Chông chênh đời sống hôn nhân

11:41 | 20/12/2015
Xa con, tuy không phải thời chiến nhưng vợ vẫn phải xa chồng đằng đẵng là tình cảnh của không ít nữ CNLĐ đang làm việc trong hơn 260 KCN-KCX trên cả nước. Và theo số liệu của Tổng LĐLĐVN, hiện nay lượng LĐ tại các KCN-KCX trên địa bàn cả nước là trên 2 triệu người với tỉ lệ nữ chiếm tới 60-70%. Tình cảnh trên khiến cho cuộc sống hôn nhân của nữ CNLĐ vốn đã vất vả, lại chịu thêm nhiều áp lực về mặt tinh thần.
Hơn 500.000 nữ công nhân được chăm sóc sức khỏe sinh sản
Làm tất cả để đáp ứng nhu cầu đọc của công nhân, lao động
Nghèo vật chất, đói tinh thần
Chông chênh đời sống hôn nhân
Những đứa trẻ này được coi là may mắn vì vẫn được ở gần mẹ, trong các khu nhà trọ - cho dù môi trường sinh hoạt còn rất thiếu thốn. Ảnh: V.N

Vợ chồng xa cách

Nguyễn Thị N - CN KCN Bắc Thăng Long, đã có 2 con (5 tuổi và gần 2 tuổi) - tâm sự: “Mặc dù lấy nhau đã 6-7 năm, nhưng thời gian vợ chồng em ở gần nhau có lẽ chỉ được vài tháng vì chồng em công tác ở tỉnh khác, tháng chỉ về đôi lần. Khi em sinh con thì dịp cuối tuần anh ấy mới về. Do ở trọ nên cuộc sống thiếu thốn, tạm bợ và cũng như nhiều cặp vợ chồng CNLĐ khác, chúng em đành phải gửi con về quê với ông bà nội để có sự trợ giúp. Nhiều khi em suy nghĩ mình là người đã lập gia đình, nhưng “vợ một nơi - chồng một nẻo” như thế có thể gọi là cuộc sống gia đình được không?”.

Cũng ở KCN Bắc Thăng Long, tình cảnh của Bùi Thị T còn “thảm” hơn. Sau khi gửi con về quê với ông bà, T xin vào ở trong ký túc xá của Cty để tiết kiệm một khoản chi thuê nhà trọ. “Thế nhưng mỗi khi chồng tôi về, chúng tôi lại phải ra thuê nhà trọ ở tạm vì theo nội quy của KTX là không đưa “người lạ” vào phòng. Bất tiện đã đành, nhưng tôi luôn có cảm giác mình “đang quan hệ bất chính” - T ấm ức chia sẻ. Còn hoàn cảnh của Bùi Thị M ở KCN Nam Sách (Hải Dương) cũng không kém phần “éo le”: Quê Thanh Hóa, nhưng vì muốn thay đổi môi trường và tìm kiếm cơ hội hưởng mức lương cao hơn, M vào tận Bình Dương để làm việc. Tại đó, cô quen và yêu anh K là người cùng quê. Họ cưới nhau, có con, M lại ẵm con về quê gửi cha mẹ. Nhưng vì muốn gần con nên M xin làm việc ở ngoài Bắc này. Thế là: Vợ Bắc - chồng Nam, 3-4 tháng mới gặp nhau! “Nói thật với chị, xa nhau như thế này, chúng em lại còn trẻ, chưa biết rồi tình cảm sẽ đi đến đâu…” - M thẳng thắn trao đổi.

Hệ lụy

Tình trạng hôn nhân như của N, của T và của M không phải là hiếm đối với những LĐ nữ di cư - hiện chiếm tới 60-70% trong tổng số hơn 2 triệu CNLĐ đang làm việc trong các KCN-KCX trong cả nước. Cuộc sống hôn nhân “không gia đình” khiến cho các chị, ngoài việc phải chịu áp lực về công việc của đời thợ, lại phải chịu thêm những ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Bùi Thị T cho biết thêm: “Vì thỉnh thoảng chồng mới về nên nhiều khi tôi cũng chả giữ gìn. Việc mang thai ngoài ý muốn một đôi lần đã xảy ra. Những lúc đó, lại chỉ mình tôi gánh chịu hậu quả: Lặng lẽ đi phá thai ở ngoài, lặng lẽ đi làm ngay buổi chiều hôm đó. Chả phải mình tôi, mà nhiều chị em khác cũng chung cảnh ngộ. Bất chấp rủi ro, chúng tôi buộc phải chọn cơ sở tư nhân để “giải quyết” sự vỡ kế hoạch của mình với lý do, nếu làm ở cơ sở nhà nước thì rất mất thời gian. Bên cạnh đó, cũng có người vì lý do này, lý do khác do để cho thai nhi phát triển quá to, không một cơ sở y tế nhà nước nào được phép làm”.

Đó là những hệ lụy trực tiếp đến bản thân chị em CNLĐ, nhưng còn hệ lụy khác đáng lo ngại hơn rất nhiều, đó là đời sống tinh thần của cả thế hệ con cái của họ. Ngay từ thời ấu thơ, các cháu đã phải sống trong hoàn cảnh xa bố, xa mẹ. Cho dù có ông, bà, cô, dì, chú, bác chăm sóc hộ con đi chăng nữa, nhưng rõ ràng không tình cảm nào có thể thay thế được tình cảm của cha, mẹ. Suy nghĩ của Bùi Thị M có lẽ cũng là suy nghĩ chung của những nữ CNLĐ di cư, không có điều kiện trực tiếp chăm sóc con của mình: “Con em còn quá nhỏ, thời gian ở với bố chưa đáng là bao. Với tình cảnh hiện nay, có lẽ hằng năm trời bố, con mới có dịp gặp nhau. Liệu lúc đó nó có nhận ra bố? Liệu sau này tình cảm bố - con sẽ ra sao, khi bố cứ quanh năm, ngày tháng ở xa con? Rồi chuyện học hành, tương lai của con nữa… Em ý thức được rất rõ những điều này. Nhưng hiện giờ thì chưa có giải pháp nào khác, đành tạm chấp nhận vậy thôi…”.

Để phần nào giải quyết khó khăn cho LĐ nữ, đặc biệt là những LĐ đã có gia đình, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 85/2015 quy định chi tiết một số điều của Bộ luật LĐ về chính sách đối với LĐ nữ. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, để chính sách đi vào cuộc sống, Tổng LĐLĐVN giao cho Ban Nữ công nghiên cứu đề tài “Các giải pháp nâng cao chất lượng đời sống hôn nhân, gia đình của CN trong KCN hiện nay”. Được biết, công tác khảo sát đang được tiến hành và dự kiến đề tài sẽ được hoàn thành, báo cáo vào tháng 6.2016.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này