Trang trí đào ngày Tết Nguyên đán

11:37 | 05/02/2016
Chơi đào ngày tết là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Cây đào hay cành đào tượng trưng cho sắc Xuân, cho sự ấm cúng của mỗi gia đình khi tết đến, xuân về.
Chợ hoa Tết rực rỡ sắc Xuân
Những món mắm từ Bắc vào Nam ngon độc đáo cho Tết Bính Thân
Đào, quất rộn ràng đón Xuân

Cứ mỗi độ xuân sang, tết đến, trên phố phường Hà Nội lại ngập tràn sắc đỏ thắm của đào bích, phớt hồng của đào phai, trắng ngần của đào bạch (loại đào này hiếm, ít nơi có). Dòng người khắp nơi đổ về tấp nập. Trên tay người cầm hoa, người chở đào, người mua quất. Tiếng nói cười, tiếng kì kèo bớt một thêm hai tạo thành không khí mua bán nhộn nhịp đông vui và ngập tràn sắc xuân.

Trang trí đào ngày Tết Nguyên đán
Đào bích (ảnh minh họa)

Thú chơi đào Tết của ông cha ta ở miền Bắc đã có từ rất lâu. Tục truyền rằng: Ngày xưa, ở phía Đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ hàng ngàn năm tuổi, cành lá xum xuê, gốc xù xì, tán rộng khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng lớn. Trên cây hoa đào khổng lồ ấy có hai vị thần cai ngự tên là Trà và Uất Lũy, uy quyền mạnh mẽ, rộng lớn che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ hay ma quái nào bén mảng đến ắt khó tránh khỏi sự trừng phạt của hai vị thần linh. Ma quỷ khiếp sợ uy vũ sấm sét của hai vị thần nên sợ luôn cả cây đào, chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng bỏ chạy xa bay.

Ðến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, hai thần Trà và Uất Lũy phải lên Thiên đình chầu Ngọc hoàng. Trong mấy ngày Tết, hai thần vắng mặt ở trần gian nên để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ. Việc làm này từ đó trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình.

Từ đó cho đến ngày nay, cành đào đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền Việt Nam, với nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Bởi vậy, mỗi dịp Tết đến xuân về, mỗi gia đình dù không quá dư dả cũng cố gắng có một cành đào trong nhà.

Trang trí đào ngày Tết Nguyên đán
Đào trắng (ảnh minh họa)

Trang trí đào ngày Tết Nguyên đán
Đào phai (ảnh minh họa)
Trang trí đào ngày Tết Nguyên đán
Đào thế (ảnh minh họa)

Cây đào trong phong thủy được xem là tinh hoa của Ngũ hành. Đào không những có thể trị bách quỷ, xua đuổi tà ma mà nó còn là biểu tượng cho sự đổi mới và sức sinh sôi phát triển mạnh mẽ nên khi đón năm mới, các gia đình hay trồng đào trước cửa nhà.

Đối với đào thế thì điều kiện đầu tiên là gốc to, xù xì, thân cây khỏe, tươi tắn. Cành to, cành nhỏ(dăm) phải vút thẳng ra ngoài tán, nụ trải đều từ đầu đến cuối. Hoa đã nở thì đường kính to, cánh không bị dập nát. Cần có sự hài hòa giữa lá và hoa, giữa cây và chậu.

Đối với đào cành, điểm chú ý trước nhất phải là tán tròn, hoa (nụ) được phân bố đều khắp trên cành, các nhánh nhỏ đều nhau. Nên chọn cành mới được cắt từ trên cây, thì mới có sức sinh trưởng mạnh, hoa giữ được lâu.

Dù là đào thế hay đào cành cắm trong lọ thì cần chọn những cành có 3 thế hệ: hoa, nụ và lộc non. Nên mua loại có dăm nhỏ ngắn và cành già (màu nâu), các nhánh chính tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm trên thân. Đào dăm nhỏ thường có rất nhiều nụ và mập mạp, khi hoa nở có cánh dày trông rất đẹp và cân đối. Còn những cành đào có dăm to thường ít hoặc hoa thưa thớt, trưng ngày Tết trông sẽ không đẹp mắt.

Nguyễn Hương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này