Lộn xộn chợ cóc ngoại thành: Tìm giải pháp cho chợ tạm

07:12 | 21/11/2015
Có thể nói, việc xử lý tình trạng chợ cóc, chợ tạm là bài toán khó đối với các địa phương. Bên cạnh sự thiếu hợp tác của người dân, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, các chế tài xử phạt hiện chưa đủ sức răn đe.
Lộn xộn chợ cóc ngoại thành: Chợ tạm “át” chợ chính
Nỗi lo thiếu chợ truyền thống
Tăng cường quản lý chợ trên địa bàn Thành phố

Tạo thuận lợi cho người dân

Có thể thấy, chợ cóc là vấn đề xã hội, với đặc điểm chủ yếu là các thành phần tiểu thương có thu nhập thấp, buôn bán nhỏ lẻ để mưu sinh. Điều đó dẫn đến công tác quản lý, giải tỏa các tụ điểm chợ cóc rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt tại các huyện ngoại thành. Mặt khác, chợ cóc là nơi phục vụ dân sinh hàng ngày như rau, thịt, thủy sản… Do đó, nếu chưa thay đổi được thói quen tiêu dùng vốn đã tồn tại từ bao đời nay thì việc dẹp chợ cóc khó có hiệu quả lâu dài.

Để chấn chỉnh lại hoạt động này, những năm qua thành phố đã triển khai, thực hiện đề án quy hoạch và cải tạo lại các chợ truyền thống. Cụ thể, thành phố đã phê duyệt về quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Qua đó, định hướng xây dựng 155 chợ, 28 trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn, mua sắm cấp vùng, trung tâm logistics tại khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã kiên quyết thực hiện ngay việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là đối với các tụ điểm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông… Đồng thời, rà soát, thống kê, phân loại các tụ điểm họp chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn để lập kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu thực hiện giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm từ nay đến cuối năm 2015.

Lộn xộn chợ cóc ngoại thành: Tìm giải pháp cho chợ tạm
Chợ Mai Lĩnh, Hà Đông sau khi được cải tạo vắng bóng cả người bán lẫn người mua

Tuy nhiên, qua khảo sát về tình hình hoạt động của một số trung tâm thương mại hiện có tại các huyện Đông Anh, Chương Mỹ, Hà Đông… lượng khách tới mua sắm chỉ ở mức vừa phải. Rất nhiều người dân vẫn giữ thói quen mua sắm đồ ăn, thức uống ở ven đường. Do vậy, bên cạnh những định hướng quy hoạch, xây dựng chợ, trung tâm thương mại mới, cần có giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút người dân đến với các khu chợ hiện đại hơn. Đây cũng là giải pháp mang tiểu thương từ các chợ cóc, chợ tạm đến với những địa điểm kinh doanh theo quy hoạch. Từ đó, góp phần giải quyết căn cơ vấn nạn họp chợ ven đường hiện nay.

Chuyển đổi mô hình quản lý

Thực tế trên cho thấy, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ là rất cần thiết, nhằm xây dựng chợ khang trang, hiện đại, đảm bảo tốt công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trong vùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển… Tuy nhiên, điều đáng nói, từ nhiều năm nay, phần lớn các chợ vẫn do UBND xã, phường quản lý thông qua tổ quản lý chợ hoặc giao khoán cho các tổ hoặc hộ gia đình. Điều này làm giảm tính chủ động trong quản lý kinh doanh và các khoản thu cũng dễ bị nhập nhèm, các tổ quản lý chợ hầu như chỉ thực hiện việc thu vé, chưa khai thác chợ một cách hiệu quả…

"Quan điểm phát triển chợ nông thôn của thành phố là đảm bảo có đủ chợ dân sinh hạng 3 ở các xã, cải tạo nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn, có quy mô chợ hạng 1,2" bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Do đó, để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, bên cạnh việc bố trí nguồn kinh phí cải tạo hạ tầng để đảm bảo cho người dân đi lại, mua bán thuận tiện, ban quản lý các chợ cũng cần tính toán mức chi phí hợp lý, vừa phải, cũng như niêm yết cụ thể quy chế hoạt động chợ, giá phí chợ theo quy định của thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, việc giải tỏa các tụ điểm chợ cóc là quá trình khó khăn và phức tạp, cần có thời gian để thực hiện. Muốn giải tỏa triệt để cần có sự phối hợp, ra quân đồng bộ của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng. Đồng thời bố trí tăng cường lực lượng duy trì chốt giữ sau giải tỏa, không để tái phát trở lại, nhất là đối với các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm họp dưới lòng đường ảnh hưởng đến an toàn giao thông, cũng như không để phát sinh tụ điểm mới. Song song với việc giải tỏa cần nghiên cứu, bố trí, sắp xếp các điểm chợ cho các hộ kinh doanh hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, mỹ quan đô thị…

Ngoài ra, công tác quản lý và phát triển chợ những năm qua ở các huyện, thị xã có nhiều cố gắng, nhưng tiến độ triển khai quy hoạch còn chậm và chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý chợ cả ở những cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị quản lý trực tiếp tại các chợ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, vì vậy chưa phát huy được vai trò và các chức năng của chợ, ngay cả ở những chợ đã được xây dựng khang trang. Đặc biệt, “Thành phố giao trách nhiệm chính đối với Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn trong việc duy trì lực lượng đảm bảo không để chợ cóc, chợ tạm tái họp trở lại. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh lấn chiếm vỉa hè lòng đường hoặc cho thuê buôn bán tại các địa điểm đã được giải tỏa”, bà Lan nhấn mạnh.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này