Chuyên gia Nhật “hơi bi quan” về kinh tế Việt Nam

08:03 | 15/11/2015
"Chính phủ Việt Nam đã có cam kết nghiêm túc và hội nhập quốc tế đã có thành tựu đáng kể nhưng vẫn có những khoảng cách và thách thức lớn. Tôi có thể hơi bi quan nhưng để giải quyết cần có nhiều thời gian và Chính phủ nên đưa ra cam kết nghiêm túc hơn", GS. Toshiro Nishizawa, Trường Chính sách công, Đại học Tokyo nói.
Bức tranh kinh tế Việt Nam qua đánh giá của các tổ chức quốc tế
Kịch bản nào cho kinh tế Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc?

AEC, động lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng?

Ông Toshiro Nishizawa chia sẻ, ông đã từng phấn khích với sự năng động và tiềm năng của Việt Nam. Trong vòng 20 năm qua kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam ông nhận thấy Việt Nam có thay đổi lớn và cho rằng, Việt Nam đang ở bước ngoặt quan trọng và Cộng đồng Kinh tê ASEAN (AEC) là một trong những động lực chính cho sự chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng mới.

Chuyên gia Nhật “hơi bi quan” về kinh tế Việt Nam
Ảnh minh họa

Cũng theo vị chuyên gia này, Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết nghiêm túc và việc hội nhập quốc tế là thành tựu đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khoảng cách và thách thức lớn.

Cụ thể trong vấn đề: doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm cả những doanh nghiệp siêu nhỏ; sự hội nhập về thị trường tài chính; vấn đề liên quan đến lao động.

"Tôi có thể hơi bị quan nhưng để giải quyết những thách thức đạt ra cần có thời gian. Có thể làm trong 10 năm nhưng như vậy chưa đủ nếu Việt Nam muốn đạt được trình độ phát triển tiên tiến hơn. Chính phủ đưa ra cam kết nghiêm túc là tốt nhưng vài năm chúng ta không thấy tiến bộ người dân có thể thất vọng, Chính phủ có thể không được thị trường tin tưởng là rủi ro lớn", GS. Toshiro Nishizawa nói.

Ông Toshiro cũng chia sẻ, cách đây 10 năm khi tham gia hội thảo của các nước OECD ông đã từng "shock và bực mình" khi nghe một đại diện đến từ Việt Nam tham gia thảo luận trong đó liên quan đến thoả thuận của Việt Nam với Mỹ đã nói đại ý: "Việt Nam đã bị thụt lùi một bước".

"Tôi khẳng định lời tuyên bố đó là sai. Quan niệm về thị trường cần sửa đổi, rõ ràng khoảng cách là rất lớn", ông Toshiro nhấn mạnh.

Chuyên gia Nhật “hơi bi quan” về kinh tế Việt Nam
Hội thảo “Cơ hội đối tác để Việt Nam tham gia thành công vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN” diễn ra vào ngày 13/11. Ảnh: Tâm An

Ông chia sẻ về một bài báo của một nhà kinh tế học nổi tiếng từng viết: "Thà rằng là một con rùa hơn một con thỏ trong cuộc đua. Những nước dựa vào sự phát triển kinh tế vững chắc, tập trung tích luỹ vốn có thể không tăng trưởng nhanh nhưng ổn định và tránh được khủng hoảng và cuối cùng theo kịp các nước tiên tiến". "Đó chính là quan điểm, ý tưởng của tôi, là cách mà Việt Nam có thể tồn tại", ông nói.

"Chúng ta đang tự an ủi cải cách phải có thời gian"

Phản hồi về những ý kiến được đưa ra bởi ông Toshiro, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, có thể an ủi cải cách cần phảo có thời gian nhưng 5-10 năm hoặc 30 năm ông vẫn thấy chậm chạp trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan đã tiến rất xa, so với 30 năm của Việt Nam là sự cách biệt lớn.

Cũng theo ông Cung, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam so với kỳ vọng về hội nhập, những động lực và tinh thần kinh doanh của khu vực này tại thời điểm hiện tại đã giảm đi nhiều so với 10 năm trước đó. Không ít doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho hội nhập kinh tế ở khu vực ASEAN thể hiện qua mức độ nhận thức còn hạn chế, thiếu sự quan tâm và chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nhập.

"Chúng ta cần start – up một tinh thần kinh doanh thực sự mạnh mẽ, lúc đó nền kinh tế mới mới có động lực nội tại để có thể tăng trưởng nhưng quan điểm của tôi tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp thời điểm này thấp hơn năm 2005. Nhiều khi chúng ta tự an ủi rằng cải cách phải có thời gian", ông Cung nhận xét.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, chưa bao giờ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp lại thấp như hiện nay, có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động nội địa không tham gia xuất nhập khẩu do đó không có những cảm nhận như doanh nghiệp xuất khẩu và họ đang phải đối mặt với nhữg mối lo trước mắt quá lớn.

"Doanh nghiệp Việt phải đối phó với các vấn đề về môi trường kinh doanh và ám ảnh bởi những kỷ lục như số doanh nghiệp giải thể. Họ lo tồn tại hơn là cạnh tranh. Chưa bao giờ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp lại thấp như hiện nay", bà Lan nhấn mạnh.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này