Những điều ít biết về nghề nuôi khỉ ở vườn thú Hà Nội

14:13 | 04/02/2016
Tôi được Phạm Đức Quang - bác sĩ thú y, Tổ trưởng tổ chăn nuôi thú tạp - dẫn đi thăm Vườn Thú Hà Nội. Vườn thú hiện chăm nuôi nhiều nhóm động vật gồm các loài như nhím, cầy, cá sấu,… trong đó nhiều nhất là các loài khỉ thuộc bộ linh trưởng. 17 năm gắn bó với Vườn Thú Hà Nội, bác sĩ Quang có nhiều kỷ niệm với những chú khỉ tinh nghịch nơi đây. Có vài trường hợp cá biệt, những chú khỉ được đặt tên riêng như Ngộ Không, Phệ, Tí…
Chuyện phiếm với bác khỉ
Tính cách đáng yêu của loài Khỉ

Chuyện về những chú khỉ được đặt tên

Kể về Ngộ Không, bác sĩ Quang hào hứng: Năm 2000, một người bạn nước ngoài trong chuyến tham quan ở Ninh Bình đã mua nó từ người dân địa phương, mang về nuôi và trước khi về nước đã mang tặng Vườn thú Hà Nội với tên Ngộ Không. Những công nhân của vườn thú đoán, có khả năng khỉ con mới sinh do con mẹ bị bẫy, nên rất yếu và chưa tự ăn được. Do vậy, anh em chăn nuôi thay nhau pha sữa, cho ăn chẳng khác gì chăm cho trẻ sơ sinh. Lúc đói, khỉ con cũng rít lên đòi sữa, lúc ăn - ánh mắt nó long lanh đầy yêu thương. Nhóm chăn nuôi còn lập hẳn một quyển sổ để theo dõi từng bữa ăn và mức độ phát triển của Ngộ Không.

Bác sĩ Quang chia sẻ: “Loài khỉ rất tình cảm, yêu - ghét rõ ràng. Những ai có hành động thô bạo, nó sẽ phản ứng tiêu cực hoặc phớt lờ. Ngược lại, ai dành tình thương yêu, nó đáp lại và thủy chung với tình cảm ấy. Ngộ Không luôn có sự giao cảm nhẹ nhàng với người nuôi nó. Sáng nào cũng vậy, nó xán lại gần và có những cử chỉ như hất hàm, nháy mắt - thể hiện đang để ý và cần sự quan tâm. Giờ Ngộ Không đã 15 tuổi, nhưng vẫn dành tình cảm đặc biệt cho những người chăm sóc nó từ bé”.

Những điều ít biết về nghề nuôi khỉ ở vườn thú Hà Nội
Bác sĩ thú y Phạm Đức Quang theo dõi sức khỏe những chú khỉ.

Trường hợp của Tí đặc biệt hơn. Nhắc đến Tí, mắt anh Quang ngân ngấn nước. Ngày đó, Quang mới vào công tác tại vườn thú khoảng 2 năm, lãnh đạo bộ phận giao chăm sóc khỉ con mất mẹ khi mới lọt lòng. Em bé khỉ này (cách gọi đầy trìu mến của Quang) không thể tự đứng và luôn sợ hãi mỗi khi có người lại gần. Quang hiểu rõ những gì khỉ con cần là mẹ của nó. “Loài khỉ rất nhạy cảm. Khi sinh ra, nó cũng muốn được mẹ ôm ấp, cho ăn. Nó cứ ôm chặt mọi thứ và muốn dính chặt lấy mẹ” – giọng Quang rưng rưng.

Trong quãng thời gian ấy, Quang đi làm lúc nào cũng có bình sữa dắt bên hông. Lo đêm đến Tí nhớ hơi mẹ, anh xin phép lãnh đạo bộ phận hết giờ làm cho mang nó về nhà chăm sóc. Hằng ngày, hai thầy trò tung tăng trên chiếc xe đạp đi làm, gây không ít tò mò cho nhiều người thân và cả những người đi đường. Tí sống với thầy được khoảng 5 tháng thì được đưa trở lại chuồng tái hòa nhập với cộng đồng, nhưng nó vẫn bám dịt lấy Quang. Khi 5 tuổi, Tí trở thành “thanh niên” đầu đàn oai dũng, mỗi lần thấy Quang vào chuồng thăm khám, Tí vẫn trèo lên người anh ôm chặt đầy thân thiết. Nhưng đến năm 12 tuổi, Tí mất do mắc bệnh.

Quang vẫn nhớ như in ngày Tí mất. Là bác sĩ thú y, nên ngoài việc chăm sóc, chữa bệnh, mỗi khi có con thú nào mất, Quang phải mổ thăm khám để xác định nguyên nhân chết. Với những con thú đã gắn bó với mình lâu ngày, đây là việc cực kỳ khó khăn với anh.

Trước đó Tí có dấu hiệu ốm mệt, đã được đưa vào phòng cách ly để điều trị, dùng thuốc kháng sinh và thức ăn bổ trợ. Sáng hôm đó, khi Quang ra chuồng cầy thăm khám, thì thấy điện thoại gọi. Quang chạy về, người Tí vẫn còn hơi ấm. Đặt tay lên người nó, như có sự giao cảm đặc biệt, một giọt nước mắt chảy ra từ khóe mắt của Tí. Quang bảo: “Thương lắm, vì nuôi nó lâu rồi, nó gắn bó với mình, như một thành viên trong gia đình vậy, lúc nó mất, thật sự em thấy hẫng hụt”.

Bài học cuộc sống từ những bữa ăn

Theo ông Đặng Gia Tùng – Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vườn Thú Hà Nội, hiện đơn vị quản lý hơn 100 cá thể khỉ với tình trạng sinh sản tương đối tốt trong điều kiện nuôi nhốt và trưng bầy, được chăm nuôi ở hai khu vực: Khu đảo và dọc khu hươu, nai.

Những điều ít biết về nghề nuôi khỉ ở vườn thú Hà Nội
Công nhân chăn nuôi rải thức ăn cho khỉ để hạn chế xung đột.

Hiện vườn thú có 2 bác sĩ thú y và 9 công nhân chuyên chăn nuôi nhóm thú tạp. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ 8 giờ sáng với việc kiểm tra số lượng đàn, theo dõi sức khỏe và vệ sinh chuồng trại; 10 giờ đi nhận thức ăn theo khẩu phần về cho ăn và theo dõi các cá thể thu nhận thức ăn, hạn chế việc để con đầu đàn bắt nạt con yếu. Công việc buổi chiều tương tự buổi sáng và cuối ngày là nhận định tình hình sức khỏe của động vật trong ngày. Những công nhân chăn nuôi thú tại Vườn Thú Hà Nội hằng năm được tập huấn các kỹ thuật chuyên ngành khoảng 10 ngày với các chuyên gia trong và ngoài nước.

Theo quy định, khẩu phần ăn một ngày của mỗi con khỉ gồm 5 lạng hoa quả, 2 lạng rau củ (mùa nào hoa quả đó) và 1 lạng các loại hạt (lạc, hướng dương) và ít thịt động vật, nhưng được sơ chế chín. Khẩu phần ăn cho từng cá thể được xây dựng định lượng, định mức với số lượng tiêu thụ calo của mỗi con, do các chuyên gia dinh dưỡng nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ở Việt Nam, với khí hậu nhiệt đới gió mùa, hiện có 5 loài khỉ. Còn tại các vùng nhiệt đới khác như Malaysia - Đông Nam Á, Amazon - Nam Mỹ, Madagasca - Châu Phi có rất nhiều loài khỉ, từ cỡ nhỏ đến trung bình và lớn, đã được nuôi trưng bày và sinh sản thành công ở nhiều vườn thú khác trên thế giới. Trong năm 2016, Vườn thú Hà Nội dự kiến có kế hoạch cải tạo một số chuồng thú nhỏ, tạo môi trường sống phù hợp, xin phép thành phố trao đổi với một số vườn thú khác trên thế giới để có thể tiếp nhận thêm một số loài khỉ cỡ nhỏ, màu sắc đẹp có nguồn gốc Nam Mỹ để trưng bầy phục vụ nhân dân.

Cho khỉ ăn là cả một nghệ thuật. Trong Vườn Thú Hà Nội, người nuôi khỉ đã phát hiện ra một chân lý từ cuộc sống thường ngày: Không nên đưa thức ăn đến tận nơi cho các động vật nuôi, thay vào đó là đặt thức ăn vào trong các hốc cây, ống tre nứa, để khỉ có nhiều thời gian đi kiếm thức ăn. Điều đó đem lại lợi ích con thú không có thời gian quá nhàm chán, bởi khi có nhiều thời gian nhàm chán sẽ dễ dẫn đến xung đột trong đàn. Mặt khác, trong điều kiện nuôi nhốt không có đặc tính tự nhiên, nếu không được tiêu hao vào việc tìm kiếm thức ăn hay nô đùa vui chơi, cũng rất dễ làm con thú có những hành vi không mong muốn như đi lại vô thức, tự nhổ lông, đánh nhau…

Theo các chuyên gia, việc chăm sóc động vật hoang dã nói chung rất khó khăn vì động vật từ môi trường tự nhiên phải thích nghi trong điều kiện mới... nên người chăm sóc cần phải có kiến thức chuyên môn và điều cơ bản phải thực sự say mê với nghề. Vì thế, với những người chăn nuôi thú, họ đã dành tình thương yêu lớn với động vật và sự hy sinh trong một ngành nghề thầm lặng.

Hương Quế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này