Chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa XIV

Đi thẳng vào những vấn đề nổi cộm

06:38 | 04/12/2015
Kỳ họp thứ 14 Hội đồng Nhân dân Thành phố (HĐND TP Hà Nội) đã dành trọn 1 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn 4 nhóm vấn đề chính, gồm: Kinh tế, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhìn tổng thể, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này đã đi thẳng vào những vấn đề nổi cộm mà cử tri quan tâm. Tuy nhiên, điều mà cử tri cần là, thay vì giải thích nhiều, quan trọng là lời hứa về hành động, cũng như giải pháp mà các sở, ngành liên quan đã và sẽ triển khai ra sao? Trong đó, đặc biệt vấn đề quản lý đô thị, tiến độ cải tạo các chung cư cũ và công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nhìn thẳng vào những việc chưa làm được
Đề nghị bổ sung một số tội danh vào Bộ luật Hình sự

Tiếp tục thu hồi nhà ở, dự án sử dụng sai mục đích

Liên quan đến nhóm vấn đề quản lý xây dựng, nhà ở một số dự án trên địa bàn, một số đại biểu nêu câu hỏi: Vấn đề này đề cập đã lâu, vậy đến nay quá trình thực thi đã đạt được những kết quả thế nào? Lãnh đạo các sở: Kế hoạch - Đầu tư; Xây dựng cho biết: Ở nhóm các dự án được Nhà nước giao cho thuê đất, nhưng thực hiện chậm 24 tháng so với tiến độ có 75 dự án; trong đó 8 dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng; 1 dự án được đề xuất phương án quản lý, sử dụng đất hiệu quả, 4 dự án đã có quyết định thu hồi; 12 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách dự án chậm tiến độ... Tính chung năm 2015, thành phố đã quyết định thu hồi 7 dự án với tổng diện tích thu hồi hơn 62.300m2 và đang lập hồ sơ thu hồi 4 dự án với tổng diện tích hơn .

Đi thẳng vào những vấn đề nổi cộm
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết luận với 2 nội dung chất vấn và trả lời chất vấn

Thời gian tới, UBND 1.086.000m2 thành phố sẽ tổ chức thẩm định chặt chẽ dự án đầu tư, nhu cầu sử dụng đất để lựa chọn được các nhà đầu tư có năng lực; phát huy chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội; tiếp tục kiểm soát, kiểm tra, xử lý việc chấp hành Luật Đất đai; hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự tổ chức thực hiện các quyết định thu hồi đất... Về việc lý các chung cư, nhà công vụ, theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, hiện trên địa bàn có 643 chung cư đã đưa vào sử dụng, tập trung trên địa bàn 15 quận, huyện, trong đó có 477 chung cư thương mại và 166 chung cư tái định cư.

Tình hình nợ có chiều hướng gia tăng, nhất là chậm nộp, nợ tiền sử dụng đất. Mặc dù các cơ quan chức năng của thành phố có nhiều nỗ lực trong thu hồi nợ, có các giải pháp "cứng", nhưng số nợ tồn đọng vẫn còn trên 21.000 tỉ đồng - chiếm 15% (trong khi khuyến nghị chỉ nên ở mức 5%). Tình hình này đòi hỏi UBND TP cần có những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn, trong đó cần chú trọng và tăng cường thêm các giải pháp sau: Chỉ đạo các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Tập trung hơn vào phân loại nợ, từ đó có những giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể từng cấp, từng ngành nhằm giải quyết tồn đọng nợ. Trước hết tập trung vào số nợ có khả năng thu (19.000 tỉ đồng), công khai các doanh nghiệp có nợ đọng thuế, phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành có giải pháp mạnh hơn để giải quyết tình trạng doanh nghiệp gian lận trong sử dụng hóa đơn, trốn khỏi nơi kinh doanh...

Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC

Hiện thành phố đã thành lập được 191 ban quản trị chung cư, cụm chung cư tại 297 chung cư, đạt tỉ lệ 40%; đã giải quyết được các tranh chấp liên quan đến giá dịch vụ chung cư, các chủ đầu tư đã từng bước thực hiện trách nhiệm trong việc bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng từ các diện tích chưa bán, qua đó cơ bản làm giảm các bức xúc của cư dân. Tuy nhiên, tại một số chung cư vẫn nảy sinh tranh chấp liên quan đến sở hữu chung - riêng sau khi các hộ có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nhưng chủ đầu tư vì nhiều lý do chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân; một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc, chậm trễ trong bàn giao kinh phí bảo trì 2%... Thời gian tới, thành phố sẽ tăng cường hơn nữa công tác đôn đốc và hướng dẫn các đơn vị quản lý vận hành chung cư, tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý, sử dụng chung cư trên các địa bàn; phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, bổ sung cơ chế chính sách cho phát triển và quản lý chung cư, phù hợp và đồng bộ với các quy định của luật hiện hành... Về quản lý nhà công vụ, UBND TP đã và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng và các cấp ngành triển khai thu hồi nhà công vụ sai mục đích.

Cải tạo chung cư cũ trên nguyên tắc xã hội hóa

Liên quan đến tiến độ, phương án cải tạo các chung cư cũ, một trong những nội dung được cử tri đặc biệt quan tâm, thay mặt UBNDTP, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Vũ Hồng Khanh báo cáo: Việc cải tạo xây dựng mới các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố, đến nay 11 nhà nguy hiểm cấp độ D cơ bản đã được xử lý, xây dựng lại để các hộ dân tái định cư nhà I1,2,3 Thành Công, nhà B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, D2, C7 Giảng Võ, P3 Phương Liệt. Di dời các hộ dân để phá dỡ nhà cũ B6 Giảng Võ, C1 Thành Công, 17 nhà gỗ ở phường Chương Dương... Cụ thể, trong năm 2014-2015 hoàn thành bàn giao 5 công trình B4 Kim Liên, D2, C7 Giảng Võ, A1-A2 Nguyễn Công Trứ.

Đang triển khai xây dựng 4 công trình (B6 Giảng Võ, C1 Thành Công, 97-99 Láng Hạ, 26 Liễu Giai. Đồng thời, UBND TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung đôn đốc các chủ đầu tư được giao cải tạo xây lại các chung cư cũ nguy hiểm, tháo gỡ những vướng mắc và kiên quyết thu hồi dự án của chủ đầu tư thực hiện chậm, đồng thời xây dựng, ban hành quy định về cải tạo lại chung cư cũ để thực hiện hóa các giải pháp quy định tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo xây dựng lại chung cư theo Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015). Về giải pháp, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh cho biết: Theo kế hoạch, số chung cư cũ đưa vào kiểm định năm 2015 là 42 công trình. Đây là các chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn trên 1%, hoặc được xây dựng và sử dụng vào những năm 1960 đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng; Số chung cư đưa vào diện kiểm định năm 2016 là 62 công trình. Thành phố đã bố trí kinh phí năm 2015 để kiểm định theo kế hoạch. Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã hoàn thành kiểm định 42 công trình theo kế hoạch.

Nếu để các chất cấm, mặt hàng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường không chỉ phạt người kinh doanh, lưu thông, mà còn phải quy trách nhiệm người đứng đầu các ngành để xảy ra tình trạng này. Các quận, đặc biệt các huyện, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước nếu để xảy ra nạn buôn bán, sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi.

Về triển khai Luật Thủ đô năm 2012, ngày 23/7/2013, HĐND TP ban hành Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Trong đó, khuyến khích nhà đầu tư phối hợp với chủ sở hữu căn hộ thực hiện dự án bằng phương thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở các chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất. Các nội dung phải triển khai theo Luật Nhà ở 2014. Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: Quan điểm của thành phố là việc cải tạo chung cư cũ trên nguyên tắc xã hội hóa. Một số đại biểu cho rằng, có một thực tế đang diễn ra, nhiều hộ trong khu chung cư cũ nghiêm túc thực thi pháp luật, nhưng do cơ chế quản lý có vấn đề... đất sạch đã bàn giao cho chủ đầu tư, nhà thầu mà từ 3 đến 7 năm phải khổ sở đi thuê nhà ở và vẫn chưa thể quay trở lại. Đời sống ở những nơi ở tạm vô cùng khó khăn. Nếu TP đưa ra cơ chế khuyến khích xã hội hóa thực chất cũng là cơ chế hợp tác công- tư thì quá trình thay thế các chung cư cũ còn rất gian nan. Bởi vậy, đã đến lúc TP cần có giải pháp khoa học hơn về vấn đề này.

Hà Nội phải tiên phong nói không với thực phẩm bẩn

Vấn đề ATVSTP không chỉ nóng nghị trường Quốc hội, mà tại kỳ họp lần thứ 14 của HĐND TP, vấn đề này cũng đã được đưa lên bàn nghị sự. Theo báo cáo của UBND TP, qua 5 năm (2010-2015), các cấp chính quyền, sở, ngành đã tiến hành kiểm tra, xử lý 6.685 vụ vi phạm về chất lượng ATVSTP, phạt hành chính hơn 32 tỉ đồng, tiêu hủy hàng hóa trị giá trên 37,7 tỉ đồng... Về kiểm soát ATVSTP đối với hoa quả trong nước và nhập khẩu, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm. Đối với hoa quả trong nước, Sở NN&PTNT phối hợp các quận, huyện, ban quản lý chợ đầu mối quản lý nguồn gốc hoa quả đưa về các chợ. Các cơ sở kinh doanh hoa quả đầu mối đều phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Đối với hoa quả nhập khẩu, qua kiểm tra, các cơ sở đều có giấy tờ nhập khẩu và kiểm dịch, các loại hoa quả đều được đóng trong thùng xốp và có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các sai phạm kịp thời, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu để giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2015, ngành nông nghiệp đã lấy 92 mẫu phân tích, phát hiện 1 mẫu nhập khẩu có dư lượng thuốc vượt mức giới hạn tối đa cho phép.

Dù vậy, một đại biểu xin không nêu tên, nói với PV rằng, nếu nhìn vào các số liệu do Sở NN&PTNT tham mưu cho TP báo cáo trước HĐND TP thì có lẽ thị trường nông phẩm trên địa bàn Hà Nội thuộc loại sạch và an toàn nhất nước. Nhưng thực tế có đúng như vậy không? Chỉ cần qua thông tin trên báo giới cũng có thể thấy rõ những vụ làm miến bẩn, bún bẩn, trồng rau phun chất kích thích... vận chuyển thực phẩm bẩn lại tập trung nhiều trên địa bàn TP. Với quy mô dân số thực khoảng 7 triệu người và nếu kể cả số lượng vãng lai, toàn TP có suýt soát 9 triệu dân. Con số này đồng nghĩa với việc mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ một lượng lương thực, thực phẩm khổng lồ. Với số lượng lớn như vậy, có cơ quan nào chắc tất cả nông phẩm đưa ra thị trường tiêu thụ đều an toàn? Vì vậy, hơn lúc nào hết, nếu cứ đưa ra các văn bản, các số liệu tổng hợp từ báo cáo để chứng minh thì công tác đấu tranh, ngăn chặn với nông phẩm bẩn còn khó khăn. Quốc hội, Chính phủ đang rất quyết tâm, Hà Nội là Thủ đô phải đi tiên phong trong cuộc chiến với nông phẩm bẩn.

Vậy tuyên chiến thế nào với nông phẩm bẩn? Một số ĐB hiến kế, Luật Thủ đô đã có, thẩm quyền trong công tác quản lý Nhà nước đã được nâng lên rất nhiều, thế nên, UBND TP cần phải ban hành quy định riêng về vận chuyển, kinh doanh, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật riêng cho mình, trên cơ sở: Các ngành công an, quản lý thị trường chịu trách nhiệm về khâu lưu thông. Nếu để các chất cấm, mặt hàng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường không chỉ phạt người kinh doanh, lưu thông, mà còn phải quy trách nhiệm người đứng đầu các ngành để xảy ra tình trạng này. Các quận, đặc biệt các huyện, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước nếu để xảy ra nạn buôn bán, sử dụng chất cấm trong trồng trọt và chăn nuôi. Có như thế thì mới có thể hướng tới một nền nông phẩm sạch cho người tiêu dùng trên địa bàn thủ đô.

H. Phạm - X. Sinh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này