Con đường ngắn từ dạ dày tới nghĩa địa

Rau còn phủ hóa chất đã lên mâm

09:44 | 01/12/2015
Tình trạng rau khi đem bán vẫn còn dấu tích của các loại hóa chất chưa phân hủy hết hay nghi vấn nguồn gốc rau cao cấp nhập nhèm chất lượng là thực tế được ghi nhận tại nhiều vùng trồng rau ở huyện ngoại thành của thủ đô Hà Nội những ngày vừa qua.
Giật mình măng “ngậm” hóa chất
Thịt bò khô làm từ phổi heo và hóa chất
Cách đơn giản để biết rau "ngậm" hóa chất hay không

Rau chưa hết hơi thuốc đã đem bán

Khảo sát một số vựa rau tại xã Thanh Liệt, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì)..., được biết người dân trong vùng thời gian gần đây lũ lượt bán đất nông nghiệp khiến diện tích gieo trồng bị thu hẹp nên nông dân chủ yếu cũng chỉ chọn những loại rau dễ trồng, năng suất cao như rau muống, rau cần, cải xoong... Do quy mô canh tác nhỏ lẻ, rải rác nên nguồn rau ở đây mang tính tự cung tự cấp, một phần là nguồn cung cấp cho các chợ lân cận. Theo phản ánh, rau ở đây không chỉ nổi tiếng trồng siêu bẩn, như dùng nước thải từ cống rãnh, sông Tô Lịch đến dùng phân tươi tưới rau trực tiếp, điều làm nhiều người lo ngại còn là vấn đề sử dụng bừa các loại thuốc hỗ trợ.

Qua thông tin chúng tôi nắm được thì cũng với một loại rau nhưng đối với rau nhà ăn và rau đem bán thì chủ vườn lại áp dụng hai chế độ "chăm sóc" khác nhau. Chị Phạm Hạnh - một người dân xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì) cho biết gia đình mình thường sử dụng rau theo thực đơn "rau sạch" của các hộ trồng rau. Chị Hạnh chia sẻ kinh nghiệm, nếu có dịp theo chân những chủ vườn này để thu hoạch rau, chị cũng cẩn thận đi... xa xa, tránh những thửa rau cận kề vạt rau canh tác để cung cấp ra thị trường bởi sợ một lượng thuốc phun đi “lạc” sang luống rau an toàn.

Vào vai một người chuẩn bị mở một ki - ốt chuyên kinh doanh rau củ sạch tại một khu chung cư bình dân tại Hà Nội, chúng tôi tìm về xã Hà Hồi (Thường Tín) để tìm nguồn rau. Tình cờ, chỉ đường cho chúng tôi là một người dân trong làng. Lấy cớ do mới tập tành buôn bán, quy mô kinh doanh lại nhỏ nên không cần đến nguồn rau quá "chuẩn", chúng tôi được người đàn ông này chỉ dẫn xuống ruộng rau ở cuối làng.

Rau còn phủ hóa chất đã lên mâm
Bà Mỵ bên luống rau canh tác.

Đập vào mắt chúng tôi là khu đất trồng rau lớn xanh mướt đủ các loại: cải cúc, cải thảo, xà lách... Lân la làm quen với chị Phạm Thị Nhị, một nông dân trồng rau ở đây, chúng tôi được biết, do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài nên năng suất rau màu không ổn định như mọi năm. Thông thường, mỗi lứa rau từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch khoảng từ 20 - 25 ngày nhưng năm nay, thời gian thu hoạch bị kéo dài hơn từ 5 - 7 ngày/lứa. Theo đó, người trồng cũng phải thường xuyên tưới nước, bón phân... rất mất thời gian và công sức.

Hỏi chuyện một nông dân tên Nhuần, đang cắm cúi phun thuốc trên luống rau dền gần đó, chúng tôi được biết đó là loại thuốc phun sương rất cần thiết đối với những loại rau vụ đông. Ngoài lưới chắn thì thuốc phun sương là loại thuốc phổ biến, được người dân dùng để cứu cánh cho rau khi thời tiết chuyển sang giá rét. Tùy vào điều kiện thời tiết mà lượng thuốc phun sương được sử dụng nhiều hay ít. Có những thời điểm thời tiết giá buốt kéo dài thì mỗi vụ rau phải dùng tới 3 - 4 lần phun sương mới có thể thu hoạch được.

Theo bật mí của chị Nhuần, mấy hôm nay, do thời tiết trở lạnh đột ngột, giá rau có dấu hiệu tăng chóng mặt thì việc thu hoạch rau non là có thực. Mặc dù theo quy định, rau từ lúc phun sương đến khi thu hoạch mất 5 - 7 ngày nhưng có những lứa rau vừa phun hôm trước, hôm sau nhiều người đã ồ ạt cắt đem bán để tận thu. Như vậy, người tiêu dùng có nguy cơ mua phải rau "đang trong thời gian sử dụng thuốc" hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, loại thuốc phun sương người dân hay dùng có tên V- Tvil (một loại thuốc đặc trị bệnh khô vằn là bệnh gây hại phổ biến trên cây lúa) có 3 loại nhãn mác: đỏ, xanh, vàng... với mức độ độc hại khác nhau. Được biết, giá mỗi bình thuốc phun sương hiện nay chỉ trên dưới 10 ngàn đồng/bình. Theo quy định liều lượng, người dùng sẽ pha 10ml/bình (10 – 12 l), phun 2 bình/sào. Tuy nhiên theo thừa nhận của chị Nhuần thì người dân ở đây hầu như không tuân thủ theo liều lượng in trên bao bì mà chủ yếu pha đặc hơn, thậm chí vào thời gian sương muối kéo dài, nhiều người còn dùng loại thuốc có bao bì màu đỏ được coi là độc hại nhất để phun cho rau.

Được biết, thực trạng trên không chỉ riêng Hà Hồi mà những vựa rau nổi tiếng như Phú Xuyên, Thanh Liệt, Vĩnh Quỳnh... cũng diễn ra tương tự. Trao đổi với ông Nguyễn Đình Cường - Trưởng thôn Văn (Thanh Liệt - Thanh Trì - Hà Nội), chúng tôi được biết, do quy mô trồng rau nơi đây vẫn nhỏ lẻ, diện tích gieo trồng rải rác, chủ yếu mang tính chất tự cung tự cấp là chính nên các hộ đều không có đăng ký kinh doanh, vì thế thực hư độ an toàn của nguồn rau được bán ngoài chợ như thế nào tôi không dám chắc. Ông Cường cũng thừa nhận, có hiện tượng người dân canh tác rau cho gia đình trên thửa đất riêng, hầu như không phun thuốc còn rau đem bán sẽ được chăm sóc kỹ hơn bằng các loại thuốc, phân bón".

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết, V- Tvil là loại thuốc đặc trị khô vằn dùng cho cây lúa. Do hạt thóc có lớp vỏ ngoài bảo quản cộng với thời gian phun thuốc được tuân thủ nghiêm ngặt nên đây là loại thuốc hỗ trợ tốt cho cây lúa và không gây độc hại. Tuy nhiên việc người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng khi dùng cho rau ăn lá là không đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Thêm nữa, việc người dân tự ý rút ngắn thời gian cách ly khi thu hoạch rau, đặc biệt đối với các loại rau ăn lá thì chắc chắn còn một lượng thuốc lớn vẫn bám trực tiếp trên bề mặt lá chưa phân hủy hết. Theo đó, thứ hóa chất độc hại này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Chính quyền thả nổi

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở một số nơi tại các huyện ngoại thành Hà Nội hiện nay, nhiều hợp tác xã có thêm chức năng là trung gian cung cấp nông sản, rau sạch, rau an toàn... cho những đơn vị thu mua, góp phần bình ổn giá, đảm bảo đầu ra ổn định cho những người nông dân trong vùng. Trên thực tế, toàn bộ diện tích đất trồng rau ở Hà Hồi (Thường Tín) đều chưa được quy hoạch để gieo trồng rau theo đúng tiêu chuẩn rau sạch, rau an toàn. “Điều đáng nói, không biết hợp đồng cung cấp rau của Hợp tác xã Nông nghiệp Hà Hồi với các đơn vị có nhu cầu cụ thể là loại rau sạch hay rau an toàn nhưng nếu có nguồn cung cấp đầu ra thì cũng lại tìm đến chúng tôi mà thôi", bà Nguyễn Thị Mỵ - một nông dân trồng rau, cho biết. Điều này đặt ra câu hỏi, phải chăng, mức độ đảm bảo nguồn rau được cung cấp qua hợp tác xã phần lớn lại phụ thuộc vào mức độ tự giác của người trồng?

Cũng theo phản ánh của người dân, thỉnh thoảng, hợp tác xã có mời một vài chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp về tư vấn, hướng dẫn người dân phương pháp trồng rau hiệu quả, an toàn và cập nhật các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và liều lượng sử dụng an toàn cho cây nhưng trên thực tế người dân thực hiện như thế nào lại là vấn đề khác. Mọi sự trợ giúp vẫn chỉ dừng lại ở ... lý thuyết.

Tìm hiểu kỹ hơn về điều này, chúng tôi được biết, lượng rau cũng như giá cả khi cung cấp qua hợp tác xã cũng vẫn bị ảnh hưởng bởi thị trường. Vì thế, người dân không những không được hưởng lợi mà còn bị động nên hầu hết chỉ "đánh trống ghi tên" ở hợp tác xã, còn trên thực tế thì đầu ra vẫn được phân phối theo lối kinh doanh truyền thống. " Hàng ngày, rau được tập kết ở chợ Vồi - khu chợ đầu mối gần đó, để chờ phân phối đi các nơi. Buôn bán kiểu này phải chấp nhận có những thời điểm cả ruộng rau nhổ bỏ vì giá rau xuống thấp ..." - bà Mỵ cho biết thêm. Như vậy, theo những gì phản ánh của những người nông dân trực tiếp trồng rau thì ngay cả nguồn rau được cam kết và đóng dấu an toàn thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể nghi ngờ về chất lượng.

Khánh Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này