KỲ HỌP THỨ 10 QUỐC HỘI KHÓA XIII

Đảm bảo an sinh gắn với xóa nghèo bền vững

04:54 | 14/11/2015
Sáng 12/11, Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, gồm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã được Quốc hội thông qua với 88,26% tổng số đại biểu tán thành.
Người dân phải được sử dụng nông sản sạch
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, Đảng viên

Mục tiêu tổng quát của chương trình xây dựng nông thôn mới là có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao.

Đảm bảo an sinh gắn với xóa nghèo bền vững
Quốc hội làm việc tại Hội trường sáng ngày 12/11 (Ảnh: TTXVN)

Các chỉ tiêu cụ thể: Đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%; không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Phạm vi thực hiện tại các xã trên phạm vi cả nước.Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 193.155,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 63.155,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương 130.000 tỷ đồng.

Không thể tận thu phí và lệ phí

Một nội dung cũng được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề phí là lệ phí . Đại biểu Huỳnh Văn Tín (Tiền Giang) nêu ý kiến: Việc thu phí và lệ phí phải tương xứng với dịch vụ công, nếu không rõ ràng và minh bạch, phí và lệ phí rất dễ trở thành nguồn tận thu từ người dân. Do đó, dự thảo luật cần giải thích rõ bản chất của phí, lệ phí và giá dịch vụ, đảm bảo nguyên tắc phí và lệ phí không chồng thuế. Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu rõ nguyên tắc, phí và lệ phí được trả cho một bộ phận nào đó có nhu cầu sử dụng dịch vụ, những gì thuộc về dịch vụ chung do nhà nước đảm trách, toàn dân sử dụng thì người dân đã có trách nhiệm đóng thuế. Do đó, phí và lệ phí phải hợp lý, không thể là thuế thu nhập trá hình làm giảm nguồn thu nhập hợp pháp của người dân. Trong khi người dân đã đóng các loại thuế, không thể bắt người dân phải trả thêm tiền cho các dịch vụ công. Không thể thu phí, lệ phí để bù đắp cho tệ nạn tham nhũng, lãng phí, kém hiệu quả trong quản lý nhà nước đối với việc sử dụng tiền thuế của người dân.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tăng thu nhập của người nghèo giai đoạn 2016-2020; giảm tỷ lệ nghèo cả nước bình quân 1,0%- 1,5%/năm, riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có phạm vi thực hiện trên cả nước, trong đó ưu tiên tập trung các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 64 huyện nghèo); các huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn, bản đặc biệt khó khăn (chương trình 135). Tổng mức vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước tối thiểu là 46.161 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương: 41.449 tỷ đồng và ngân sách địa phương: 4.712 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục rà soát 21 chương trình mục tiêu được ban hành kèm theo Nghị quyết số 1023/NQ - UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; loại bỏ các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu trùng lặp với mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo các đại biểu, dù trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, song việc Quốc hội thông qua gói tài chính rất lớn cho các mục tiêu quốc gia, cụ thể xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo như trên là thể hiện tính ưu việt của Đảng, Nhà nước. Vấn đề đặt ra để phát huy hiệu quả nguồn vốn phải quản lý và giám sát thật chặt để không xảy ra thất thoát.

Hương Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này