Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS

Thị trường tiềm năng cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe

20:24 | 17/12/2015
Hiện nay, ở nước ta, 77,2% số kinh phí cho Chương trình quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là từ nguồn của các nhà tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn tài trợ này đang giảm dần về quy mô, phạm vi hỗ trợ và sẽ kết thúc vào năm 2017. Nhiều người lo ngại khi không có nguồn tài trợ, khó duy trì được đà giảm lây nhiễm HIV. Một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, nhóm có nguy cơ cao sẵn sàng trả tiền cho các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như bơm kim tiêm, tự xét nghiệm HIV...
Quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ
Mở cửa cho khối doanh nghiệp đầu tư phòng chống HIV
Nghệ An khởi động chương trình phòng chống HIV/AIDS theo mục tiêu LHQ

Có ý kiến cho rằng, khi nguồn tài trợ phòng chống HIV/AIDS giảm, thì việc phân phát bao cao su (BCS) và bơm kim tiêm miễn phí sẽ bị hạn chế. Điều này sẽ khiến những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao không muốn bỏ tiền ra mua vì thói quen sử dụng miễn phí lâu nay. Phủ nhận nghi ngờ này, bà Phan Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - cho biết, cách đây khoảng 20 năm người bán dâm sẵn sàng không dùng BCS nếu được trả nhiều tiền hơn. Nhưng qua các cuộc khảo sát mới đây, nữ mại dâm cho biết, dù được trả cao bao nhiêu cũng phải dùng BCS và họ luôn có sẵn BCS để tự bảo vệ mình. Tại các nhà hàng, khách sạn, BCS là một trong những vật phẩm thiết yếu phục vụ hằng ngày, như bàn chải, xà phòng...

Thị trường tiềm năng cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe
Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 15.12, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức Path đã công bố những phát hiện từ nghiên cứu thị trường và khảo sát nhu cầu người tiêu dùng về BCS, chất bôi trơn, bơm kim tiêm và dịch vụ xét nghiệm HIV... Đây là nghiên cứu đầu tiên về hàng hóa và dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV được thực hiện ở Việt Nam, nghiên cứu nằm trong các hoạt động của “Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường” được thực hiện ở 6 tỉnh, thành trọng điểm về HIV (Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ, Nghệ An và Điện Biên). Kết quả cho thấy, những người có nguy cơ cao (gồm người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm và nam quan hệ tình dục với nam) sẵn sàng chi tiền để mua các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như BCS, đặc biệt là đối với nhóm đồng tính nam.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trên 80% số đối tượng trên sẵn sàng bỏ tiền để mua BCS với giá cao hơn từ 2 - 4 lần mức giá của BCS tiếp thị xã hội. Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV hằng năm vẫn thấp (nhóm người tiêm chích ma túy là 33.2%, nhóm nữ mại dâm là 46.8% và nhóm nam mại dâm 52.6%). Mặc dù vậy, khảo sát cũng cho thấy các đối tượng có nguy cơ cao đã bắt đầu tự bỏ tiền để chi trả cho dịch vụ xét nghiệm HIV, với mức giá trung bình của thị trường (50.000 đồng/lần), còn nhóm nam mại dâm lại sẵn sàng chi trả ở mức 100.000 đồng/lần. "Từ số liệu này có thể khuyến nghị rằng, khi các nguồn lực tài trợ dành cho các chương trình về HIV bị hạn chế, Chính phủ nên ưu tiên các nhóm người có nguy cơ cao với điều kiện kinh tế kém hơn và tăng cường quảng bá các sản phẩm có chất lượng cao cho những người có khả năng và sẵn sàng tự bỏ tiền chi trả" - bà Kimberly Green (Giám đốc Dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường) cho biết.

Hiện nay, trên thị trường chủ yếu là BCS nhập khẩu (trên 90%) và việc đảm bảo chất lượng đang là vấn đề cần quan tâm, nhưng còn bị bỏ ngỏ, trong khi người tiêu dùng ngày càng sẵn lòng chi trả cho nhiều hàng hóa và dịch vụ tư nhân liên quan đến sức khỏe, như BCS chất lượng cao, tư vấn và xét nghiệm HIV, bơm kim tiêm sạch và các dịch vụ khám, chữa bệnh tư nhân. Điều đó cho thấy một thị trường tiềm năng và cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu BCS cho biết, giá thành một BCS khoảng 500 đồng/chiếc nhưng có những đối tượng mua lại BCS bị lỗi, chất lượng thấp rồi cho thêm gell bôi trơn và bán với giá 300 đồng/chiếc. Những loại BCS chất lượng thấp khi tung ra thị trường sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm rất cao, nhưng đến nay vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hương cho biết, Cục Phòng, chống HIV/AIDS không có chức năng quản lý và phòng, chống hàng giả, kém chất lượng, nhưng Cục sẽ chủ động phối hợp với Ban 389 - Ban Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để hạn chế việc lưu thông bơm kim tiêm, BCS kém chất lượng trên thị trường.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này