Lộn xộn chợ cóc ngoại thành: Chợ tạm “át” chợ chính

09:44 | 19/11/2015
Hiện nay, ở khắp các huyện ngoại thành, nhất là ven các tuyến đường như quốc lộ (QL) 21B, QL 6, QL 32... thậm chí trong các đường làng, ngõ xóm, mặt đê, tình hình họp chợ tự phát diễn ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông và trật tự công cộng. Chính thói quen tranh thủ đi đường, tạt vào vỉa hè mua hàng hóa, thực phẩm của đại đa số người dân đã khiến chợ cóc, chợ tạm có đất sống, trong khi nhiều chợ xây mới hoạt động hết sức khó khăn.
Nỗi lo thiếu chợ truyền thống
Tăng cường quản lý chợ trên địa bàn Thành phố
Giải tỏa chợ cóc, chợ tạm: Cần giải pháp đồng bộ
Kiên quyết giải tỏa chợ cóc, chợ tạm

Những khu chợ tạm thường chật chội, ô nhiễm thì tấp nập kẻ bán người mua, trong khi những khu chợ mới xây khang trang, rộng rãi, hiện đại thì lại vắng bóng người. Thực trạng này đang diễn ra tại không ít các xã ở khu vực ngoại thành Hà Nội.

Chợ tạm mọc khắp nơi

Từ nhiều năm nay, khu vực chợ Đông, Phương Yên, Chương Mỹ, luôn là một trong những điểm nóng về tình trạng họp chợ ven QL6. Đây là một trong ba chợ lớn nhất của huyện Chương Mỹ, tập trung nhiều tiểu thương và khách mua bán. Chợ được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1993, đến nay do nhu cầu kinh doanh lớn, trong khi hạ tầng cơ sở xuống cấp nên nhiều bà con nông dân đã bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, “bỏ chợ”, ngang nhiên mang hàng hóa ra ven đường bày bán. Vào giờ cao điểm, lượng người và phương tiện qua lại đông, việc nhiều người dân tự ý dừng xe mua sắm khiến tuyến đường càng trở nên chật hẹp làm cho việc đi lại hết sức khó khăn.

Tương tự, chợ Mai Lĩnh, thuộc phường Đồng Mai, Hà Đông, cũng không thu hút được người dân vào kinh doanh nhưng chợ cóc Mai Lĩnh lại lấn chiếm quốc lộ 6, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý xong đâu lại vào đó. Chợ chính thì vắng hoe, chợ tạm thì đông nườm nượp.

Lộn xộn chợ cóc ngoại thành: Chợ tạm “át” chợ chính
Chợ Đông, Phương Yên, Chương Mỹ, luôn được coi là điểm đen về trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 6

QL 21B là tuyến giao thông huyết mạch ở của ngõ phía Tây nam của thành phố, với chiều dài chưa đầy 40km nhưng quốc lộ 21B là tuyến đường “độc đạo” xuyên suốt bốn quận, huyện của thành phố. Do đó, tuyến đường này thường xuyên có mật độ phương tiện lưu thông rất cao, kể cả những xe có trọng tải lớn, nhất là vào những giờ cao điểm, người dân từ các xã của huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức đổ về Hà Đông và nội thành để làm việc, buôn bán. Tuy nhiên, trên đoạn đường này hiện nhiều khu chợ cóc, chợ tạm họp tràn lan tại địa phận các xã Bích Hòa, Bình Minh, thị trấn Kim Bài, Dân Hòa. Lòng đường vốn nhỏ, hành lang giao thông lại bị lấn chiếm bởi họp chợ, phế thải xây dựng... cộng với ý thức kém của các chủ phương tiện đã khiến con đường này trở nên “ngột ngạt” với người tham gia giao thông.

Tương tự, tại khu vực Km32+700, quốc lộ 21B, đoạn qua thôn Đinh Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, không biết từ bao giờ đã mọc lên một chợ cóc nhộn nhịp. Hàng ngày, chợ họp từ sáng sớm đến khoảng 6 - 7 giờ tối. Đoạn đường này nằm trên con đê Tả sông Đáy, bề rộng chỉ hơn 10m, hàng ngày có rất nhiều phương tiện, đặc biệt là xe tải lớn chạy qua. Chợ kéo dài hàng trăm mét với rất nhiều quầy, sạp kinh doanh đủ loại từ rau củ quả, thịt cá cho đến quần áo, vải vóc, mỗi gian hàng chìa ra chiếm mất từ 1 - 2m lòng đường. Chuyên bán rau củ quả tại chợ cóc này, cô Nguyễn Thị Hòa bộc bạch, có làm kinh doanh nhỏ lẻ hàng ngày cũng chỉ được vài đồng lãi, vẫn biết là ngồi cạnh đường quốc lộ thì nguy hiểm nhưng ở đây không mất chi phí thuê cửa hàng, nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đấy. “Việc bán hàng của tôi mấy chục năm nay vẫn được gọi là “bán chạy”, tức là vừa bán, vừa chạy”, cô Hòa chia sẻ.

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Báo cáo của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có 411 chợ từ loại 1 đến 3, ngoài ra còn có hàng nghìn chợ cóc, chợ tự phát. Tuy nhiên, trong cả tháng cao điểm ATVSTP, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cũng chỉ kiểm tra được 4 chợ và việc kiểm tra cũng chỉ ở mức độ nhất định. Nơi nào cũng báo cáo rất tốt, song trên thực tế chỉ hoàn thành nhiệm vụ thu lệ phí và bảo đảm an ninh trật tự, còn ATVSTP gần như không quan tâm.

Tại khu vực chợ xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, ngay tại khu vực cửa vào những hàng thịt lợn tươi sống, giò, chả… xếp thành một dãy dài ở ngay đầu chợ, tràn cả ra ngoài đường liên huyện, người bán nhiều và người mua cũng rất đông. Tuy nhiên, khi hỏi chủ một số sạp hàng: “Các loại thịt này đã được kiểm dịch chưa?” thì tất cả đều lắc đầu: “Có dịch gì đâu mà phải kiểm…”. Đi một vòng quanh chợ, điều ngạc nhiên không phải là sự phong phú của thực phẩm mà là sự ô nhiễm môi trường với đủ các thứ mùi từ thịt gia súc, gia cầm đã giết mổ, chế biến sẵn quyện với mùi của rác, nước thải lưu cữu bốc lên nồng nặc. Trong khu vực dãy hàng thủy hải sản, nước đổ lênh láng khiến đường đi lúc nào cũng nhớp nháp, lầy lội như sau trận mưa.

Dạo qua một số chợ “cóc” thuộc các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Ba Vì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức…, tình hình cũng như vậy. Thực phẩm được bày bán ngay trên mặt đất, thực phẩm chín bày bán xen lẫn thực phẩm tươi sống, không hề che đậy, mặc cho người qua lại, bụi bặm và ruồi nhặng bủa vây. Điểm chung dễ nhận thấy là ý thức chấp hành các quy định về ATVSTP của người kinh doanh chưa cao, hầu hết đều vì lợi nhuận mà không quan tâm đến người tiêu dùng. Nhiều người dân giết mổ gia súc, gia cầm tại nhà rồi đem ra chợ bán nên lực lượng thú y kiểm dịch không thể kiểm soát.

Chính vì vậy, mặc dù thành phố đã có quy định siết chặt việc vận chuyển sản phẩm gia súc, gia cầm song cảnh lợn, gà “trần trụi” nằm vắt vẻo trên xe máy, chân “quét” mặt đường đầy bụi bẩn vẫn diễn ra. Cuối cùng, cũng chỉ đành “khuất mắt trông coi”, nhiều người mua đồ ăn theo cái sự “tiện” mặc dù biết chắc là “không lợi”.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này