Sau hơn một năm bỏ chấm điểm tiểu học

“Ma trận” lời nhận xét của giáo viên

07:14 | 28/11/2015
Sau hơn một năm thực hiện Thông tư số 30 quy định đánh giá học sinh tiểu học bằng những lời nhận xét động viên, khích lệ thay cho điểm số, bên cạnh những mặt tích cực, một số ý kiến cho rằng, nhiều lời nhận xét chưa đúng với thực tế và yêu cầu cần có chế tài cụ thể đối với những nhận xét chung chung, mờ nhạt.
Giáo viên và những áp lực ngầm

Nhận xét mờ nhạt

Theo nội dung Thông tư 30, lời phê của giáo viên phải nêu rõ điểm cần khắc phục, biện pháp hỗ trợ, điểm đáng khen và phải luôn động viên, khích lệ học sinh... Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện, nhiều giáo viên áp dụng “quá đà” dẫn tới có những lời nhận xét nhẹ nhàng quá mức đối với những lỗi lớn của học sinh khi làm bài tập. Mới đây, bản thân người viết cũng đã từng mục sở thị lỗi sai trong bài tập tính phân số có cùng mẫu số của một học sinh lớp 5.

Trong khi đúng ra là phải giữ nguyên mẫu số thì học sinh lại cộng cả tử, cả mẫu... Tuy nhiên lời phê của giáo viên chỉ đơn giản là “cần chú ý hơn khi làm bài tính phân số” mà không chỉ ra cụ thể, khi nào thì giữ nguyên mẫu, khi nào thì nên quy đồng mẫu số hai phân số... Có chung thắc mắc này, chị Thu Hạnh – phụ huynh của học sinh, cho biết thêm: “Vẫn biết việc nhắc lại những khái niệm cơ bản trong phần nhận xét đôi khi là thừa nhưng đối với lứa tuổi tiểu học vẫn còn non nớt, khả năng ghi nhớ vẫn còn nhiều hạn chế thì rất cần giáo viên giúp học sinh ôn lại bài qua những lời nhận xét cụ thể như thế này...”

“Ma trận” lời nhận xét của giáo viên
Nhiều phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 cũng không khỏi lúng túng trước những nhận xét của giáo viên. ảnh chỉ mang tính minh họa

Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh băn khoăn bởi giữa lời nhận xét đánh giá và kết quả điểm số lại có sự vênh nhau khá xa. Anh Lê Hoàng (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm khi cho rằng, phụ huynh dễ bị “ru ngủ” với những lời phê được “sản xuất hàng loạt” như “con làm bài tốt”, “bài tập của con đạt yêu cầu”... “Cá nhân tôi khi nhận kết quả bằng điểm số cuối học kỳ của cháu chỉ được 5 điểm toán thì không khỏi thắc mắc bởi trước đó khi còn duy trì phương pháp chấm điểm, chỉ cần cháu tụt xuống thang điểm 7 là đã có dấu hiệu lo lắng và chủ động hối thúc cha mẹ kèm cặp thêm. Theo tôi, lực học của cháu có dấu hiệu “đi ngang” một phần cũng do ảnh hưởng của những lời nhận xét nhạt nhòa, thiếu tâm huyết của giáo viên...”

Ngay cả các phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 cũng không khỏi lúng túng khi nghĩ cách giải thích cho con trước những tình huống nảy sinh xoay quanh những lời nhận xét “trước sau không như một” mà giáo viên đang áp dụng. Chị Mai Hương (đô thị Linh Đàm) kể, khi xem và ký sổ liên lạc của con, mình có nói với con rằng “Con phải cố gắng hơn một số việc mà cô đã ghi ở trong sổ liên lạc...”. Tôi không ngờ con tôi đã không vui và nói rằng "Mai con sẽ gặp cô giáo, ở lớp thì cô khen nhiều, suốt ngày khen mà ghi vào sổ liên lạc lại như thế?”

Giáo viên cần “bảo hành” nhận xét

Trên thực tế, nhiều phụ huynh phản ánh, cảm thấy thất vọng, thậm chí hoang mang khi đọc những lời nhận xét chung chung, mờ nhạt của giáo viên dành cho con mình. Thừa nhận thực tế này, hiệu phó một trường tiểu học trên địa bàn huyện Thanh Trì cho biết, mặc dù chưa đi hết kỳ 1 của năm học 2015 – 2016 nhưng so với năm trước, số học sinh thường xuyên được khen đã có dấu hiệu gia tăng. Vấn đề đang được nhiều người đặt ra cho các nhà quản lý tại các cơ sở giáo dục là cần có quy định thưởng phạt rõ ràng đối với những giáo viên này. Thầy giáo Trần Thước, giáo viên toán một trường THPT (Q. Đống Đa) cho biết, nếu cấp tiểu học, học sinh thành thạo các phép toán về số nguyên, số thập phân và phân số thì trung học mới có thể dạy tiếp toán cho các em được, nếu không toán của các em chỉ là con số 0 tròn trĩnh. “Bởi vậy tôi đề nghị chỉ cần các thầy cô tiểu học nhận xét duy nhất là em đó đã thành thạo 4 phép toán chưa? Các thầy cô phải "bảo hành" và có trách nhiệm với lời nhận xét đó thì chất lượng giáo dục mới có thể nâng cao được.” – thầy Thước nói.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm, các cơ sở giáo dục cần có quy định riêng nhằm nâng cao trách nhiệm đối với đội ngũ giáo viên của đơn vị mình: “ Ví dụ có thể quy định về từng lớp, nếu số lượng lời nhận xét chung chung, không đủ làm căn cứ để đánh giá lực học của trẻ trong một tháng, một học kỳ vượt quá 30% thì giáo viên đó sẽ nhận những hình thức nhắc nhở, phê bình... như thế nào?” .

Cô Ngô Thị Thanh (Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Từ Liêm) cho biết, đối với cấp tiểu học, ngoài việc học tập trên lớp, việc dạy kỹ năng sống nhằm phát triển thể chất toàn diện cho trẻ được coi là nền tảng, rất cần được chú trọng. Vì thế, có thể hiểu việc thực hiện Thông tư 30 đồng nghĩa với việc giáo viên thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm mục đích phát triển toàn diện cho học sinh chứ không riêng năng lực trong học tập. Người giáo viên phải đánh giá được những tố chất cũng như hạn chế của mỗi học sinh để có phương pháp giáo dục phù hợp.

Trong một lớp học sẽ không phân biệt học sinh giỏi với học sinh yếu, mọi học sinh đều bình đẳng đúng nghĩa, không có học sinh hư, học trò dốt. Điều này nhằm hạn chế cái nhìn tiêu cực của giáo viên đối với học sinh, giữa học sinh với nhau. Cần nhìn nhận học sinh cá biệt dưới góc độ là học sinh có tố chất, có đặc điểm tâm sinh lý khác biệt với các bạn trong lớp. Nhiệm vụ của giáo viên là phát hiện và phối hợp với gia đình xây dựng lộ trình, giải pháp để phát huy tố chất hay định hướng cho trẻ theo mục tiêu giáo dục chung. Khi đó cha mẹ không thể đứng ngoài công tác giáo dục...

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này