Đẩy mạnh thanh toán điện tử: Cần nâng cao chất lượng dịch vụ

06:40 | 19/12/2015
Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, thanh toán điện tử là một xu thế tất yếu, vừa tiện lợi, minh bạch lại chống tham nhũng, lãng phí. Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng khoảng 1%. Mặc dù dịch vụ thanh toán điện tử  ở nước ta thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định, nhưng vẫn còn thấp so với kỳ vọng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nội đô

Từ thói quen dùng tiền mặt...

Theo các nhà chuyên môn, với trên 120 triệu thuê bao di động (trong đó thuê bao di động 3G chiếm khoảng 30%) và trên 40 triệu người sử dụng Internet (34% trong đó truy nhập internet bằng thiết bị di động), cùng với việc người dân có rất nhiều giao dịch trực tiếp với Nhà nước như nộp thuế, giao dịch với những DN cung cấp dịch vụ công như điện, nước, thanh toán bảo hiểm, khám, chữa bệnh... thì đây là tiềm năng rất lớn cho giao dịch, thanh toán điện tử phát triển.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử: Cần nâng cao chất lượng dịch vụ
Dịch vụ thanh toán điện tử còn hạn chế nên người dân chưa thực mặn mà.

Nhưng mới đây, tại Diễn đàn “Thanh toán điện tử Việt Nam 2015” (VEPF 2015), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không kể những văn bản, quy định đầu tiên về thanh toán không dùng tiền mặt từ những năm 1960, đến năm 2005, chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, sau đó là quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử, cùng hàng loạt quyết định, nghị quyết, các đề án về chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thương mại điện tử... nhưng đến nay, tỉ lệ thanh toán điện tử còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng, kể cả giữa Chính phủ với DN, Chính phủ với người dân, DN với người dân. Thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỉ lệ đa số - khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.

Theo Phó Thủ tướng, các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật đã sẵn sàng đáp ứng mức độ thuận tiện, hiện đại, mục tiêu của Chính phủ đối với việc thúc đẩy thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, thói quen của người tiêu dùng vẫn chưa thay đổi. Để việc thanh toán điện tử được nhiều người dùng hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các bên trong hệ thống thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ. “Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ, mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Làm thế nào để thói quen đó diễn ra nhanh hơn. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thế giới nhìn vào và đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

...Đến dịch vụ thanh toán còn hạn chế

Theo tìm hiểu, người dân vẫn chưa mặn mà với thanh toán điện tử, thói quen dùng tiền mặt chỉ là một trong những nguyên nhân. Nguyên nhân khác cũng có phần quan trọng là dịch vụ thanh toán điện tử chất lượng chưa đạt như mong muốn, có những dịch vụ phí còn cao, hệ thống đường truyền vẫn còn gặp sự cố…

Ví như sử dụng thanh toán bằng thẻ ATM, theo thống kê, một thẻ tín dụng đang phải chịu hàng chục loại phí như phí thường niên khoảng 300.000 – 500.000 đồng/năm, phí rút tiền mặt, phí chậm thanh toán, phí vượt hạn mức tín dụng, phí chuyển đổi ngoại tệ... Thậm chí, có cửa hàng đến nay vẫn tính thêm phụ phí 2% trên giá trị thanh toán khi khách muốn quẹt thẻ, mặc dù theo quy định, các đơn vị chấp nhận thẻ không được phép thu các phí liên quan đến việc chấp nhận thẻ dưới bất kỳ hình thức nào, nếu vi phạm có thể bị phạt 50 triệu đồng.

Thực tế, vì lo ngại bị nộp phí phát sinh hoặc bị phạt, không ít cửa hàng từ chối khéo với lý do "máy hỏng", "hết giấy in"… Như trường hợp của chị Dung (ở phố Nguyễn Công Trứ) khi mua máy ảnh hơn 20 triệu đồng tại một cửa hàng trên phố Hàng Bài, được nhân viên thông báo phải trả thêm phí 2% nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng. Quẹt thẻ ghi nợ nội địa ATM cũng mất 1%. "Nếu không thu của khách, cửa hàng sẽ phải bù khoản 2% này. Bán một chiếc máy ảnh 10 - 20 triệu đồng, có khi cũng chỉ lãi được ngần ấy" - chủ cửa hàng chia sẻ.

Việc giao dịch điện tử như thế không chỉ diễn ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ mà còn xảy ra ngay cả trong hệ thống của nhà nước, như việc nộp thuế điện tử. Điều này thể hiện rất rõ theo thống kê của Bộ Tài chính, đã có 90% số DN đang hoạt động tại Việt Nam đăng ký nộp thuế điện tử, nhưng số lượng giao dịch còn chưa như kỳ vọng. Để cải thiện tình hình này, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều quan trọng nhất là các cơ quan phải tạo niềm tin cho DN và người dân.

Niềm tin này được xây dựng từ phần cứng và phần mềm. Trong đó, phần mềm phải được đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, thiết kế tối ưu... và phải hướng đến chuẩn quốc tế. Về phần cứng, Nhà nước cần phải đầu tư, huy động các DN công nghệ thông tin cùng xây dựng hệ thống thu thuế điện tử. Phải đảm bảo hệ thống thông suốt, không tắc nghẽn vào hạn chót nộp thuế khiến DN bị phạt. Đồng thời, các công ty công nghệ thông tin phải phối hợp chặt chẽ với ngành tài chính, ngân hàng tổ chức các sự kiện thúc đẩy thu thuế điện tử. Mở các khoá đào tạo về nộp thuế điện tử cho các hiệp hội DN, giúp các DN dễ thao tác nộp thuế điện tử.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này