Nhiều sai phạm lao động trong ngành dệt may

10:12 | 03/11/2015
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết Chiến dịch thanh tra lao động năm 2015 trong ngành may mặc do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây.
Dệt may là ngành được lợi từ việc tham gia hiệp định TPP
Cơ hội và thách thức: Từ câu chuyện dệt may

Năm 2015, với sự hỗ trợ của ILO, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường tuân thủ tại nơi làm việc thông qua thanh tra lao động” do Chính phủ Hà Lan tài trợ, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các đối tác ba bên (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) thực hiện thí điểm chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc.

Nhiều sai phạm lao động trong ngành dệt may

Chiến dịch được thực hiện từ tháng 5 - 9/2015 tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh với mục tiêu nâng cao năng lực thể chế và trình độ kỹ thuật để tiến hành hiệu quả các hoạt động thanh tra lao động. Bên cạnh hoạt động thanh tra, chiến dịch cũng tập trung vào hoạt động truyền thông nhằm trang bị cho giới chủ sử dụng lao động, tổ chức công đoàn và người lao động những kiến thức, kỹ năng và tư vấn cho doanh nghiệp tuân thủ pháp luật lao động để thực hiện tốt chính sách, pháp luật lao động.

Qua thanh tra lao động ở 152 doanh nghiệp dệt may, Đoàn thanh tra phát hiện hơn 1.700 vi phạm, lập 19 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt gần 600 triệu đồng. Cụ thể, đoàn thanh tra phát hiện, hầu hết doanh nghiệp huy động lao động làm quá giờ quy định. Nhiều đơn vị còn không thực hiện chế độ nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ, nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng có lương cho người lao động. 22 doanh nghiệp vi phạm về thời gian làm việc cho lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ làm công việc nặng nhọc.

Về vấn đề tiền lương, kết quả thanh tra cho thấy, có 47 doanh nghiệp chưa làm định mức lao động, hệ thống thang lương, bảng lương. 36 doanh nghiệp chưa trả lương ngày chưa nghỉ hàng năm của lao động hoặc chưa nghỉ hết số ngày, không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn vi phạm về an toàn lao động, như chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động, đường và cửa thoát hiểm không đúng tiêu chuẩn, nhiều rủi ro về điện, không lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH khẳng định, kết quả thanh tra là cơ sở để xử lý những bất cập trong việc tuân thủ pháp luật lao động, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe và quyền lợi cho người lao động.

P.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này