Gần Tết, thực phẩm bẩn “tung hoành”

11:02 | 24/12/2015
Vào dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm lại tăng cao và nỗi lo về an toàn, vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề nóng, nhất là gần đây, nhiều vụ buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn quy mô lớn liên tiếp bị lực lượng chức năng phát hiện.
Trăm cách đối phó với thực phẩm bẩn
Thưởng đến 50 triệu đồng cho người cung cấp tin về thực phẩm bẩn

Thực phẩm bẩn oanh tạc thị trường

Chỉ riêng ngày 22.12, lực lượng chức năng tại Hà Nội và TP. HCM đã phát hiện và thu giữ nhiều tấn thực phẩm bẩn. Tại TP.HCM, đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Đội 4 - Phòng Cảnh sát điều tra về môi trường - Công an TP.HCM phối hợp với Chi cục Thú y và Quản lý thị trường) đã phát hiện và đưa đi tiêu hủy 2.055kg thịt ba rọi, nầm lợn đã bốc mùi hôi thối nồng nặc, có nhãn mác chữ Trung Quốc.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng Cao Chí Đông không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy kiểm dịch. Theo ông Đông, lô hàng này vừa được nhập vào sáng cùng ngày, chuẩn bị phân phối cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Gần Tết, thực phẩm bẩn “tung hoành”
Thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm nóng bỏng, làm nhiều người dân lo lắng.

Còn tại Hà Nội, Phòng Cảnh sát môi trường PC49 (Công an TP Hà Nội) cũng đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất mỡ lợn bẩn. Tại đây, 3 tấn mỡ nước, 1 tấn tóp mỡ đã được chế biến đang chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Trên nền nhà 300kg bì lợn, mỡ lợn đã bốc mùi hôi thối chuẩn bị được chế biến. Theo chủ cơ sở, số lượng mỡ, tóp mỡ này sẽ được bán cho các quán cơm rang phở xào, bếp ăn công nghiệp, còn bì lợn được bán cho các cơ sở làm nem bì.

Trước đó vài ngày, người dân Hà Nội cũng hoang mang, rùng mình về vụ 4 tấn ruốc bẩn trộn bột mì bị Đội Quản lý thị trường số 11(Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) bắt giữ kịp thời khi lượng hàng này đang trên đường vận chuyển từ TP. HCM ra Hà Nội để tiêu thụ. Chủ hàng, đồng thời là người trực tiếp sản xuất lô ruốc bị bắt giữ cho biết, giá bán 1kg ruốc thành phẩm ở các chợ tại Hà Nội chỉ có 40.000 đồng/kg - bằng 1/10 giá ruốc thịt trên thị trường. Chủ hàng cũng khai nhận đã mua loại gà chỉ 18.000 đồng/kg để làm ruốc, xương gà bán cho các cơ sở sản xuất bột nêm, còn nước luộc gà thì bán cho các cửa hàng bán phở với giá 40.000 đồng/can 20 lít. Nguy hại hơn, để tăng trọng lượng, chủ hàng đã trộn thêm bột mì và các loại hóa chất khác khiến loại ruốc bẩn này có thể… không mốc trong vòng 3 năm.

Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Bộ Y tế đã lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 20.12.2015 đến 25.3.2016. Bộ cũng yêu cầuư các địa phương tiến hành lập đoàn thanh tra liên ngành từ tỉnh, thành phố đến quận huyện, xã phường. Mục tiêu đợt ra quân nhằm giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Bính Thân và sau Tết.

Cũng trong tháng 12 này, Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường PC49(Công an TP. Hà Nội) đã phát hiện khoảng 1 tấn chân gà, mề gà, tim lợn… nhập khẩu bốc mùi hôi thối, đang trong quá trình phân hủy trong kho hàng đông lạnh của Công ty CP kinh doanh và chế biến thực phẩm Hà Nội. Số thực phẩm bẩn này đều không có giấy tờ về nguồn gốc, xuất xứ. Đại diện công ty khai nhận, toàn bộ số hàng hóa này được chuẩn bị bán ra thị trường Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán.

Để “phù phép” thực phẩm ôi thiu thành thực phẩm có mùi thơm như thịt tươi sống, hàng loạt các chất phụ gia, hóa chất đã được những cơ sở sản xuất, kinh doanh lén lút sử dụng nhằm tư lợi mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Cũng trong ngày 22.12, tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - C49 (Bộ Công an) phối hợp Công an Hà Nội và Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra kho hàng của Công ty thực phẩm Tâm Anh, đã phát hiện kho hàng này chứa một lượng lớn phụ gia do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ số hàng không có nguồn gốc, xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ. Đáng chú ý, trong số hàng trên có một lượng lớn bột bên ngoài bao bì ghi bột tạo mùi hương vị thịt được sử dụng để tẩm ướp thịt xông khói; phẩm màu thực phẩm không có nguồn gốc.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra

Không chỉ riêng thực phẩm bẩn, mặt hàng rượu bia, nước giải khát không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập nhèm tem mác cũng vẫn đang được bán tràn lan trên thị trường. Dạo quanh trên các tuyến phố như Hàng Buồm, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân…, các mặt hàng thực phẩm, rượu bia, nước giải khát khá đa dạng về mẫu mã. Theo quan sát của phóng viên, nhiều mẫu nước giải khát như nước Tăng lực, trà giải nhiệt bày bán tại các địa điểm nói trên được làm nhái theo mẫu mã của các sản phẩm Redbull Thái Lan và C2- O2 của Công ty URC.

Gần Tết, thực phẩm bẩn “tung hoành”

Cũng chỉ trong tháng 12 này, lực lượng chức năng của TP. Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ kinh doanh không rõ nguồn gốc. Điển hình, ngày 17.12, Đội Quản lý thị trường số 17 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội 5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CATP đã phát hiện hơn 500 thùng rượu vang loại 3l, tương đương 1.500l rượu có nhãn mác nước ngoài, nhưng đều không công bố đăng ký chất lượng theo quy định, được đóng gói trực tiếp ngay tại xưởng của chi nhánh Cty TNHH thương mại, xuất nhập khẩu Năm Sao. Lực lượng chức năng còn phát hiện hàng nghìn vỏ chai rượu đã qua sử dụng được cơ sở này thu mua.

Trao đổi với LĐTĐ, ông Nguyễn Ngọc Cầm – Đội phó đội 6, phụ trách thực phẩm PC49(Công an TP. Hà Nội) cho hay, đấu tranh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vô cùng khó khăn. Như vụ bắt giữ 3 tấn mỡ lợn bẩn kể trên, lực lượng chức năng đã phải trinh sát địa bàn nhiều thời gian mới phát hiện ra đối tượng vi phạm. Trong khi đó, nguồn thực phẩm bẩn được tuồn ra thị trường mỗi ngày lại quá nhiều.

Thực tế cho thấy, các thực phẩm bẩn, ôi thối đã gây hậu quả lớn cho xã hội, nhưng mức xử phạt vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe, nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn “nhờn”, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng để tư lợi.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho các mặt hàng thực phẩm bẩn vẫn có “đất sống” vì người tiêu dùng chưa biết cách tự bảo vệ mình. Nhiều người ham đồ rẻ mà bỏ qua chất lượng. Ông Nguyễn Ngọc Cầm khuyến cáo, để đấu tranh với thực phẩm bẩn, các cơ quan chức năng cần nâng cao công tác giám định chất lượng đầu ra. Người tiêu dùng khi mua sắm hàng hóa, thực phẩm phải biết được xuất xứ, chọn mua những sản phẩm có tem mác, hạn sử dụng đầy đủ, rõ ràng.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này