Chuyện về ngôi mộ chôn tập thể ở Văn Lâm Hưng Yên (kỳ 2):

Khi cái chết không được lưu danh

08:29 | 05/03/2016
Vẫn còn rất nhiều nhân chứng chứng kiến những giây phút hào hùng của thôn xóm thời bấy giờ, chứng kiến những đòn tra khảo dành cho 60 người bị bắt và cả sự hy sinh của 10 người đã ngã xuống trong trận càn năm đó.  
Chuyện về ngôi mộ chôn tập thể ở Văn Lâm Hưng Yên (kỳ 1)

Tiếp tục hồi tưởng về câu chuyện của cha mình, ông Cống bồi hồi: Năm 1957, sau khi sạch bóng quân Pháp chiếm đóng tại địa phương, UBND xã Dị Sử thông báo cho UBND xã Đại Đồng về việc có chôn cất 10 người con trong Đội tự vệ của thôn Đại Từ bị giặc xử bắn năm 1948. Gia đình ông và những gia đình có người thân nằm xuống đã liên hệ với xã Dị Sử để xin di cốt về mai táng tại Xứ đồng Cầu thợ, xóm Đình Đông, thôn Đại Từ. Vì trong lúc mai táng ban đầu, bà con chôn chung, nên khi cất bốc di cốt người nhà ông và các gia đình khác đành phải cải táng và chôn chung người thân mình trong cùng một huyệt tại quê hương.

Trong 10 người nằm xuống có 7 người có con, 2 người chưa vợ và 1 người chưa có con. Người trẻ nhất 19 tuổi, nhiều tuổi nhất là 28 tuổi. Các con của những người nằm xuống hồi đó cũng chỉ khoảng 9-10 tuổi gì đó. Họ đều còn dại, tuy nhiên đủ để biết và chứng kiến những chuyện không may xảy đến với cha mình. Sau này lớn lên họ đều tiếp bước cha mình để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Một số nằm lại chiến trường, một số trở về làng và đều là đảng viên với hơn 40 năm tuổi đảng.

Kiệt sức vì đi vinh danh cho người nằm xuống

Hòa bình lập lại, gần 70 năm trôi qua sau cái chết của 10 thành viên trong Đội tự vệ. Chính quyền địa phương cũng dần quên lãng. Chỉ có con cháu và bà con chòm xóm thường nhắc tới ngôi mộ chôn tập thể 10 người, nhắc tới những kỷ niệm một thời hào hùng của Đội tự vệ tham gia phá đường tàu, bốt địch thời bấy giờ và cũng lý giải cho con cháu biết tại sao ngôi mộ to mọc giữa cánh đồng chỉ có một bia nhưng lại ghi tên 10 người trên đó, luôn có khói hương nghi ngút.

Khi cái chết không được lưu danh

Danh sách 10 người nằm chung một mộ tại Văn Lâm, Hưng Yên

Nhắc tới đây, dáng ông thu về, ngồi dựa lưng vào tường. Đôi mắt đã ngả nâu, có phần rướm lệ khi nói về việc ông và các gia đình đã làm đơn đến chính quyền đề nghị công nhận cha ông và 9 người nằm dưới mộ kia là liệt sĩ. Ông và gia đình đã kiệt sức khi phải vác đơn, phải chờ đợi giải quyết chế độ từ chính quyền địa phương.

“Đã 10 năm nay, ông và gia đình đã đi nhiều nơi, kêu nhiều chỗ để vinh danh cho cha mình. Tuy nhiên đều nhận được sự im lặng, hay có chăng là những câu trả lời cho qua loa rồi thôi”, ông chùng giọng.

Đã có một cuộc họp tổ chức vào tháng 9/2012, có sự tham dự của Sở Lao động – TB &XH tỉnh Hưng Yên, người đại diện huyện Văn Lâm cũng như chính quyền xã Đại Đồng và nhân chứng được mời tới theo sự giới thiệu của chính quyền địa phương mà không có mặt đại diện 10 gia đình tham dự cuộc họp. Sau cuộc họp, họ chuyển cho gia đình ông 1 biên bản ghi kết luận 10 người nằm dưới mộ kia chỉ là dân thường bị bắt và bắn chết, không phải du kích. Điều này chắc chứn chính quyền làm sai, bởi cuộc họp có liên quan tới người làm đơn lại không mời người đủ các bên lên chứng kiến.

Kết luận là vậy, nhưng sự hy sinh của 10 người nằm dưới mộ chôn tập thể kia luôn được người dân địa phương nhắc tới bằng cả sự kính trọng.

Vẫn còn rất nhiều nhân chứng chứng kiến những giây phút hào hùng của thôn xóm thời bấy giờ, chứng kiến những đòn tra khảo dành cho 60 người bị bắt và cả sự hy sinh của 10 người đã ngã xuống trong trận càn năm đó.

Cụ Tạ Lương, nguyên là Bí thư huyện ủy Văn Lâm lúc bấy giờ, nay là lão thành cách mạng; hay như ông Lê Văn Kiến nguyên là Phó ban tuyên giáo huyện Văn Lâm; cụ Nguyễn Thị Dĩ với 67 năm tuổi Đảng,…. là những người trực tiếp chỉ đạo, hay hoạt động cùng Đội tự vệ lúc bấy giờ vẫn kể vanh vách và nhớ như in những ngày tháng thống khổ đó. Họ đều khẳng định 10 người nằm dưới mộ kia đều là đội viên Đội tự vệ thôn Đại Từ, xã Đại Đồng. Các cụ đều còn rất minh mẫn và tự tay viết đơn xác nhận là nhân chứng cho hoạt động của 10 Đội viên này.

Ở cái tuổi gần đất xa trời như ông và những người khác trong công cuộc đi vinh danh cho cha mình, ông cũng cảm thấy thấm mệt. Mắt ông đã mờ, chân đã mỏi “có lẽ tôi sẽ không sống được đến ngày cha mình được vinh danh là Liệt sỹ nữa rồi, tôi đã mệt rồi”. Nói đến đây ông như cảm thấy tuyệt vọng, và bất lực trong bổn phận một người con mong muốn trước khi nằm xuống thấy cha mình và đồng đội được công nhận là Liệt sỹ. Đó cũng là tâm nguyện của cả đời ông, kể cả trong những năm tháng ông tham gia chiến đấu chống Mỹ gian khổ, hay thời bình hiện nay.

Điều ông buồn nhất không phải việc vinh danh cho cha mình nhằm mục đích vụ lợi, mà chính là trả lại cái danh cho cha, để luôn nhắc con cháu sau này biết được rằng xưa kia ông, cụ của con cháu ông đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ nền hòa bình của dân tộc. “Nhưng điều đó thật khó!” – ông thở dài.

Lời kết

Ghi chép lại câu chuyện của ông Nguyễn Văn Cống 76 tuổi, nguyên là cựu Thanh niên xung phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tôi không khỏi ngậm ngùi xúc động. Thiết nghĩ, nếu chính quyền địa phương lắng nghe những lời này của ông, nếu như chính quyền địa phương tìm hiểu cặn kẽ, dò hỏi từng người – những nhân chứng trong buổi càn ác liệt đó và hiện còn sống tới tận bây giờ, có lẽ câu chuyện về việc vinh danh cho cha mình của ông sẽ kết thúc, dù đúng dù sai cũng sẽ làm cho ông và những gia đình còn lại cảm thấy yên lòng hơn.

Câu chuyện của ông được viết trong thời điểm mới đây Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Chương trình phối hợp tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng với các đối tượng là: Liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong kháng chiến và thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng đã được ban hành. Trên cơ sở kết quả rà soát, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người có công.

Nguyễn Thanh (ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này