Giữ bình ổn quan hệ lao động cuối năm

12:37 | 15/12/2015
Cuối năm là thời điểm nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp trong quan hệ lao động, bởi đây là thời điểm các doanh nghiệp thường phải huy động NLĐ làm việc với cường độ cao để hoàn thành đơn hàng. Trong khi đó, việc trả lương, thưởng tết ở nhiều  nơi lại không được thực hiện đầy đủ. Nắm bắt thực trạng này, các cấp CĐ ở Thủ đô đã chủ động sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình cảm của NLĐ, thực hiện các giải pháp đôn đốc doanh nghiệp sớm thông báo trả lương, thưởng Tết cho NLĐ, giúp NLĐ yên tâm làm việc, giữ ổn định quan hệ lao động.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa
Chất xúc tác trong mối quan hệ lao động hài hòa

Bám sát cơ sở

Tại LĐLĐ huyện Gia Lâm, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ trong các doanh nghiệp luôn được chú trọng. Ông Nguyễn Tuấn Khanh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm - cho biết, LĐLĐ huyện thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ. LĐLĐ huyện cũng phân công các cán bộ chuyên trách bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình CNVCLĐ trên địa bàn, đề xuất và tổ chức ký kết các chương trình phối hợp, các cam kết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Giữ bình ổn quan hệ lao động cuối năm
Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội Đinh Quốc Toản tiếp xúc, lắng nghe phản ánh của CNLĐ.

“Thông qua việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật tại doanh nghiệp, LĐLĐ huyện sẽ đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ, nhất là các chế độ, chính sách liên quan đến làm thêm giờ, tiền lương, thưởng Tết, các chế độ phúc lợi. Đồng thời với việc cử cán bộ bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, tình cảm của NLĐ, cán bộ CĐ sẽ kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, những vướng mắc về chế độ chính sách, về lương thưởng nếu có để đề xuất với doanh nghiệp, các ban ngành chức năng giải quyết kịp thời”- ông Nguyễn Tuấn Khanh cho biết. Với cách làm này, mặc dù trên địa bàn huyện tập trung khá đông doanh nghiệp ngoài nhà nước, với số lượng CNLĐ ngoại tỉnh lớn, nhưng tình hình quan hệ lao động trên địa bàn huyện cơ bản được giữ hài hòa, ổn định, không phát sinh tranh chấp, kể cả dịp cuối năm.

Với số lượng lớn các doanh nghiệp FDI và hàng chục vạn CNLĐ, việc giữ gìn mối quan hệ lao động hài hòa càng được coi là nhiệm vụ quan trọng đối với CĐ các KCN&CX. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch CĐ các KCN&CX Hà Nội - cho biết, ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật, CĐ các KCN&CX chỉ đạo CĐCS phối hợp chặt chẽ với NSDLĐ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, để CNLĐ yên tâm làm việc nhằm hạn chế thấp nhất các vụ ngừng việc tập thể xảy ra. Với sự sâu sát của CĐ, việc thưởng Tết của các doanh nghiệp trong các KCN&CX được thực hiện khá tốt. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, phần lớn các doanh nghiệp đều thực hiện thưởng Tết cho CNLĐ trên kết quả công việc và thời gian làm việc tại công ty, bình quân là 1 tháng lương, nơi cao là trên 2 tháng lương và tặng quà tết cho CNLĐ. CĐ các KCN&CX Hà Nội cũng sớm lên kế hoạch chỉ đạo các CĐCS phối hợp với chuyên môn tổ chức xe đưa đón CNLĐ về quê ăn Tết, tạo tâm lý an tâm, phấn khởi và niềm tin của CNLĐ vào tổ chức CĐ, từ đó, những bức xúc được vơi bớt...

Củng cố mạng lưới dư luận xã hội

Ngoài các đơn vị nói trên, hầu hết các CĐ cấp trên cơ sở trên địa bàn thành phố đều cử cán bộ bám sát cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng công nhân; hướng dẫn CĐ cơ sở chủ động phối hợp với DN xây dựng kế hoạch trả lương, trả thưởng. Một số quận, huyện đã triển khai việc thành lập và đẩy mạnh hoạt động của tổ tự quản nhà trọ công nhân để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, diễn biến tư tưởng công nhân.

Ở cấp thành phố, LĐLĐ Thành phố thường xuyên duy trì hoạt động của mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, và tiến hành họp định kỳ hằng tháng. Tại các cuộc họp giao ban dư luận xã hội, các cộng tác viên dư luận xã hội sẽ phản ánh dư luận về tình hình đời sống, tư tưởng CNLĐ tới lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, để có biện pháp giải quyết hoặc chuyển cơ quan chức năng giải quyết.

Trong cuộc họp giao ban dư luận xã hội tổ chức gần đây, Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Ngô Văn Tuyến lưu ý: “Cận Tết là thời điểm nhạy cảm, rất dễ xảy ra tranh chấp, các cấp CĐ phải tăng cường nắm bắt dư luận xã hội; xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở. CĐ cấp trên phải duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ; thực hiện chế độ thông tin báo cáo về LĐLĐ TP các vấn đề liên quan đến tình hình quan hệ lao động trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo, giải quyết”. Phó Chủ tịch Ngô Văn Tuyến cũng chỉ đạo CĐ các cấp tăng cường giám sát tình hình trả lương, trả thưởng cho CN trong Tết Nguyên đán năm 2016. CĐ cấp trên cơ sở tham gia với DN xây dựng quy chế thưởng, thông báo kế hoạch và thời gian chi trả lương, thưởng để NLĐ an tâm.

Đối với các DN gặp khó khăn, các cấp CĐ cần chủ động bàn với người sử dụng lao động tìm biện pháp tạo nguồn để trả lương, thưởng đầy đủ, kịp thời cho NLĐ. Nếu xảy ra tranh chấp, LĐLĐ quận, huyện phải chủ động phối hợp giải quyết kịp thời, không phân biệt DN đó thuộc thành phần kinh tế nào, thuộc cấp nào quản lý. Riêng CĐ các KCN&CX có trách nhiệm phối hợp với địa phương để giải quyết kịp thời tranh chấp.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này