Nhân sự tư vấn tâm lý trong trường học: Cần được quan tâm đúng mức

13:19 | 12/01/2016
Những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây, khiến xã hội đặt ra câu hỏi về công tác giáo dục tâm lý trong trường học ở lứa tuổi vị thành niên. Bởi lẽ, việc giáo dục tâm lý trong trường học lâu nay vẫn chưa thành bộ môn và vẫn chỉ thực hiện bằng việc dạy lồng ghép, chưa có giáo viên chuyên trách...
Ra mắt trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục
Google đang làm gì trong các lớp học?
Giáo dục năm 2015 - Một năm nhìn lại
Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, lứa tuổi học sinh hay gặp những khúc mắc trong học tập, trong mối quan hệ với thầy, cô giáo, gia đình, bạn bè... Nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời, sẽ dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, hiện nay, tại hầu hết các trường THPT trên toàn quốc, công tác tư vấn tâm lý trường học vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Theo khảo sát, việc tư vấn tâm lý, tìm hiểu tâm lý học sinh ở các trường đều được giao cho giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Trong khi áp lực từ công việc chuyên môn khiến các giáo viên không thể sâu sát hết mọi sự việc. Chính vì vậy, hoạt động tâm lý học đường trong các trường mới dừng lại ở mức độ nghiệp dư, do không có nhân sự chuyên trách.

Lý giải tình trạng trên, các chuyên gia đều cho rằng, vấn đề nguồn lực con người và tài chính khiến nhân sự làm công tác tư vấn tâm lý học đường tại các trường gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc không có chỉ tiêu cho nhân sự hoạt động tâm lý học đường buộc các trường phải linh động sử dụng các khoản kinh phí khác để ký hợp đồng, trả lương. Phía chuyên viên, do chưa được tạo điều kiện đầy đủ, nên hoạt động chưa toàn tâm, toàn ý. Ngoài ra, vấn đề định biên nhân sự cho mảng tâm lý học đường còn vướng phải khó khăn khan hiếm nguồn tuyển.

Trên thực tế, tại Việt Nam đã có một số trường ĐH sư phạm đào tạo nhân sự phục vụ Khoa Tâm lý Giáo dục, nhưng lại không đào tạo giáo viên tư vấn tâm lý học đường. Các Khoa Tâm lý của các trường Đại học Sư phạm; Đại học Khoa học xã hội và nhân văn những năm gần đây cũng đã triển khai đào tạo chuyên ngành này, nhưng chương trình đào tạo vẫn chưa đề cao tính chuyên nghiệp cho sinh viên theo học. Bên cạnh các trường đại học, hiện ở Việt Nam đã có một số đơn vị tư nhân và tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên, theo các đơn vị này, cơ quan Nhà nước vẫn chưa có chính sách chỉ đạo hữu hiệu tạo điều kiện để phát triển.

Nhân sự tư vấn tâm lý trong trường học: Cần được quan tâm đúng mức
Một buổi tư vấn cho học sinh.Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Bộ GDĐT đã tổ chức đánh giá tổng hợp các mô hình thực hiện công tác tư vấn trong học đường. Bộ GDĐT cũng đã thừa nhận, công tác tư vấn tâm lý học đường chưa được chú trọng đúng mức. Hiện tại chưa có biên chế cho cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý ở nhà trường, chưa có kinh phí hỗ trợ, chế độ đãi ngộ cho cán bộ kiêm nhiệm làm công tác này.

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu, xây dựng một số mô hình tư vấn tâm lý hiệu quả để các địa phương, trường học triển khai phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục giai đoạn mới. Cùng với đó, Bộ GDĐT cũng sẽ sớm có quyết định cho phép các nhà trường được xây dựng các phòng tham vấn tâm lý học đường với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Quan trọng hơn cả là tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tiền lương cho nhân sự làm công tác tâm lý học đường để họ thực sự yên tâm cống hiến cho ngành giáo dục.

P.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này