Di sản Hoàng thành Thăng Long: Băn khoăn bảo tồn và khai thác

10:27 | 28/11/2015
Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, chặng đường 5 năm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long  luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cấp, ngành, các nhà chuyên môn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vấn đề bảo tồn và phát triển di sản vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Kỷ niệm 70 năm thành lập UNESCO tại Hoàng thành Thăng Long
Bí ẩn về ấn vua Trần khắc ngược

Băn khoăn bài toán bảo tồn

Hoàng thành Thăng Long trở thành di sản văn hóa thế giới, là sự vinh danh những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị di sản. Sau khi Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận danh hiệu di sản thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể để từng bước bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, những gì đã làm với Hoàng thành Thăng Long mới chỉ là những bước đi đầu tiên.

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn phát huy giá trị di sản thế giới - nhìn từ Hoàng thành Thăng Long” diễn ra mới đây, ông Trần Việt Anh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, cho biết, kể từ năm 2010 đến nay, cho dù trung tâm đã thực hiện xong công tác qui hoạch theo quy định nhưng hiện vẫn còn những tồn đọng không nhỏ. Công tác bàn giao mặt bằng di sản chưa được thực hiện hoàn chỉnh. Hơn thế, sau 13 năm khai quật và nghiên cứu tại khu 18 Hoàng Diệu, trung tâm chưa được tiếp nhận, bàn giao số lượng di vật và hồ sơ khoa học khiến công tác nghiên cứu, quản lý và bảo tồn, phát huy giá trị di sản gặp nhiều khó khăn.

Di sản Hoàng thành Thăng Long: Băn khoăn bảo tồn và khai thác
Nhiều di tích mới, nhiều di vật mới vẫn đang được khảo cổ tại di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội

Một trong những thách thức của công tác bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long là cách thức xử lý các di tích xếp chồng lên nhau. Công trình nào có thể phá dỡ, di tích nào có thể di chuyển để phục vụ nghiên cứu khảo cổ dưới lòng đất là vấn đề gây tranh cãi. TS Nguyễn Viết Chức – nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, cho biết: “Nơi đây, phải giải bài toán chọn cái gì, hy sinh cái gì. Không đơn giản nói hy sinh là hy sinh ngay được, mà phải so sánh giá trị di sản ấy. Tìm ra phương án tối ưu, đừng mất cái gì là tốt nhất”. Còn theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, cần xác định được yếu tố nào là điển hình nhất của khu vực bảo tồn để đưa ra giải pháp hợp lý. Những di tích có giá trị tiêu biểu, đặc trưng thì phải lưu giữ một cách tuyệt đối.

Đóng góp ý kiến để bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long, GS. William Logan – Trường ĐH Deakin (Australia) nhận định, theo cam kết của UNESCO và UICOMOS (Hội đồng quốc tế về di sản và di chỉ), Việt Nam đã tiến hành khai quật khảo cổ học trên phạm vi rộng, nhưng những khai quật khảo cổ của trung tâm được tiến hành bên trong khu vực công nhận di sản thế giới hơn là bên ngoài. Những khai quật này đã làm thay đổi tương quan giữa di tích dưới lòng đất và những công trình trên mặt đất, trong đó có kiến trúc tòa nhà thời kỳ thực dân Pháp và một số công trình quân sự thời hiện đại. GS. William Logan cho rằng, mặc dù việc chỉnh trang là cần thiết nhưng không nên để mất tầng văn hóa này, bởi chính nó là một đặc điểm làm nên giá trị để UNESCO công nhận di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Tiềm năng nhiều nhưng chưa khai thác hết

Cùng với nỗi lo bảo tồn, di sản Hoàng thành Thăng Long đang đối mặt với bài toán kém hấp dẫn khách thăm quan. Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 đến nay, trung bình mỗi năm di sản thế giới tại Hà Nội chỉ đón từ 120.000 đến 160.000 lượt khách trong khi một năm riêng Hoàng thành Thăng Long có khả năng đón được khoảng 2 triệu lượt du khách. Cũng theo khảo sát của Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, hiện tại mức độ phổ biến các giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long đến với cộng đồng còn nhiều hạn chế khi chỉ có 4,3% số người được hỏi cho biết họ được phổ biến thường xuyên, 67,7% cho biết thỉnh thoảng họ mới nghe thấy và 28% cho biết chưa bao giờ được phổ biến.

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, cho biết: “Nơi đây, phải giải bài toán chọn cái gì, hy sinh cái gì. Không đơn giản nói hy sinh là hy sinh ngay được, mà phải so sánh giá trị di sản ấy. Tìm ra phương án tối ưu đừng mất cái gì là tốt nhất”.

Nhà sử học Lê Văn Lan nhận xét: Khách trong nước đến với Hoàng thành Thăng Long hiện nay chủ yếu là giới trẻ và mục đích chụp ảnh với cổng Đoan Môn chứ thực sự họ cũng không có nhu cầu tìm hiểu sâu về giá trị lịch sử. Bên cạnh đó, các hướng dẫn viên thuyết minh còn thiếu sinh động nên những giá trị văn hóa của khu di sản này ít được khách nhớ đến.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần phát triển Hoàng thành Thăng Long thành di sản sống động hơn, trong đó có thể phổ biến rộng rãi giá trị di sản bằng cách trưng bày mô hình, hiện vật phục dựng 3D ngay tại di tích hay có thể tái hiện lại các hoạt động tại khu vực Hậu Lâu, các khu vực Cửa Bắc, Đoan Môn giúp du khách trực tiếp trải nghiệm như cách trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định.

GS William Logan - Trường ĐH Deakin, nhấn mạnh: Giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long, với tư cách là di sản thế giới phải được phát huy, tức là bảo tồn và diễn giải như từng khẳng định khi được đề cử?

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này