Trả chậm lương 15 ngày sẽ bị phạt

Người lao động mơ hồ, doanh nghiệp thờ ơ

10:28 | 24/11/2015
Có hiệu lực từ 1/3/2015, Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc doanh nghiệp trả lương chậm từ 15 ngày trở lên sẽ bị phạt. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, cho đến nay, hầu hết người lao động chưa biết đến nghị định này, còn doanh nghiệp thì vẫn cứ “làm ngơ” cho qua chuyện…
Lấy tiền ở đâu để trả lương cao?
Từ 1/3/2015: Trả lương chậm quá 15 ngày phải trả lãi suất

Theo đó, Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định: Người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do NHNN công bố tại thời điểm trả lương.

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng lao động thì không được trả chậm quá 1 tháng.

Ngoài Nghị định 55, trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 95/2013/NĐ - CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền có thể lên tới 50 triệu đồng.

Ngoài ra, theo điều 96, Bộ luật Lao động, trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 1 tháng. Người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy kể cả trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động trả lương chậm quá 1 tháng sẽ bị xử phạt mức tiền trên. Chậm lương đối với 1 đến 10 lao động, phạt 5 triệu đồng. Chậm lương đối với trên 300 lao động, phạt 50 triệu đồng.

Cũng phạt đến 50 triệu đồng nếu huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày.

Trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (tối thiểu hiện nay là 1.050.000 đồng/tháng), có thể bị phạt 20 triệu đến 75 triệu đồng. Đối với dưới 11 lao động, phạt 20 triệu – 30 triệu. Đối với trên 50 lao động, phạt đến 75 triệu đồng.

Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó hoặc thử việc quá thời gian quy định sẽ bị phạt 2 triệu đến 5 triệu đồng.

Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc có định thời hạn trên 3 tháng, sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 20 triệu đồng. Phạt cảnh cáo hoặc tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu yêu cầu thử việc đối với người lao đông làm việc theo hợp đồng mùa vụ.

Mặc dù nghị định và Bộ luật Lao động đã có từ lâu, nhưng theo khảo sát của chúng tôi, đến nay, đa phần người lao động đều không biết, mà có biết thì cũng chỉ mơ hồ. Hiếm có doanh nghiệp nào bị xử phạt theo quy định, đồng nghĩa với việc người lao động cũng không bao giờ được hưởng số tiền phạt, lãi suất mà doanh nghiệp phải trả cho mình.

“Em làm công nhân cho một công ty dệt ở La Phù, Hoài Đức, Hà Nội, chuyện bị chậm lương nửa tháng, thậm chí cả tháng là bình thường. Lần nào chậm lương, lãnh đạo công ty cũng bảo do chưa nhận được tiền của đối tác chuyển về. Là công nhân bình thường, công việc bây giờ lại khó xin, nên chúng em chẳng bao giờ dám ý kiến với lãnh đạo. Cùng lắm là mấy công nhân ngồi với nhau để than thở mà thôi. Còn chuyện công ty sẽ bị nhà nước phạt nếu trả chậm lương cho công nhân và chúng em được trả thêm tiền lãi thì em hoàn toàn không biết”, Ma Thị Hiên, trú tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên, chia sẻ.

Chuyện công nhân không biết đến Nghị định 05 nên không đấu tranh là rất nhiều. Nhưng có điều, nhiều lao động biết đến nghị định này cũng không dám lên tiếng để đòi hỏi quyền lợi cũng thường xuyên diễn ra.

“Công ty em hay chậm lương lắm, có những tháng chậm đến cả 2 tháng lương. Dù biết đến việc doanh nghiệp có thể bị phạt nếu chậm lương nhưng em cũng chẳng dám ý kiến gì. Bởi, “cơm không ăn gạo vẫn còn đó”, nếu ý kiến bị đuổi việc thì mệt lắm. Giờ kiếm được công việc đâu có dễ dàng gì. Nhiều bạn em làm ở công ty khác còn bị chậm cả nửa năm lương mà có dám ý kiến gì đâu. Thôi thì đành chia sẻ với doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn như bây giờ”, Nguyễn Thúy Vân, nhân viên văn phòng một công ty xây dựng ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ.

Không biết đến nghị định, hoặc biết mà không dám ý kiến vì sợ mất việc là thực trạng đang diễn ra đối với người lao động. Sở dĩ có chuyện này là bởi, một bộ phận không được tiếp cận với thông tin, phần nữa là thời buổi khó khăn, công việc ít nên dù biết nhưng người lao động vẫn phải im để có việc làm. Mặt khác, đa phần lao động không biết đến cơ quan, đoàn thể nào sẽ ủng hộ mình để “đấu tranh”. Rồi cả “đấu tranh” thắng rồi, liệu rằng có được làm việc ở công ty nữa không?

“Trong thời buổi khó khăn, duy trì được công ty là tốt lắm rồi. Công ty cũng đâu muốn trả lương chậm cho công nhân làm gì. Nhưng vì nhiều yếu tố khách quan, nên doanh nghiệp mới phải chậm lương như vậy”, ông Trần Hữu Nam, giám đốc Công ty TNHH Thanh Nam, chia sẻ.

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này