Cần quản lý chặt các hoạt động từ thiện

12:29 | 13/11/2015
Mới đây thông tin về một nhóm từ thiện lấy danh nghĩa hỗ trợ người nghèo, nhưng lại đi “xin tiền” người nghèo khiến rất nhiều các nhà hảo tâm bất bình. Từ đây, nhiều người cho rằng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần có những chế tài, quy định quản lý các hoạt động từ thiện.
Chương trình từ thiện “Trung thu yêu thương”
Võ Sinh Tiên, cô nữ sinh giàu lòng nhân ái
Nhắn tin từ thiện, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Những bát cháo nghĩa tình

Lợi dụng danh nghĩa từ thiện

Gần đây, trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn mạng xã hội, đang xôn xao về câu chuyện làm từ thiện của một tổ chức mang danh “Hỗ trợ người nghèo” nhưng thực chất là đi lừa người nghèo, đồng thời dựa vào lòng trắc ẩn của người dân để quyên góp, thu lợi bất chính cho mục đích cá nhân. Khi sự việc xảy ra, người dân mới giật mình nhìn lại về câu chuyện từ thiện và những vấn đề xung quanh nó.

Không phải đến bây giờ vấn đề làm từ thiện mới được các cá nhân, các tổ chức xã hội quan tâm, mà đã từ lâu các chương trình từ thiện luôn là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn cao cả, nó không chỉ đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho người kém may mắn trong cuộc sống, mà còn mang ý nghĩa của sự sẻ chia tinh thần đoàn kết. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, rất nhiều các hội nhóm từ thiện tại Việt Nam đã và đang hoạt động một cách tự phát, không phải là quỹ từ thiện, không có giấy phép hoạt động từ thiện được quy định theo pháp luật Việt Nam.

Tại Việt Nam, để thành lập một tổ chức, một hội nhóm làm từ thiện không quá khó. Chỉ cần một câu chuyện cảm động, một gia đình nghèo khó, hay một vụ tai nạn thương tâm xảy ra… là đâu đó sẽ có một vài cá nhân, một vài tổ chức xã hội đứng lên kêu gọi hỗ trợ, kêu gọi quyên góp làm từ thiện.

Từ ý nghĩa nhân văn hoạt động này đem lại, đã có người lợi dụng việc quyên góp, kêu gọi ấy nhằm tư lợi cá nhân. Vì thế, tại một số tổ chức từ thiện, việc công khai tài chính luôn là vấn đề nhạy cảm và được rất nhiều các thành viên quan tâm, nhưng để lên tiếng thì hầu hết mọi người đều ái ngại với một rào cản tâm lý: Đã làm từ thiện thì không quan tâm đến chuyện tiền nong hoặc vì tin vào cái tâm sáng của những người đứng ra thành lập hội nhóm từ thiện mà sẵn sàng bỏ qua.

Cần quản lý chặt các hoạt động từ thiện
Hình minh họa

Chị Mai Hương, CLB từ thiện “Vì giấc mơ em” chia sẻ, từ thiện phải xuất phát từ chính trái tim của mình, phải đồng cảm với cuộc sống khó khăn, những mảnh đời bất hạnh để hiểu và sẻ chia cùng họ. Từ đó, không chỉ nguồn tài trợ của mình được sử dụng có hiệu quả, mà thực sự mang lại ý nghĩa cho cả người nhận. Mỗi tổ chức, mỗi hội nhóm, CLB đều có cách quản lý và sử dụng tài chính riêng, nhưng tựu chung tất cả những nguồn ấy đều được công khai với các thành viên, nhưng công khai đến đâu thì mọi người biết đến đó. Chuyện tiền nong là vấn đề nhạy cảm, nhất là đi làm từ thiện thì không nhiều người quan tâm đến vấn đề này.

Cần có chế tài xử lý

Phải khẳng định, hoạt động từ thiện đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh éo le, nhiều cuộc sống khốn khó. Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, việc các tổ chức từ thiện phát triển mạnh mẽ như vậy, xuất phát từ sự phân hóa giàu nghèo ngày một lớn trong xã hội. Nhiều chương trình hoạt động từ thiện kịp thời là rất tốt, rất nhân văn và ý nghĩa. Tuy nhiên, rất nhiều các tổ chức, hội nhóm từ thiện đã vô tình khiến một số người ỷ lại khiến họ dễ rơi vào hoàn cảnh phạm tội.

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên về câu chuyện một người đàn ông ở Hải Phòng đã đánh lừa dư luận về cuộc sống khó khăn, khi một mình phải nuôi đứa con nhỏ mới một tháng tuổi hòng nhận được sự giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm. Hay câu chuyện về người cha làm nghề vá xe đạp, sống cùng hai cô con gái nhỏ trên vỉa hè Sài Gòn. Cuộc sống nghèo khó vô tình làm lay động nhiều trái tim của những người hảo tâm, họ sẵn sàng ra tay giúp đỡ, quyên góp cho ba con người khốn khổ. Thế nhưng, khi có tiền người cha lại sẵn sàng tiêu pha hoang phí, đường cùng lại dắt các con trở lại vỉa hè…

Chia sẻ với người viết về vấn đề trên, nhà nghiên cứu xã hội học Đào Thu Trang cho rằng, chúng ta làm từ thiện là để giúp đỡ những thân phận, mảnh đời bất hạnh có thêm nghị lực vựơt qua khó khăn, thử thách của cuộc sống để từ đó họ có ý thức vươn lên, chứ không phải làm từ thiện là đem cho ai đó một đồng tiền, rồi mặc kệ họ với số tiền ấy. Như thế là ích kỷ nhằm thoải mái tư tưởng và vì chính sự hào nhoáng của hai chữ từ thiện.

“Nhìn qua các quy định của pháp luật, hiện nay tôi chưa thấy một quy định hay chế tài nào dành riêng để quản lý hoạt động từ thiện. Vì thế, để các tổ chức, CLB, hay các đoàn thể được hoạt động quy củ, mang đậm tính nhân văn, tránh lợi dụng lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm để vụ lợi, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những quy định, những chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với những hành vi lợi dụng chương trình từ thiện, quyên góp để tư lợi bản thân, thậm chí cần quy định thành luật và xử lý hình sự khi cần thiết. Nếu không, về lâu dài các hoạt động từ thiện, đặc biệt là từ thiện tự phát sẽ ngày một biến tướng, mất kiểm soát và trở thành hình thức lừa đảo, làm tăng thêm các tệ nạn xã hội”, Bà Trang cho biết thêm.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này