Đừng dại lạm dụng kháng sinh

07:10 | 21/11/2015
Sử dụng kháng sinh là cần thiết để điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng kháng sinh điều trị khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng.
Hiểm họa đề kháng kháng sinh!
Các loại vắc xin cần tiêm trước khi mang thai
Dùng kháng sinh nhiều tăng nguy cơ tiểu đường

Bị bệnh gì cũng dùng kháng sinh

Có thể nói kháng sinh từ lâu đã trở thành một loại thuốc không thể thiếu trong quá trình khám, chữa bệnh. Nó là cụm từ khá quen thuộc của nhiều người, nhiều cơ sở y tế, quen thuộc tới mức chỉ cần bị xổ mũi, hắt hơi là mọi người nghĩ ngay tới việc uống kháng sinh.

Có lần qua nhà một chị bạn chơi, thấy chị đang cho con uống thuốc, tôi hỏi chuyện thì được chị cho biết, mấy hôm trước con gái bị ho và xổ mũi, chị ra hiệu thuốc hỏi thì được nhân viên của hiệu thuốc kê và dặn uống như thế nên chị làm theo. Dù không có chuyên môn về y tế nhưng khi nhìn vào đơn thuốc chị thấy sợ vì trong đơn thuốc mà chị cho cô con gái 3 tuổi uống có rất nhiều loại là kháng sinh liều cao.

Đừng dại lạm dụng  kháng sinh
Ảnh minh họa

Điều lạ ở đây là, nhiều hiệu thuốc rất “giỏi”, chỉ cần kể qua bệnh, không cần khám lâm sàng mà nhân viên cửa hàng vẫn đọc vanh vách ra bệnh và ngay lập tức kê các loại thuốc với nhiều loại kháng sinh khác nhau cho khách. Chị bạn tôi còn tỏ ra phấn khích: “Bé nhà chị lâu rồi chẳng cần đi bệnh viện, bị sao cứ ra hiệu thuốc làm mấy liều kháng sinh uống là dứt liền”.

Trường hợp sử dụng kháng sinh như chị bạn tôi không phải là hiếm mà có thể khẳng định là rất nhiều. Ths.Bs Tạ Quang Mậu, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa Hà Đông, cho biết: “Tình trạng lạm dụng kháng sinh đang ở mức báo động. Một trong những nguyên nhân là do gia đình chủ quan, thấy con bị sốt, ho hay cảm cúm... là tự ý ra ngoài mua thuốc cho trẻ uống. Thấy con chưa hết sốt lại đổi thuốc, hay tăng liều dẫn đến việc điều trị gặp khó khăn. Việc lạm dụng này sẽ dẫn tới tình trạng trẻ có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như ngộ độc thuốc, kháng thuốc... nặng hơn có thể tử vong”.

“Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa”

Đó là thông điệp do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc.

Đây là sự kiện nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… về phòng, chống kháng thuốc; nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người; đặc biệt là tuyên truyền, vận động lấy được một triệu chữ ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, kháng thuốc hiện nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai. Hàng năm, chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao.

Công tác phòng, chống kháng thuốc cần có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này