Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII

Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động báo chí

16:00 | 05/11/2015
Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) vừa được trình lên Quốc hội, trong đó có nhiều điểm mới được giới báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, bạn đọc quan tâm.
Mở rộng diện các đơn vị được thành lập báo
Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi
Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động báo chí
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trình bày dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã trình lên Quốc hội dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) vào ngày 4-11.

Theo đó dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành. Việc sửa đổi này nhằm cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Đáng chú ý, điểm mới của dự thảo Luật so với Luật hiện hành là bổ sung thêm 1 chương quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí theo tinh thần Hiến pháp 2013; mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; quan tâm đến kinh tế báo chí; thừa nhận và cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung liên kết trong tất cả các loại hình báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí.

Ba trong số các điểm mới trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) được giới báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, bạn đọc quan tâm đó là: Thứ nhất, khẳng định báo chí là một kênh thông tin, tuyên truyền đặc biệt qua trọng của Đảng, Nhà nước và của nhân dân, nên hoạt động báo chí, của nhà báo phải được tự do. Tự do trong ngôn luận. Tuy nhiên, tự do trong khuôn khổ luật pháp, không đi ngược lợi ích quốc gia, phỉ bang văn hóa, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và danh dự cá nhân, đơn vị. Nhà nước tạo điều kiện tối đa để báo chí tiếp cận thông tin chính thống để có những góc nhìn chân thực, sinh động về tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị- kinh tế- xã hội không ngoài mục đích nào hơn là góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc; Vì một Nhà nước dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Tạo điều kiện tối đa cho hoạt động báo chí
Lao động Thủ đô là tờ báo được đánh giá có chất lượng và luôn đúng tôn chỉ.

Thứ hai, xác định báo chí là sản phẩm của trí tuệ mang tính chính trị cao, nhưng đồng thời cũng là một cơ quan sản xuất, vì thế để thị trường báo chí phát triển cạnh tranh, có sự quản lý của Nhà nước; dự thảo Luật đã nới biên độ mở rộng diện các cơ quan, đơn vị ví như Tập đoàn được lập cơ quan báo chí. Cạnh đó, mỗi cơ quan có quyền liên doanh, liên kết trong khuôn khổ luật pháp nhằm nâng cao chất lượng nội dung và hiệu quả kinh tế.

Thứ ba, nhằm bắt kịp xu thế chung của báo chí quốc tế, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) khuyến khích mô hình tập đoàn. Vì vậy, sẽ có Tổng giám đốc phụ trách chung, còn sau đó là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập phụ trách riêng từng ấn phẩm hoặc nhóm ấn phẩm, loại hình hoặc một nhóm loại hình báo chí. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả quản lý, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ quy định rất cụ thể trách nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.

Quốc hội sẽ dành nửa buổi tại kỳ họp này để thảo luận dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này