Năm mới, có gì mới?

10:04 | 05/01/2016
Năm mới, có gì mới? Tớ lại hỏi chú câu hỏi cũ cho năm mới 2016. -Năm mới tất nhiên phải có nhiều cái mới. Bác muốn ta “đa chiều” đầu năm về khía cạnh gì để em còn “hầu” bác?
Tản mạn cuối năm
“Có gì”

-Thì chắc cả chú, tớ mà nhiều bạn đọc đều quan tâm đến cái mảng chính sách.

-Vậy thì báo cáo bác, bắt đầu từ năm 2016 sẽ có hàng loạt chính sách mới. Thôi thì bác cho phép em “hầu” bác về các chính sách liên quan đến người lao động nhé.

-Tớ nhất trí cao. Cái anh chính sách này là nhiều người quan tâm lắm. Ta bắt đầu nhỉ!

-Trước hết là một tin mừng, từ 1.1.2016 sẽ tăng lương tối thiểu vùng từ 2.400.000đ lên 3.500.000đ cho khối lao động trực tiếp và từ 1.5.2016 sẽ tăng lương tối thiểu từ 1.150.000đ lên 1.210.000đ cho khối cán bộ, nhân viên…Tuy ít, nhưng cũng đáng mừng lắm.

-Sao tớ nghe nói khối doanh nghiệp kêu ghê lắm, bởi tăng lương tối thiểu vùng, lại áp với Luật BHXH mới sẽ phải đóng nhiều lắm, vì vậy NLĐ chưa chắc đã được tăng thu nhập mà sẽ bị DN cắt các khoản khác để bù đắp.

-Đó cũng là một phản biện từ phía các DN, song nói gì thì nói, việc giám sát thực hiện luật phải làm sao để cải thiện được đời sống NLĐ. Bác cứ yên tâm.

-Mà xung quanh chính sách mới trong Luật BHXH nghe đâu nhiều chuyện đáng bàn lắm.

-Vâng. Từ nay nếu vợ sinh nở mà người chồng có tham gia BHXH sẽ được nghỉ 5 ngày để chăm sóc vợ con.

-Chính sách này rõ là ưu việt. Sẽ không còn cảnh ông chồng đến cơ quan mà nhấp nhổm lo chuyện vợ sinh, nhất là với gia đình nào neo người. Nhưng cũng liên quan đến BHXH, vừa qua tớ thấy dư luận nói nhiều lắm. Có cái phóng sự truyền hình còn có cả cảnh “rơi nước mắt” nữa.

-À, bác muốn nói đến viêc đóng BHXH của lao động VN ở nước ngoài chứ gì. Theo quy định của Nghị định 115/2015/NĐ-CP, những đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc được chia làm hai nhóm. Nhóm trước đó đã tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% trên mức đóng tiền lương tháng trước khi họ nghỉ việc đi làm việc ở nước ngoài. Đối với trường hợp chưa tham gia BHXH thì sẽ đóng 22% của hai lần mức lương cơ sở.

-Chú thuộc bài quá nhỉ, cứ như là chuẩn bị trước ấy.

-Chuyện, nghề của em là gần gũi người lao động mà.

-Chú đã nói vậy thì nhờ chú chuyển ý kiến này của tớ đến công luận nhé.

-Em sẵn sang, nhưng bác phải “đa chiều” có lý, có tình đấy nhé.

-Tớ muốn nói, đây là mức phí không hề nhỏ trong khi người lao động làm việc trong nước chỉ đóng 8% (do được người sử dụng lao động đóng cùng). Tuy mức đóng BHXH cao hơn, nhưng người lao động làm việc ở nước ngoài lại chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất chứ không phải 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thai sản, ốm đau) như lao động làm việc trong nước. Sự chênh lệch này cho thấy sự bất bình đẳng về quyền lợi nếu so sánh với tương quan mức đóng - mức hưởng giữa những người lao động trong và ngoài nước.

-Bác hiểu luật quá còn giả vờ hỏi em. Lao động của ta ở nước ngoài đa số còn thu nhập thấp, nếu thực hiện quy định này rõ ràng số tiền phụ giúp gia đình sẽ giảm, nên chuyện “rơi nước mắt” của bác cũng là lẽ thường.

-Tớ có biết mô tê gì đâu, chả là đứa cháu đang lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) gửi cho xem cái clip cảnh các cháu bên ấy than vãn, lo lắng mới nắm được chút chút thôi.

-Đúng đó bác ạ, có một thực tế nữa là người lao động khi làm việc ở nước ngoài cũng đã cùng với DN ở nước ngoài đóng một khoản phí BHXH không nhỏ. Thông thường đó là các khoản BHXH ngắn hạn (bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm y tế) nhưng cũng có nước như Nhật Bản, quy định phải đóng cả bảo hiểm hưu trí (sau khi hết hợp đồng về nước, người lao động sẽ nhận bảo hiểm một lần). Đó là chưa kể, nhiều lao động ở huyện nghèo đã có BH huyện nghèo. Nếu quy định này đi vào thực hiện, người lao động sẽ phải đóng đến hai hoặc ba lần phí BHXH tại cùng một thời điểm.

-Vậy là cũng có cảnh “phí chồng phí” như cái anh phí đường bộ chú nhể?

-Thôi, chưa nói xong cái BHXH đã đến giờ chào năm mới rồi, em cũng chào bác nhé.

Thiện Tâm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này