Hà Nội: "Tứ trấn" hút khách đi lễ đầu xuân

10:27 | 17/02/2016
Trong đời sống tâm linh của người Việt, đền chùa là chốn linh thiêng, tôn kính. Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến, xuân về. Họ đến đây để cầu bình an, may mắn và tìm sự yên bình, thanh thản. Đây là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa tâm linh và phong tục, tập quán, tín ngưỡng ngàn đời của người dân Việt   
Hà Nội có điểm gửi xe miễn phí!
Tò he, kẹo kéo kiếm “bạc triệu” ngày Tết
Bãi đá sông Hồng thu hút khách du Xuân
Nô nức xuống phố đón chờ năm mới
Hà Nội: Biển người đông nghẹt các khu vui chơi dịp đầu năm mới
Du xuân không đơn giản

Đã thành thông lệ, vào dịp Tết nhiều người chuẩn bị cho mình những chuyến du xuân, trong đó có việc đi lễ chùa đầu năm.

Tại Hà Nội, lời đồn đi lễ quanh năm không bằng Tứ trấn được lan truyền. Chính vì thế, đây cũng là 4 điểm thu hút đông đảo du khách ngày đầu năm.

Hà Nội:
Đền Kim Liên - một trong 4 Tứ trấn của Hà Nội

Trong đó, “Tứ trấn Thăng Long” xưa, nổi tiếng với bốn ngôi đền thiêng thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí huyết mạch trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ngày nay người Hà Nội cũng chọn nơi này để tham quan, lễ bái đầu năm cầu mong sự bình yên và may mắn.

Có mặt tại Tứ trấn vào ngày mùng 9 tháng Giêng (tức ngày 16/2), chúng tôi được biết, dù lượng khách đổ về Tứ trấn đã giảm nhiều so với những ngày trước đó, song tại đền Voi Phục – Trấn phía Tây những hàng xe ô tô đỗ dài dưới lòng đường, bãi đỗ xe máy cũng được xếp ken dày.

Hà Nội:
Đền Voi Phục - trấn phía Tây kinh thành Thăng Long xưa

Trò chuyện với chúng tôi, bà Xuân, một trong những người bán kẹo kéo trong sân đền cho biết: “Bà bán kẹo kéo ở đây lâu rồi. Đây là một trong những ngôi đền thiêng thờ thần Linh Lang. Những ngày đầu xuân, mọi người nô nức kéo về đây lễ bái cầu may rất đông. Hôm nay (16/2) là ít hơn nhiều so với mấy ngày trước rồi đó...”

Hà Nội:
Bãi gửi xe trong sân đền chật kín

Tương tự như đền Voi Phục, tại trấn phía Nam, ngôi đình – đền linh thiêng Kim Liên cũng luôn trong tình trạng đông khách thập phương lễ bái, cầu may. Nơi đây là đền thờ Cao Sơn Đại Vương - Tương truyền thần là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, là một trong 50 người con theo mẹ lên núi, đã cùng Sơn Tinh chống lại Thuỷ Tinh mang lại bình yên cho muôn dân trăm họ.

Hay tại ngôi đền cổ Bạch Mã - một trong những ngôi đền cổ và linh thiêng bậc nhất ở Hà Nội, nằm ở hướng chính đông, là một trong tứ trấn của kinh đô Thăng Long xưa. Đền thờ thần Long Đỗ tức Bạch Mã, vị thần thiêng bảo hộ kinh thành Thăng Long, trấn giữ hướng Đông.

Trong những ngày đầu năm này, mọi người về đây cúng bái rất nhiều. Ngôi đền thiêng Bạch Mã nằm nép mình trong lòng khu phố cổ, nên ngoài người dân Hà Nội nơi đây còn thu hút được lượng lớn những du khách nước ngoài tới đây tham quan, vãn cảnh và tìm hiểu những đặc trưng văn hóa đền chùa tâm linh của người Việt.

Hà Nội:
Đền Bạch Mã -Tứ trấn phía Đông

Chị Hoa, nhân viên một công ty gần đền nói: “Năm nào mình và các chị cùng cơ quan cũng rủ nhau đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới. Năm nay cũng vậy, tranh thủ tuần đầu vẫn còn dư âm, dư vị ngày Tết, công việc chưa nhiều, sếp lại dễ tính nên mọi người lên cơ quan một lúc rồi kéo nhau đi chùa lễ bái, cầu may. Hơn nữa mình là người Việt Nam trọng tâm linh, người ta đi mà mình không đi thì cảm giác bất an, sợ thần linh quở trách.”

Nhắc tới “Tứ trấn Thăng Long” nổi tiếng đất kinh kỳ, chắc chắn không thể thiếu Đền Quán Thánh – ngôi đền trấn giữ phương Bắc thành Thăng Long.

Đền Quán Thánh, nơi thờ cúng văn hóa tín ngưỡng của người Hà Thành suốt nhiều năm qua, là một trong tứ trấn thờ Huyền Thiên Trấn Vũ vị thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái phá hoại đời sống yên lành vùng chung quanh thành Thăng Longtrấn giữ phương bắc thành Thăng Long.

Hà Nội:
Đền Quán Thánh - một trong những đền thờ linh thiêng hội tụ nên tứ trấn Thăng long nổi tiếng đất kinh kỳ

Là một người coi trọng phong tục, tập quán tâm linh, cô Liên, Ba Đình chia sẻ: “Năm mới mà không đi lễ chùa, không du xuân tới “tứ trấn Thăng Long” cô cứ thấy thiếu thiếu gì đó, và có cảm giác xuân đó không được trọn vẹn. Mấy ngày Tết vừa qua, cô cùng gia đình bận đi chúc tết họ hàng, nhà này, nhà kia nên chưa đi lễ chùa được, đành để hết Tết, đến hôm nay mới rủ mấy cô, mấy chị hàng xóm cùng chuẩn bị lễ cúng lên chùa thắp hương, cầu trời khấn phật cho cả năm được bình an, mạnh khỏe.”

Đinh Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này