Lao động di cư kể chuyện đời qua ảnh

17:26 | 10/12/2015
Chỉ với chiếc máy ảnh không chuyên, được chỉ dẫn vài thao tác, nhưng những lao động di cư đã kể được câu chuyện đời cơ cực của mình qua những bức ảnh. Những bức ảnh tuy bố cục không chặt, ánh sáng chưa chuẩn, nhưng đã chạm được đến trái tim người xem. Bởi lẽ, những bức ảnh đó có hơi thở cuộc sống, là góc nhìn của người trong cuộc…
Người lao động di cư: 90% không được tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội
“Bỏ quên” lao động di cư không chính thức?

Đến triển lãm “Gánh số phận, nhặt tương lai”, do Viện Phát triển cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) tổ chức tại khách sạn Fortuna Hà Nội, rất nhiều người xúc động. 58 bức ảnh được trưng bày là chuyện đời của 18 lao động di cư ra Hà Nội bán hàng rong, đánh giày, buôn bán đồng nát.

Lao động di cư kể chuyện đời qua ảnh
Một bức ảnh tham dự triển lãm

Cũng như bao người đến với triển lãm, tôi đã lặng người khi xem bức ảnh hai vợ chồng khiếm thị đẩy xe hàng rong dưới trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại; ảnh đứa trẻ thấp bé, đứng giữ chiếc xe đạp để cho bà của mình nhặt rác; là cảnh bà mẹ còng lưng đạp xe, chở lỉnh kỉnh phế liệu và hai đứa con ngủ gục; là cảnh sống chật chội, bẩn thỉu, đồ đạc bừa bãi trong căn phòng trọ rẻ tiền; là phút giải lao hiếm hoi bên hiên nhà, gốc cây, hay nụ cười tươi, hồn nhiên của người lao động di cư bên đống rác, phế liệu, oằn lưng kéo hàng…

Sẽ càng xúc động hơn nữa, trước những câu chuyện do chính những lao động di cư kể về những khó khăn, thiệt thòi mà mình gặp phải trong cuộc sống. Chị Thắm - một người bán hàng rong, quê Nam Định - kể, chị có mẹ chồng bị liệt, chồng khiếm thị, hai con nhỏ, mọi gánh nặng đều đổ lên đôi vai chị. Ngày nào cũng vậy, 6h30, chị ra khỏi căn phòng trọ chật hẹp, đẩy xe giày, dép đi khắp các con ngõ ngách của Hà Nội để bán. Vậy mà có lần chị bị một ông dáng đạo mạo “ăn không” mất 4 đôi dép với lý do đền lại 1 đôi mà ông ta mua tháng trước bỗng bị rách. Khi chị đòi tiền thì bị người này chửi, dọa đánh. Uất ức, tủi nhục, chị chỉ biết ôm mặt khóc than cho số phận của mình.

Chuyện của anh An chuyên đánh giày cũng khiến mọi người xúc động không kém khi không ít lần, sau khi đánh giày xong, anh bị khách quỵt tiền. Có lần, đúng ra công được trả là 10 nghìn đồng, nhưng một vị khách lại trả cho anh 5 nghìn đồng và vứt xuống vũng nước bẩn. Đó là một trong nhiều lần anh bị đối xử như thế.

Hay như câu chuyện của chị Khánh, vì muốn gần gũi và chăm sóc con cái nên vợ chống chị đã xin cho các cháu học trên Hà Nội. Việc xin học cho các cháu vào cấp 1 và cấp 2 không phức tạp vì gia đình có sổ tạm trú, tạm vắng. Tuy nhiên, khi con chị thi vào cấp ba, với kết quả cao, thừa điểm vào trường công lập, nhưng con chị đã không được đi học bởi gia đình chị không có hộ khẩu thường trú. “Khi được thông báo cháu không được học công lập, cả gia đình thấy tủi thân, ôm nhau khóc. Tôi chỉ mong nhà nước nên có sự quan tâm đến việc học hành của con em những người lao động di cư như chúng tôi” - chị Khánh gạt nước mắt tâm sự.

Điều mà những lao động di cư mong muốn là chính sách giáo dục, y tế, bảo hiểm cần tạo điều kiện hơn để mọi người được hưởng sự công bằng như bao người khác. Chẳng hạn, như chị Tám chia sẻ, chị bị bệnh 19 năm nay, thường phải đi khám ở Bệnh viện Da liễu Trung ương. Cách đây khoảng 5 năm, chị đã mua BHYT tự nguyện là 555.000 đồng/người/năm. Sau đó đi khám chị mới biết là có BHYT đi khám cũng phải đi đúng tuyến mới được hưởng bảo hiểm.

“Từ nhà tôi ở ra xã đã phải 5km, đến huyện 15 km, đến tỉnh là 100 km, làm xong thủ tục mới được ra bệnh viện ngoài Hà Nội. Sức khỏe yếu, nên muốn làm được thủ tục tôi đều phải nhờ chồng đưa đi. Đi đã mệt còn tốn tiền xe khách, xe ôm nữa mới vào được bệnh viện làm thủ tục chuyển tuyến. Tôi đi khám tự nguyện một lần thì chỉ trong một ngày và số tiền là 2 triệu đồng. Tôi đi theo BHYT thì phải hai ngày mới xong, tuy số tiền là 1,6 triệu đồng, nhưng cộng thêm tiền ăn ở còn tốn kém hơn. Vì thế chồng tôi không cho mua BHYT nữa. Tôi thấy thu nhập của gia đình một tháng chỉ được 2 triệu đồng mà phải mua bảo hiểm cho gia đình bốn người thì sẽ rất khó khăn” - chị Tám chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thu Giang - Viện phó Viện Phát triển cộng đồng Ánh sáng, lao động di cư là những người yếu thế, họ dễ bị tổn thương và hiện đang gặp nhiều khó khăn, rủi ro trong cuộc sống. Không những thế, họ còn gặp nhiều rào cản về pháp lý, tiếp cận với chính sách an sinh xã hội. Do đó, nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn nữa đối với lực lượng lao động này.

Tuấn Trung

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này