Chọn phương án xây Cầu vượt sông Hương cần có một Hội đồng cấp Quốc gia!

19:59 | 27/02/2016
Cầu vượt sông Hương (Huế) ngoài yêu cầu về kỹ thuật còn có yêu cầu về mỹ thuật, ý nghĩa lịch sử, văn hóa thơ mộng bên dòng sông Hương. Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của cây cầu này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc thi hiến kế để tìm phương án tối ưu nhất. Qua 2 lần thi tuyển, mới đây, phương án kiến trúc Cái Nón đã được lựa chọn. Nhưng dư luận chưa đồng tình vì phương án chưa đáp ứng yêu cầu lịch sử, văn hóa đặt ra.
Bitexco triển khai nhiều dự án tại Thừa Thiên Huế
Không có chuyện thành phố Huế chặt bỏ 3.500 cây xanh
Bài học từ dự án trên đèo Hải Vân

Báo Lao động Thủ đô nhận được nhiều ý kiến phản đối phương án kiến trúc Nón Lá của Ủy ban nhân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như Sở GTVT Thừa Thiên Huế. Có cả những ý kiến của người trong ngành GTVT, của những đơn vị thiết kế có uy tín trong ngành cầu.

Được biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao cuộc thi chọn phương án xây dựng cầu bắc qua Sông Hương cho Ban đầu tư xây dựng giao thông, thuộc sở GTVT Thừa Thiên Huế tổ chức. Cuộc thi này đã phải tổ chức tới lần thứ 2. Bởi lần thứ nhất vẫn không chọn được phương án dự thi nào đẹp và ý nghĩa.

Chọn phương án xây Cầu vượt sông Hương cần có một Hội đồng cấp Quốc gia!
Đã hai lần tổ chức thi vẫn chưa tìm được phương án tối ưu cho việc xây cầu bắc qua Sông Hương từ đường Nguyễn Hoàng - Kim Long- Nguyễn Phúc Nguyên qua đường Bùi Thị Xuân, TP Huế

Thời gian tổ chức dự thi lần thứ 2 diễn ra từ ngày 22/12/2015 đến ngày 22/02/2016. Ban tổ chức đưa ra yêu cầu các phương án dự thi phải đậm đà bản sắc văn hoá, lịch sử của Huế; kết cấu phải hiện đại,...

Được biết, sau hơn 2 giờ đồng hồ chấm thi, Hội đồng chọn ra ba giải: Giải nhất 84 điểm với hình tượng kiến trúc Cái nón; Giải nhì 74 điểm với hình tượng kiến trúc là Vầng trăng xứ Huế và giải ba 72 điểm với hình tượng kiến trúc là Núi Ngự Bình.

Một hội đồng chấm thi gồm 11 người đã được Ban tổ chức thông qua. Cuộc thi thu hút sự tham gia của 13 đơn vị tư vấn tham gia, trong đó có 12 đơn vị trong nước và 1 đơn vị nước ngoài. Đến ngày hết hạn có 20 phương án của 13 đơn vị đã nộp phương án dự thi.

Được biết, Ban tổ chức đã yêu cầu bài thi phải có 5 tập bản vẽ thiết kế sơ bộ; 5 tập thuyết minh kèm bản vẽ phối cảnh kiến trúc công trình; các bản vẽ khổ Ao trình bầy phối cảnh toàn bộ công trình cầu các góc nhìn,... ; đĩa DVD chứa video clip các phương án và toàn bộ hồ sơ đã in ra giấy. Qua đó cho thấy, khối lượng cũng như nội dung trình bầy cho một phương án khá nhiều.

Thế nhưng, ngày 24/12/2016 Hội đồng bắt đầu chấm điểm, thời gian chấm lại diễn ra rất nhanh, từ 9 giờ đến 11 giờ (khoảng hơn 2 tiếng) của buổi sáng ngày 24/02/2016. Và phương án mang tên Cái Nón đã được Hội đồng thông qua.

Dư luận cho rằng, chỉ có hơn 2 giờ đồng hồ làm sao các thành viên của hội đồng đọc hết được nội dung của từng phương án như đã nêu ở trên. Liệu hội đồng đã làm hết trách nhiệm của mình khi Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như những người dân Huế, yêu Huế tin tưởng gửi gắm?

Theo nhiều người trong nghề, phương án đoạt giải Cái Nón đã quá gò ép, bởi bảo là cái nón thì hội đồng hiểu là Cái Nón chứ thực chất đó là 4 cái cột bê tông cốt thép soải chân ra biên cầu, chụm đầu vào nhau để treo xiên 2 bên mút ngoài hè đường người đi bằng hệ thống dầm ngang. Mỗi dầm ngang dài khoảng 42m. Nhìn về hình dáng thi không hề giống Cái Nón mà trông giống Kim Tự Tháp. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng phương án này lạc đề.

Còn những người trong nghề thì cho rằng phương án này rất xấu, nặng nề, kết cấu chịu lực phức tạp và thi công rất khó khăn. Phương án này không chứa đựng được nét văn hoá và ý nghĩa của xứ Huế vốn đã đi vào thi ca, nhạc họa.

Với phương án Vầng Trăng, theo nhiều chuyên gia, nhìn dọc sông trông nó như chữ O bằng bê tông cốt thép khổng lồ đặt giữa cầu. Nhìn dọc cầu thì nó như một đốt ống cống bê tông cốt thép đặt giữa cầu. Phương án này cũng xấu và cũng không chứa đựng một nét văn hoá gì của Huế.

Phương án Núi Ngự Bình, xét về ý nghĩa nghĩa văn hoá có nói đến núi Ngự Bình, nét đẹp rất riêng của Huế, nhưng xem về thiết kế, kết cấu thì lại không đạt, nếu không muốn nói là rất xấu, nặng nề, thi công lại phức tạp.

Nhiều ý kiến cho rằng, so sánh các phương án đoạt giải với phương án Thuyền Rồng thì phương án Thuyền Rồng hơn hẳn về ý nghĩa văn hoá, lịch sử... Đặc biệt cây cầu lại xây tại vùng đất Kim Long (Rồng Vàng), tại bến đò Kim Long xưa. Nếu không xây dựng hình tượng kiến trúc mang đậm bản sắc văn hoá, lịch sử của mảnh đất Kim Long xưa e rằng là một khuyết khiếm lớn.

Thêm nữa, ở Việt Nam chỉ có 3 địa phương đủ "tư cách" làm Thuyền Rồng là Hà Nội, Huế và Ninh Bình. Bởi đó đã và đang là Kinh Đô. Thì đây là cơ hội cho Huế làm cây cầu Thuyền Rồng tại vùng đất Kim Long. Và, Thuyền Rồng đôi Nhà Nguyễn xây tại đất Kim Long thì nên đặt tên là cầu Kim Long.

Dư luận chưa đồng ý kết quả chấm điểm của Hội đồng chấm thi này và đề nghị UBND Thừa Thiên Huế nên thành lập một Hội đồng chấm thi cấp Quốc gia gồm các nhà chuyên môn cầu cao cấp, các nhà văn hoá lớn, các nhà sử học lớn của Việt Nam để thẩm định lại kết quả cuộc thi này và lựa chọn được phương án tối ưu nhất.

Dưới đây là video clip mô tả phương án kiến xây cầu vượt sông Hương mang tên Cầu Thuyền Rồng và cầu Cây Đàn.

Phương án thiết kế mang tên cầu Cây Đàn.

Công trình Cầu vượt Sông Hương thuộc dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, thành phố Huế, vị trí xây dựng cầu bắc qua Sông Hương từ đường Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên qua đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế.

Cầu giao bằng với các đường Kim Long, Nguyễn Phúc Nguyên và đường Bùi Thị Xuân, có chiều dài dự kiến 385m, chiều rộng 40,5m. Tải trọng thiết kế cầu HL93; khổ thông thuyền theo tĩnh không thông thuyền của cầu Dã Viên là +4,75m; khổ thông thuyền có thể thay đổi theo phương án kiến trúc dự tuyển.

Thu Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này