Nghề công tác xã hội: Cần được đầu tư đúng mức

16:13 | 14/01/2016
Đối với nhiều quốc gia, công tác xã hội (CTXH) từ lâu  đã phát triển trở thành một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nghề CTXH mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên mọi khía cạnh. 
Nghề cần được đào tạo bài bản
Phụ nữ tham chính – chị là ai?
Công tác xã hội công đoàn Thủ đô năm 2014: Trao động lực, tạo niềm tin

Những năm gần đây, các hoạt động CTXH đã được các cơ quan và các tổ chức xã hội quan tâm thực hiện dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, xã hội Việt Nam đang nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, bất bình đẳng và ảnh hưởng đến nền an sinh xã hội. Bên cạnh những áp lực về gia tăng dân số, tỉ lệ dân số già hóa nhanh, thực trạng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành, ngược đãi, bị xâm hại tình dục…, thì nhóm đặc thù như người già, người tàn tật, người yếu thế… rất cần sự trợ giúp, can thiệp kịp thời. Thế nhưng, không chỉ thiếu đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, có trách nhiệm, Việt Nam cũng chưa phát triển mạng lưới dịch vụ xã hội đa dạng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của cộng đồng. Vì vậy, rất cần những cán bộ CTXH có trình độ chuyên môn và chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.

Nghề công tác xã hội: Cần được đầu tư đúng mức

Theo các chuyên gia, người có trình độ chuyên môn về CTXH có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành lao động, thương binh và xã hội; trong các cơ sở y tế từ trung ương tới địa phương. Ngoài ra, cử nhân CTXH cũng có thể làm việc tại các cơ sở cung ứng dịch vụ CTXH, các trường học, các trung tâm tham vấn và thực hành CTXH trong các lĩnh vực sức khỏe tâm thần, giáo dục, pháp luật, kinh tế, truyền thông, văn hóa, xã hội, môi trường, hoặc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo CTXH.

Tuy đã được nhà nước đầu tư, nhưng nghề CTXH hiện vẫn chưa được đề cao, thậm chí là mờ nhạt. Kết quả khảo sát năm 2015 cho thấy, chỉ có khoảng 10% số cán bộ làm việc trong các tổ chức cung cấp dịch vụ xã hội biết đến dịch vụ CTXH. Tương tự, người dân và cộng đồng cũng chỉ biết đến chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước, chứ ít biết đến dịch vụ CTXH khác. Đó chính là nguyên nhân khiến cho dịch vụ CTXH chậm phát triển, chưa lan tỏa, hỗ trợ cộng đồng theo nhu cầu.

Với mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, Chính phủ đã dành 2.347,4 tỉ đồng để thực hiện Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Nhờ đề án này, trong 5 năm gần đây, cả nước đã có 76 trường ĐH, CĐ, trung cấp tham gia đào tạo nghề CTXH, mỗi năm cung ứng cho xã hội thêm 2.500 - 3.000 nhân viên CTXH ở các trình độ khác nhau. Tuy nhiên, do chương trình, chất lượng đào tạo khác nhau và điều kiện còn thiếu, nhất là đội ngũ giảng viên yếu về năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp, cộng thêm thiếu thực hành, thiếu đội ngũ kiểm huấn viên nên đầu ra chưa đảm bảo yêu cầu về kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. Đó là chưa kể đến việc ngành đào tạo này chưa gắn với sử dụng, trong đó nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp đã khiến sức hấp dẫn giảm.

Theo Bộ LĐ&TBXH, đến năm 2020, Việt Nam cần đào tạo trên 60.000 nhân viên CTXH với các trình độ khác nhau và việc phát triển nghề CTXH theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế sẽ góp phần giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội. Qua đó, nhằm đảm bảo nền an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một xã hội phát triển bền vững là một xã hội tạo được sự cân đối giữa phát triển kinh tế và vấn đề an sinh xã hội. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp.

P.A

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này