Nghịch lý xuất khẩu nông sản Việt

Bao giờ nông dân hết khổ?

09:59 | 10/12/2015
Từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu nổi bật, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, nông sản nước ta vẫn phải đối diện với nghịch lý: Sản lượng xuất khẩu tăng, song thu nhập của nông dân vẫn không được cải thiện.
Người dân phải được sử dụng nông sản sạch
Sự thật về thông tin trà Ô long ở Lâm Đồng tồn kho 2.000 tấn
Nông sản Việt sẽ ít phụ thuộc vào thị trường truyền thống
Kết nối nguồn nông sản sạch

Nghịch lý của lợi nhuận

Hiện nay, nông sản Việt Nam đã xuất hiện tại các thị trường “khó tính” nhất thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia… Cùng với đó là việc sản lượng xuất khẩu ngày một tăng lên, cho thấy, người nông dân Việt Nam có đủ điều kiện, năng lực để sản xuất những sản phẩm nông sản có chất lượng hàng đầu thế giới. Giá trị xuất khẩu nông sản lớn, được thể hiện ngay tại báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT. Theo đó, tính đến hết tháng 11 năm 2015, giá trị xuất khẩu nông sản đã đạt 27,41 tỉ USD. Tuy nhiên, một nghịch lý xảy ra, mặc dù giá trị xuất khẩu nông sản lớn là vậy, nhưng lợi nhuận mang lại cho các công ty xuất khẩu cũng như người nông dân trực tiếp sản xuất lại không hề tăng lên.

Lợi thế xuất khẩu nông sản Việt hiện nay chủ yếu dựa trên sự canh tranh về giá. Đây được coi là một thực trạng đáng buồn cho ngành nông nghiệp trong nước. Bởi lẽ, nếu chúng ta tăng giá nông sản, chắc chắn sức cạnh tranh sẽ mất đi. Ngược lại, nếu không tăng giá nông sản, nông dân sẽ chịu thiệt. Anh Cao Mạnh Hà (ở Khoái Châu, Hưng Yên) một người dân trồng chuối xuất khẩu chia sẻ, khoảng 4-5 năm về trước, khi người dân ở Hưng Yên chưa trồng chuối để xuất khẩu nhiều như hiện nay, các doanh nghiệp thu mua nông sản với giá rất cao, trung bình từ 7-8 nghìn đồng/kg chuối xanh. Thế nhưng vào thời điểm này, giá chuối xanh tại vườn chỉ còn 3-4 nghìn đồng/kg, trừ chi phí chăm sóc, lợi nhuận thu về không được bao nhiêu.

Bao giờ nông dân hết khổ?
Tạo chuỗi liên kết doanh nghiệp - nông dân sẽ nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất nông sản

Không lâm vào tình trạng “bi đát” với cây chuối như anh Hà, người dân trồng rau hữu cơ ở Lương Sơn, Hòa Bình hay trồng cam ở Nghệ An, lại vui mừng khi giá thành sản phẩm bán ra thị trường trong nước rất cao, cũng như sản phẩm xuất khẩu thường có giá thành lớn. Chị Bùi Thị Hường (Lương Sơn, Hòa Bình) cho biết, rau hữu cơ chỉ đạt đúng tiêu chuẩn khi được trồng trên những khu vực có thổ nhưỡng, nguồn nước phù hợp, đồng thời khi sản xuất phải đảm bảo đúng quy trình. Đương nhiên khi bán ra thị trường, giá thành của nó thường cao hơn gấp 3-5 lần sản phẩm cùng loại. Vì thế, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, giá thành cũng theo đó mà tăng lên. Thông thường, sản lượng xuất khẩu loại nông sản này cũng rất ít vì hiện tại nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn trong nước là rất cao.

Trước chia sẻ của chị Hường, chúng ta lại thấy một nghịch lý rằng, không riêng gì sản phẩm rau hữu cơ, mà rất nhiều các sản phẩm nông sản khác của Việt Nam như cam, cà phê, tiêu, điều… khi sản phẩm có giá trị và mang lại lợi nhuận cao, thì nguồn cung lại không đủ cầu. Bên cạnh đó, khi lợi ích của người sản xuất tăng lên đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu, bởi lẽ, hợp đồng, giá cả đã được ký kết từ nhiều tháng trước đó. Khi giá thành nông sản trong nước bị đội lên, tất nhiên sức cạnh tranh của nông sản Việt khi xuất khẩu sẽ bị giảm xuống.

Tạo chuỗi liên kết

Hiện tại rất nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đang có sản lượng, giá trị xuất khẩu cao như: Tiêu, điều, gạo, cà phê, thủy sản… Thế nhưng, vị trí top đầu và danh tiếng lại chưa mang về lợi nhuận cao, khiến thu nhập của doanh nghiệp, nhất là những người nông dân – chủ thể tạo ra nông sản là rất thấp và luôn bị động với biến động của thị trường.

Chị Nguyễn Lê Na (Cty Cổ phần trang trại nông sản Phú Quý) chia sẻ, hiện tại, việc người nông dân Việt Nam chưa có được thu nhập tương xứng với giá trị sản phẩm mà mình sản xuất, một phần là do sản xuất chưa tập trung, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt. Hoặc có nơi, vì thấy sản phẩm có giá trị cao, người dân đổ xô vào trồng khiến cho giá thành, lợi nhuận sụt giảm. Bên cạnh đó, người sản xuất ở Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc sản xuất các sản phẩm an toàn, sạch, chưa làm được thương hiệu, nếu có chỉ là nhỏ lẻ không đồng bộ và không đủ đáp ứng thị trường. Vì thế, khi xuất khẩu sản phẩm sẽ gặp nhiều bất lợi, giá thành không còn đủ cạnh tranh, lúc đó, không chỉ có người nông dân phải chịu thiệt thòi mà lợi nhuận của doanh nghiệp cũng bị sụt giảm.

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Ngô Thế Dân - Chủ tịch Hiệp hội làm vườn Việt Nam, thì chỉ có doanh nghiệp mới giải quyết được, bởi họ có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy rằng, hiện nay doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp là rất ít. Hơn nữa, trong số rất ít doanh nghiệp ấy, đa số lại muốn phát triển mảng thu mua sản phẩm, mà ít quan tâm đến việc xây dựng vùng nguyên liệu và đảm bảo lợi ích của người nông dân. Chúng ta đang thiếu doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp và càng thiếu hơn doanh nghiệp liên kết chuỗi giá trị. Điều đó dẫn tới việc thiếu người chỉ cho nông dân thấy rằng, họ nên trồng gì, trồng thế nào và trồng bao nhiêu là đủ… Hệ quả tất yếu là nông sản của người dân bán được nhiều, xuất khẩu nhiều, nhưng lợi nhuận lại chẳng được bao nhiêu.

Ông Dân cũng cho biết thêm, phần lớn nông sản Việt hiện tại đều xuất khẩu dưới dạng thô hoặc chỉ mới qua sơ chế, trong khi đó chất lượng thấp và mẫu mã lại chưa hấp dẫn. Bên cạnh đó, nông sản nước ta hầu như chưa có thương hiệu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thiếu tính đồng bộ, thiếu vùng chuyên canh; quá trình sản xuất chưa tuân thủ quy trình an toàn, vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là chưa áp dụng được nhiều khoa học, kỹ thuật vào sản xuất...

Để nâng cao giá trị nông sản Việt, nâng cao kim ngạch xuất khẩu, lợi nhuận cho doanh nghiệp và nông dân thì còn rất nhiều điều phải làm. Cần quan tâm đến quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học công nghệ, xây dựng vùng chuyên canh, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho từng sản phẩm và quan trọng nhất vẫn là tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và doanh nghiệp nhằm phát triển công nghệ chế biến theo “gu ẩm thực” của người tiêu dùng thuộc từng quốc gia. Làm được như vậy, chắc hẳn lợi nhuận của doanh nghiệp, người sản xuất sẽ được cải thiện.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này