Nhập nhèm chất lượng rau hữu cơ

15:47 | 12/11/2015
Không thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quản, không biến đổi gen... rau hữu cơ đã và đang được nhiều người tin dùng. Đánh trúng vào tâm lý ấy, rất nhiều cửa hàng rau quả tại các thành phố đã chuyển sang đầu tư bán sản phẩm rau hữu cơ có giá đắt gấp 3-5 lần so với rau thông thường. Thế nhưng, không ít người tỏ ra nghi ngại về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, bởi để có được một vườn rau hữu cơ đạt chuẩn không phải là chuyện dễ dàng.
Các thực phẩm chống độc siêu hạng
Vườn rau mini khắp ngõ phố Hà Nội
Cách đơn giản để biết rau "ngậm" hóa chất hay không
Rau cải bắp - món ngon chữa được nhiều loại bệnh

“Bùng nổ” rau hữu cơ

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng không còn quá xa lạ với khái niệm rau hữu cơ. Loại sản phẩm này đã bắt đầu có được chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhu cầu sử dụng rau hữu cơ ngày một nhiều, khiến cho các cửa hàng rau hữu cơ phát triển như “nấm sau mưa”.

Dạo qua một số cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội trên phố Trần Thái Tông, Hoàng Đạo Thúy, Thái Hà, Trần Duy Hưng, không khó để người viết bắt gặp các cửa phân phối thực phẩm rau hữu cơ, kèm theo đó là những tờ quảng cáo bắt mắt như: “Sản phẩm 100% hữu cơ, siêu sạch, tự nhiên” hay “Thực phẩm dinh dưỡng”… Giá thành của sản phẩm này theo đó thường cao hơn từ 3 – 5 lần so với những sản phẩm thông thường như rau cải ngọt, mùng tơi, rau dền đều có giá 32.000đ/kg, cải hỏa tiễn, mướp nhật có giá 70.000đ/kg…

Mặc dù giá rau hữu cơ không hề rẻ, nhưng đây lại là nhóm thực phẩm được rất nhiều gia đình có điều kiện ưu chuộng, bởi niềm tin về độ an toàn của nó. Trao đổi với PV, chị Quỳnh Chi (ở Ngô Sĩ Liên, Văn Miếu, Hà Nội) cho biết, giá rau hữu cơ thậm chí còn đắt hơn cả thịt nhưng trong thời điểm này, các loại rau thông thường bị sử dụng quá nhiều thuốc sâu, chất bảo quản, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi sử dụng. Vì thế, rau hữu cơ luôn là lựa chọn của chị mỗi khi đi chợ.

Nhập nhèm chất lượng rau hữu cơ
Cơ quan chức năng cần có những quy định cụ thể về chất lượng sản phẩm rau hữu cơ

Hiện nay, cùng với sự quảng bá mạnh mẽ của các cơ sở sản xuất, rau hữu cơ đã được rất nhiều người nội trợ tin dùng. Tuy nhiên, khi được hỏi về độ an toàn thực sự hay nguồn gốc, xuất xứ thì rất ít người tiêu dùng lại mơ hồ về sản phẩm. “Trên rất nhiều tuyến phố không khó để chúng tôi tìm mua được rau hữu cơ.

Về độ sạch, độ an toàn của nó thì đã được quảng cáo rất nhiều và thể hiện trực tiếp trên bao bì sản phẩm. Thế nhưng, làm sao để biết sản phẩm đó có đạt chuẩn 100% rau hữu cơ, sản phẩm đó do đơn vị nào cấp giấy chứng nhận, cơ sở đó có đủ năng lực hay không thì người tiêu dùng chúng tôi không thể thẩm định được”, chị Thu (Mai Dịch, Cầu Giấy) tỏ ra lo ngại.

Rau hữu cơ liệu có sạch?

Được biết, hệ thống tiêu chuẩn ngành về nông nghiệp hữu cơ tuy đã được ban hành nhưng chưa được quy định cụ thể. Do đó, đến thời điểm hiện tại, chưa có cơ quan nào trong nước chứng nhận về sản xuất và kinh doanh sản phẩm hữu cơ, hầu hết các sản phẩm hiện nay đều là do tổ chức nước ngoài hoặc được chứng nhận theo tiêu chuẩn nước ngoài. Vì thế, rất nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn giữa rau hữu cơ và rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, hiện nay rau hữu cơ đang được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Bởi thế nó rất dễ bị làm giả, làm nhái, bởi quy trình trồng rau hữu cơ thường phải khép kín với những khu vực, cơ sở vật chất riêng biệt.

Để phân biệt hai sản phẩm này chị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Hà Nội (dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ) cho biết, rau hữu cơ là sản phẩm không sử dụng bất kỳ loại thuốc sâu, chất bảo quản nào. Còn rau theo tiêu chuẩn VietGap thì được phép sử dụng với dư lượng cho phép trong sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng. Nói về sản phẩm rau theo tiêu chuẩn PGS, chị Nhung cho hay, đây là chương trình được phát triển bởi Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á và tổ chức phi chính phủ Đan Mạch (ADDA) phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức từ năm 2005-2012 tại một số tỉnh miền Bắc nước ta.

Để được chứng nhận là rau hữu cơ, buộc các sản phẩm phải trải qua một chuỗi sản xuất khép kín, tham gia các tiêu chuẩn hữu cơ, cam kết nông dân, đến khâu sơ chế, thương lái và bán hàng. Hệ thống này được quản lý bởi nhóm điều phối và có sự giám sát chặt chẽ…

Hiện nay, tại thị trường phía bắc mới có 3 khu vực là: Lương Sơn (Hòa Bình), Sóc Sơn (Hà Nội), Duy Tiên (Hà Nam) được công nhận là rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS. Còn tại thị trường miền Nam, hiện đã có Hội An (Quảng Nam), Bến Tre là hai địa điểm mới được hình thành và công nhận rau hữu cơ đạt chuẩn PGS.

Cũng theo chị Nhung, hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm rau hữu cơ và được chứng nhận bởi các tổ chức, các tiêu chuẩn khác nhau. Mới đây nhất hai địa điểm Long Thành (Đồng Nai), Đơn Dương (Lâm Đồng) là nơi vừa được hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica (tổ chức USDA Organica) có trụ sở tại TP. HCM, cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và Liên minh châu Âu. Nói vậy để thấy rằng, với từng ấy đơn vị sản xuất, thì hiện nay nguồn cung không đủ cầu.

Cùng với đó là quá trình quản lý còn chưa chuyên nghiệp, thiếu sự hợp tác từ phía người trồng, sự liên kết giữa các sản phẩm, doanh nghiệp với nhau. Vì thế, việc sản phẩm rau hữu cơ bị làm “nhái”, mạo danh là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trên thực tế, thời gian qua một số cửa hàng kinh doanh rau hữu cơ bị phát hiện trà trộn rau khác. Đơn cử như hệ thống cửa hàng Mr Sạch hay cửa hàng Emart (Linh Đàm) đã bị Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hệ thống đảm bảo rau hữu cơ PGS đình chỉ tư cách thành viên 1 năm với lý do, nhà phân phối sử dụng rau theo phương pháp hữu cơ nhưng chưa được chứng nhận, sau đó sử dụng bao bì có logo của PGS tiêu thụ. Sau sự việc ấy, Trung tâm điều phối PGS đã có những quy định chặt chẽ hơn như tăng cường giám sát, cam kết quản lí, bán hàng nhằm tiết giảm sản phẩm bị làm giả, làm nhái, nhưng tất cả chỉ là tương đối.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, hiện nay rau hữu cơ đang được rất nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn. Bởi thế nó rất dễ bị làm giả, làm nhái, bởi quy trình trồng rau hữu cơ thường phải khép kín với những khu vực, cơ sở vật chất riêng biệt. Bên cạnh đó, tất các các tiêu chuẩn như PGS hay USDA Organica, mặc dù có uy tín và có thương hiệu, thế nhưng tất cả những tổ chức, những tiêu chuẩn đó đều là theo tiêu chuẩn nước ngoài. Theo tiểu chuẩn của nước ngoài là tốt, nhưng để quản lý nó rất cần có những quy định, tiêu chuẩn của Việt Nam.

Vì thế, các cơ quan chức năng cần phải ban hành sớm những quy định, tiêu chuẩn để quản lý sản phẩm hữu cơ theo đúng tiêu chuẩn trong nước. Có như vậy sản phẩm rau hữu cơ mới thực sự an toàn và phát triển toàn diện.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này