lời dèm pha của hàng xóm, thậm chí là của chính chồng mình (ông nghi ngờ Thu Trang là con của bà Hạnh với người đàn ông khác), bà vẫn cam chịu, thậm chí khi ấy bà càng yêu thương, chăm sóc cho Thu Trang còn nhiều hơn những chị em còn lại.

Để khẳng định linh cảm của mình là đúng, vào năm 1998, bà Mai Hạnh âm thầm đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm ADN, kết quả hoàn toàn trung khớp với linh cảm bao nhiêu năm qua của bà. Thế nhưng, không muốn cuộc sống của con gái nhỏ bị xáo trộn, không muốn con mặc cảm khi biết sự thật, người mẹ ấy đã quyết định dấu kín trong lòng cùng với ý định “sống để bụng, chết mang theo”. Đặc biệt tình cảm của bà dành cho cô con gái Thu Trang còn nhiều hơn gấp bội.

Còn hi vọng chúng tôi còn đi tìm
42 năm qua mặc dù sống với thân phận không phải là con ruột, nhưng chị Thu Trang vẫn nhận được rất nhiều tình yêu thương của mẹ Mai Hạnh và những người thân yêu trong gia đình

Nhớ lại thời điểm ấy, chị Tạ Thị Thu Vân (con gái lớn của bà Hạnh) kể lại, ngay từ nhỏ mẹ vẫn thường thương yêu Thu Trang nhiều hơn các chị em còn lại, nhưng không vì thế mà chúng tôi ghen ghét hay đố kỵ. Lúc ấy chỉ nghĩ rằng, có thể do em còn nhỏ nên được mẹ yêu thương hơn. Sau này lớn lên cũng vậy, Trang vẫn luôn được mẹ chăm sóc, yêu thương, vỗ về. Thậm chí nhiều hôm mẹ ốm nằm đó, khi chúng tôi đến thăm và chăm sóc mẹ, mẹ đều bảo muốn được Trang chăm sóc, muốn thấy Trang bên cạnh mẹ - khi ấy mẹ đã biết Trang không phải là con ruột của mình, nhưng tình yêu thương của mẹ dành cho em không vì thế mà mất đi, thậm chí nó còn được nhân lên gấp bội.

Mong lắm ngày đoàn tụ

Hơn 5 tháng trôi qua kể từ ngày Thu Trang chính thức được mẹ Mai Hạnh cho biết về sự thật cuộc đời mình, cho đến tận bây giờ chị vẫn không thể nào quên được từng cử chỉ, nét mặt căng thẳng, thậm chí là đến cả hơi thở của mẹ lúc đứt quãng, lúc dồn dập khi chuẩn bị nói ra sự thật với người con gái mà bà đã nuôi nấng, chăm sóc, yêu thương suốt 42 năm qua. Chị nhớ lại: “Khi đó ở nhà chỉ có tôi và mẹ, mẹ bảo tôi đóng cửa hàng lại mẹ có chuyện rất quan trọng muốn nói với tôi, mặc dù không biết chuyện mẹ muốn nói là gì, nhưng qua nét mặt căng thẳng, hơi thở gấp gáp của mẹ, tôi cảm thấy lo lắng vô cùng.

Mẹ nắm chặt tay tôi, nhìn thẳng vào mặt tôi, bất chợt hai hàng nước mắt chảy tràn trên gương mặt nhăn nheo của mẹ, mẹ kể cho tôi nghe qua từng tiếng nấc nghẹn…khi nghe mẹ nói tôi không phải là con ruột của mẹ, tôi cứ ngỡ như mẹ nói đùa…Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau rồi khóc, trái tim tôi lúc ấy như có ai bóp nghẹn lại”.

Cũng theo chị Trang kể lại, không phải chờ đến lúc mẹ Mai Hạnh nói ra sự thật rằng chị không phải con gái do mẹ dứt ruột sinh ra, thì trước đó đã có thời điểm chị Trang mường tượng rằng mình không phải là con của mẹ. Bởi chính ngoại hình khác xa với các chị em còn lại, cùng những dị nghị, dèm pha của hàng xóm. Những lúc tôi bị cha mắng hay trách móc, tôi khóc rất nhiều, lúc ấy mẹ lại kéo tôi ra một góc sau nhà rồi an ủi, vỗ về và khóc cùng tôi. “Tận sâu trong trái tim mình, ngay khi mẹ nói ra sự thật tôi chỉ mong rằng, kết quả xét nghiệm của mẹ có một công đoạn nào đó bị sai và rồi đó không phải là sự thật. Vì sao ư? Bởi tôi sợ, tôi sợ sẽ không còn được mẹ yêu thương, không còn nhận được sự sẻ chia tình cảm của những người thân trong gia đình. Thế nhưng tôi đã nhầm, sau khi mẹ nói ra sự thật tôi còn nhận được tình cảm nhiều hơn trước. Mẹ yêu tôi nhiều hơn, chồng và con tôi cảm thông với tôi nhiều hơn”, chị Trang xúc động.

Còn hi vọng chúng tôi còn đi tìm
Căn nhà trên phố Quán Thánh nơi chị Thu Trang lớn lên

Sự thật về cuộc đời của mình đã được sáng tỏ, nhưng đã có lúc chị Thu Trang từng hỏi mẹ Mai Hạnh rằng, liệu người con gái của mẹ hiện nay có biết về sự nhầm lẫn oan trái này không? rằng nếu biết thì liệu cuộc sống gia đình có bị xáo trộn…thậm chí, ngay bản thân chị cũng tự nhủ rằng, liệu khi chị tìm được gia đình, tìm được nguồn gốc của mình rồi, thì gia đình chị có nhận chị hay không?.

Những câu hỏi ấy, suy nghĩ ấy cứ đeo bám chị suốt thời gian qua, như hiểu được suy nghĩ ấy mẹ Mai Hạnh đã từng nói với chị rằng, mẹ mong muốn một lần được gặp lại con đẻ của mình, được thấy con sống mạnh khỏe, hạnh phúc và mong muốn chị Thu Trang biết được nguồn gốc của mình, khi đó mẹ không bắt buộc ai phải lựa chọn để về với mẹ hay từ bỏ mẹ cả. Các con đều là con của mẹ và mẹ sẽ lại có thêm một người con nữa.

“Mẹ bảo tôi rằng, tôi và mẹ được làm mẹ con với nhau đó là cái duyên trời định. Vì thế, kiếp này tôi được làm con của mẹ, nếu có kiếp sau tôi cũng sẽ mong muốn được làm con của mẹ nữa, nhưng không phải trong tình cảnh éo le như thế này. Tôi đã là mẹ của 3 đứa con, nên tôi hiểu những hi sinh, mất mát và cả những cam chịu mà mẹ đã phải trải qua trong suốt thời gian qua. Đó là sự mất mát không gì bù đắp nổi, điều đau đáu nhất của tôi hiện nay đó là, cố gắng hết sức lực của mình để tìm ra người con gái thất lạc về cho mẹ, bây giờ tìm chưa thấy và nếu còn hi vọng, thì tôi sẽ dành cả cuộc đời này để đi tìm”, chị Thu Trang nghẹn ngào.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này