Phố xưa nghề cũ cựa mình

20:48 | 07/02/2016
Buổi sáng chủ nhật đầu xuân, mưa bụi giăng giăng bay, con phố cũ co mình trong giá lạnh. Ngày nghỉ, phố hình như uể oải dậy muộn hơn mọi ngày.
Động lực cho các làng nghề chế tác biểu tượng truyền thống
Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề

Thế nhưng, ngó từ quán nước chè bà Tám đầu phố Hàng Nón, băng qua đống phế phẩm cũ ngổn ngang trước cửa, đã thấy ông Chức lui cui kéo cửa, dọn đồ nghề. Với dân phố Hàng Thiếc này, ai cũng quen với nếp ấy của ông Chức mấy mươi năm nay. Đúng 7 giờ 30 sáng là ông mở hàng, không có khách thì quanh quẩn gò mấy thùng phi cũ cho đỡ buồn chân tay. Ông Chức năm nay đã ngót 80. Lòng bàn tay ông nổi đầy những vết chai sần to cỡ đồng xu, ngó qua đủ hiểu đó là đôi tay người thợ chuyên cầm búa, cầm đục. Nghề gò tôn với ông Chức là nghề gia truyền 4 đời. Bây giờ, anh Hiển - con trai ông giờ cũng theo nghề bố. Và có lẽ, phố Hàng Thiếc – dù chỉ dài chưa đầy 300 mét với hơn trăm hộ dân là một trong những nơi mà cả phố cùng làm một nghề, có nghĩa là vẫn giữ nguyên phong vị “phố hàng” của đất kinh kỳ xưa.
Cơn lốc kinh tế thị trường cuốn băng theo nó những hình tích cổ, cũ của Hà Nội 36 phố phường thuở xa xưa. Nghề ở phố giờ cũng ào chạy theo nhu cầu của thị trường, hào nhoáng những cửa hàng thời trang, nhà hàng, khách sạn đón khách Tây. Đó là quy luật đời sống khó cưỡng. Nhưng phố cổ Hà Nội vẫn mang trong mình sức sống mãnh liệt tích tụ từ ngàn năm.

Phố xưa nghề cũ cựa mình
Anh Nguyễn Văn Hiển cặm cụi với việc gò tôn.

Như con phố Hàng Thiếc, từ lúc khai sinh trải qua những dập vùi thời gian vẫn chuyên cần nghề cổ. Phố ấy khi xưa vốn là khu vực của thợ thủ công chuyên nghề đúc thiếc làm những vật dụng gia đình thời cũ như cây đèn thắp dầu lạc, cây nén, lư hương, ấm pha chè, chóp nón...Họ vốn là nhóm thợ lành nghề từ làng Phú Thứ, huyện Hoài Đức (Hà Đông) lên đất kinh kỳ tụ lại mà thành phố nghề. Trước phố chuyên nghề làm hàng thiếc sau đổi sang làm sắt tây nên người Pháp gọi là Rue des Ferblanties (phố thợ làm hàng sắt tây). Nhưng cái tên phố Hàng Thiếc đã được định hình, gọi riết thành quen mãi đến tận ngày nay.

Có một thời, cứ sắp đến Tết Trung thu thì Hàng Thiếc lại nhộn nhịp thêm vì mọi nhà đều cắt sắt tây vụn ra làm các thứ đồ chơi cho trẻ em - như ôtô, xe lửa, tàu thuỷ, tàu bay, đèn quả đào có cô tiên, đèn bướm vỗ cánh, thỏ đánh trống, đoàn lính tập... Ngoài đồ hàng làm bằng sắt tây, ở Hàng Thiếc sau này còn có thêm những nhà làm đồ dùng bằng tôn kẽm, cũng là những thứ gia dụng, tôn lại lâu gỉ, bền hơn sắt tây. Thợ làm tôn sắt không cần nhiều vốn, nguyên liệu rẻ, kỹ thuật đơn giản, chỉ mất công gò hàn, nên hầu hết các cửa hàng ở phố chỉ có quy mô kinh doanh nhỏ. Việc gò hàn làm ngay trong nhà, cũng là chỗ tiếp khách. Lò than hồng luôn đặt ngay bên cửa. Suốt ngày trên phố vang tiếng đập thùng và căng sắt ồn ào. Hàng làm ra bày bán trước cửa và treo quanh tường.

Hàng Thiếc dần dần có thêm một số người buôn tôn kẽm tấm, buôn kính tấm lớn, kính hoa lắp cửa những ngôi nhà hiện đại. Rồi nữa, lại có thêm nghề tráng gương, mài kính gương. Từ chỗ bán kính, gương, rồi làm ống máng ống nước, sau dân phố này kiêm thêm cả buôn bán các thiết bị nhà tắm, nhà vệ sinh bằng sứ. Và đến giờ, dù có thêm nhiều mặt hàng tân thời nữa, nhưng Hàng Thiếc vẫn là “phố sắt thép” nhộn nhịp tiếng mài, tiếng cưa, tiếng búa chí chát suốt ngày.

Nhiều người Hà Nội gốc, hay kể cả những người tứ xứ trót yêu mảnh đất kinh kỳ cứ lẩn thẩn mong mỏi, Hà Nội phố nghề khi xưa được tái lập thì hay biết nhường nào. Cứ nghĩ đó là ước vọng quá vãng, nhưng lạ thay, tuy không thể có một phố toàn nhà một nghề như tên phố ngày xưa, nhưng cái nếp truyền thống trong không khí lao động xưa đang cựa mình sống dậy. Người Việt ta thường nói “buôn có bạn, bán có phường” và câu ấy nhìn đi nhìn lại, chẳng hề sai với những tiểu thương trên phố Hàng Chiếu, hàng Da, phố Hà Trung hay phố Nguyễn Hữu Huân - trước là phố Bắc Ninh.

Cụ Huỳnh Hữu Phước, 93 tuổi, là thế hệ thứ 3 sinh nhai trên phố Hàng Chiếu. Cụ móm mém kể: “Lai lịch con phố này thì phải là cha ông tôi mới tường tận. Phố này xây trên thôn Thanh Hà cũ của huyện Thọ Xương, trước bán nhiều chiếu cói và còn cả bát. Thời ấy, người ta hay gọi đây là phố Hàng Bát. Thời Pháp, phố có tên là Rue Jean Dupuis - là nơi chuyên buôn súng ống đạn dược cho quân đội Pháp”.

Phố xưa nghề cũ cựa mình
Một góc phố Hàng Mã.

Trải qua biến thiên của thời cuộc, vào những năm 1980 của thế kỷ trước, lính Pháp từng nổi lửa đốt trụi cả dãy phố và rồi chính con phố này lại trở thành một trận địa chiến đấu của quân ta trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp. Nghề kiếm sống của dân phố cứ thế thay đổi theo hoàn cảnh, duy chỉ cái tên Hàng Chiếu vẫn mộc mạc, dân dã như thế. Và cũng từ cái tên ấy, trong vài năm qua, một người, hai người rồi hầu như cả phố đều quay ra bán chiếu. Dù chẳng thể kỳ công dệt chiếu như xưa, nhưng phố Hàng Chiếu nay vẫn bán đủ các loại chiếu khác nhau được nhập về từ các làng nghề. Đôi chỗ, có nhà còn bán cả chiếu nhựa tân thời.

Hay như phố Hàng Da từ thuở khai sinh lập phố chuyên bán các loại da trâu, bò thuộc. Đây là nơi bày bán, còn nơi sản xuất (tức thuộc da) thì ở trong khu vực giữa ngõ Tạm Thương và phố hẹp Yên Thái, vì nơi đó có nhiều bãi rộng thuận tiện cho việc phơi phóng. Phố sầm uất đến mức có hẳn chợ Hàng Da, một thời chủ yếu bán da trâu, bò sống phơi khô. Đến giờ, dù đã thay đổi nhiều, nhưng Hàng Da vẫn là nơi người Hà Nội nhớ đến khi muốn mua các đồ dùng chất liệu da hay giả da.

Cho đến giờ, có lẽ chỉ có những bậc cao niên nhiều đời ở phố cổ vẫn khắc khoải nhớ những phố nghề đã mất dấu theo thời gian như phố Hàng Bừa, Hàng Tàn, Hàng Khóa, Hàng Áo… Những cái tên ấy rồi sẽ chìm sâu trong ký ức, chỉ còn lặng lẽ nằm trong biên niên sử nghìn năm của vùng đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Nhưng bất chấp thời gian, hồn phố nghề xưa đang dần thành hình trở lại khi phố Hàng Đồng xưa bày bán mâm đồng, đỉnh đồng từ làng nghề Ngũ Xã, thì nay phố này đã thấy bày bán đồ đồng cổ truyền từ làng nghề Đại Bái. Phố Hàng Mã chuyên bán giấy và đồ hàng mã nhỏ, giấy để trang trí như hoa giấy, đèn giấy các kiểu... và đồ mã để cúng lễ như mũ Thổ thần, mũ ông Táo, vàng giấy. Phố Hàng Bạc bắt đầu là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tinh xảo nhất Hà thành… Điều đó đã tạo nên nét độc đáo hiếm có của đô thị Hà Nội hôm nay.

Minh Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này