Đề xuất 7 giải pháp giảm ùn tắc giao thông và TNGT

15:48 | 02/11/2015
Sáng nay, ngày 2/11, tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội, đồng chí Vũ Văn Viện, Ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy khối, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có bài tham luận những giải pháp đột phá kết cấu hạ tầng giao thông đô thị nhằm giảm ủn tắc và tai nạn giao thông  
Gam sáng giao thông trước thềm Đại hội
Bắt đầu triển lãm tàu mẫu đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Hà nội tăng cường các giải pháp chống ùn tắc giao thông

Theo đồng chí Vũ Văn Viện, một trong những kết quả nổi bật mà Đảng bộ Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả là Chương trình số 06-CTr/TU về đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình số 07-CTr/TU về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015.

Với tinh thần ấy, Thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thành các dự án giao thông quan trọng do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư như: tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lào Cai; tuyến đường 5; Đường vành đai 3 trên cao; đường Nhật Tân - Nội Bài; nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài... các cầu Vĩnh Thịnh, Phù Đổng 2, Nhật Tân.

Thành phố cũng đã ưu tiên nguồn lực chủ động đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng như cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài; tuyến Quốc lộ 32; kết nối các đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5; cầu Mỗ Lao, đường Trần Phú - Kim Mã và đặc biệt là sự chủ động, tích cực đi trước trong cả nước nghiên cứu xây dựng 07 cầu vượt bằng kết cấu thép tại các nút giao thông, đầu tư xây dựng Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông kết nối 200 nút đèn tín hiệu giao thông và 400 camera giám sát giao thông tại các nút giao thông quan trọng.

Đề xuất 7 giải pháp giảm ùn tắc giao thông và TNGT
Cầu vượt kết cấu thép được coi là giải pháp hiệu quả hạn chế ùn tắc giao thông

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Vũ Văn Viện cũng nêu những khó khăn, hạn chế như: việc suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng đến nguồn lực đầu tư xã hội, dẫn đến các công trình còn chậm tiến độ, các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 còn chưa được kết nối hoàn chỉnh, các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) và đường sắt đô thị chưa được đưa vào sử dụng, phương tiện giao thông cá nhân vẫn có chiều hướng tăng nhanh, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế, vì vậy tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trước thực trạng như này, đồng chí Vũ Văn Viện cũng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, thành phố cần tiếp tục chủ động trong việc phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Hà Nội trên cơ sở phù hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải Việt Nam và quy hoạch vùng Thủ đô để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hai là, cần căn cứ quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lựa chọn các công trình giao thông quan trọng để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng phù hợp với khả năng huy động nguồn lực đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 đảm bảo tính khả thi và tính kết nối.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phân công, phân cấp hợp lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nói chung và đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nói riêng, đảm bảo tính đồng bộ thống nhất giữa các chủ đầu tư cấp Thành phố và sự chủ động của các chủ đầu tư cấp quận, huyện, trong đó việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng phải được tính toán cụ thể và đi trước một bước.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế quản lý, khuyến khích và thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, BT, BOT... cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng. Đặc biệt là các công trình giao thông hiện đại như các tuyến đường sắt đô thị, đảm bảo việc vận hành tuyệt đối an toàn và hiệu quả.

Năm là, mở rộng và nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng có lộ trình và các biện pháp thích hợp (cả biện pháp hành chính và kinh tế) nhằm từng bước tăng tỷ lệ hành khách sử dụng giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại một số khu vực trung tâm.

Sáu là, xây dựng lộ trình và có bước đi thích hợp trong việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh cho Thủ đô Hà Nội. Trong đó tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hệ thống giao thông thành phố trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối đèn tín hiệu giao thông, camera giám sát giao thông tại các nút giao thông và các tuyến đường trọng điểm. Kết nối và quản lý phương tiện giao thông công cộng, xe buýt, xe khách liên tỉnh, xe taxi... bằng hệ thống định vị GPS.

Cuối cùng, cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền động viên, khuyến khích các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng chấp hành tốt chủ trương giải phóng mặt bằng theo đúng các quy định của pháp luật. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kết hợp với việc xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Giao thông từng bước xây dựng nếp sống tự giác chấp hành pháp luật về giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông của người dân Thủ đô Hà Nội.

Tuấn Dũng lược ghi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này