Hiệu quả của chính sách hỗ trợ hộ vay vốn

Từ thoát nghèo đến làm giàu

15:27 | 29/10/2015
Từ ngày 5/9/2015, Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực về việc quy định cho những hộ thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu lực. Nhiều người đã tiếp cận được nguồn vốn vay, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã đem lại những lợi ích kinh tế đáng kể. Nhiều người có niềm tin mãnh liệt rằng, chỉ một vài năm nữa, khi đã tiếp cận được nguồn vốn này, họ sẽ có thu nhập cao, ổn định, hướng tới việc làm giàu chứ không phải đơn thuần duy trì cuộc sống bình bình như trước đây…
Vốn vay lớn, công chức nhiều và bài toán hiệu quả
Từ 1/9: Lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài
Giúp người lao động cải thiện cuộc sống

Đứng bên chiếc máy gặt liên hợp, anh Nguyễn Tiến Thịnh, trú tại Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội, ánh lên niềm tin tưởng vào một tương lai tươi sáng phía trước, điều mà bao năm nay anh không dám nghĩ tới. Gia đình anh có bốn người con, chúng ốm đau bệnh tật suốt. Dù vất vả lao động, nhưng bao năm gia đình anh vẫn không thoát nghèo. 3 năm trước, nhờ ưu đãi của nhà nước, anh được hỗ trợ vay vốn để mua một cặp bò, đến nay, chúng đã sinh sản vài lứa, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Mấy đứa con anh tuy sức khỏe vẫn còn yếu, nhưng cũng đã đỡ đần bố mẹ được nhiều việc. Thậm chí, hai đứa con đầu còn được nhận vào công ty làm việc. Kinh tế gia đình anh cũng nhờ đó đỡ khó khăn hơn.

Từ thoát nghèo đến làm giàu
Nhờ chính sách hỗ trợ hộ vay vốn mà nông dân từ thoát nghèo đến làm giàu

“Kinh tế đỡ khó khăn hơn, khoảng 2 năm nay gia đình tôi không thuộc diện nghèo nữa. Nhưng nói thật, với mức thu nhập ấy chỉ gọi là đủ sống, chứ khó có thể làm giàu. Vốn liếng không có, tôi chẳng dám mơ gia đình mình có của ăn, của để”, anh Thịnh tâm sự. Đó chỉ là trước đây, nhưng từ ngày Quyết định số 28/2015/QĐ – TTg có hiệu lực, đặc biệt là khi tiếp cận được nguồn vốn và mua được chiếc máy gặt liên hợp, anh Thịnh đã thay đổi hẳn suy nghĩ.

Ngay sau khi biết về việc gia đình thuộc diện vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, anh Thịnh đã hỏi thông tin, làm thủ tục và chỉ chưa đầy 10 ngày, cùng với số tiền vay mượn anh em, anh đã mua được chiếc máy gặt liên hoàn có giá hơn 100 triệu đồng. “Mua được chiếc máy gặt khi đã giữa vụ mùa. Nhưng thấy giá thuê máy gặt rẻ, mất ít thời gian, công sức nên nhiều người trong và ngoài xã thuê lắm. Và chỉ hơn một tháng, trừ mọi chi phí, hai vợ chồng tôi thu về gần 30 triệu đồng tiền lãi. Chắc chắn, vụ sau nếu làm từ đầu vụ gặt, số tiền thu về sẽ nhiều hơn. Một năm có hai vụ, gia đình tôi có thể thu về cả trăm triệu đồng, ước mơ có của ăn, của để, giàu có của gia đình tôi chẳng mấy mà thành hiện thực…”, anh Thịnh vui vẻ.

Với gia đình ông Đỗ Đăng Lâm trú tại Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội cũng vậy, nhờ được vay vốn để đầu tư vào hệ thống bếp lò, máy nghiền bột, vắt bún, nên thu nhập của gia đình ông đã tăng lên đáng kể.

Ông Lâm chia sẻ, gia đình ông vốn có nghề làm bún. Nhưng mấy năm nay, bếp lò của gia đình ông đã nguội lửa. Lý do là bởi, gia đình ông làm thủ công, vất vả mà sản lượng chẳng đáng bao nhiêu. Chỉ khi nào vụ mùa thư thả, gia đình ông mới nhóm lò, làm bún để kiếm thêm chút thu nhập.

“Làm bún, thường phải dậy sớm, lúc vắt thường phải dùng bằng tay, vừa nóng, vừa chẳng được bao nhiêu. Trừ mọi chi phí, hai vợ chồng và một đứa con cũng chỉ được chưa đầy 200 nghìn đồng một ngày. Nhưng gần một tháng nay, nhờ được vay vốn với lãi suất ưu đãi, vợ chồng tôi đã đầu tư máy móc nên đỡ tốn công, vừa không vất vả, lại làm ra sản lượng lớn. Trước đây lượng bún làm ra chỉ đủ để bán ở chợ cóc trong làng, giờ thì đã đổ buôn ra tận nội thành, thu nhập mỗi ngày cũng được gần triệu đồng. Hiện, gia đình tôi vẫn đang mở rộng các mối để đổ buôn, thuê người đi đưa hàng, một thời gian nữa chắc sẽ thu nhập được nhiều hơn…”, ông Lâm vui mừng chia sẻ.

Không chỉ gia đình ông Lâm, anh Thịnh nhờ được vay vốn để sản xuất, kinh doanh đem lại nguồn thu lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhờ nguồn vốn ấy, nhiều hộ gia đình đã đầu tư mua máy móc, phát triển ngành nghề mà mình yêu thích, đem lại giá trị kinh tế cao. Đây được xem là chính sách đúng đắn, giúp hàng nghìn gia đình vừa thoát nghèo có được nguồn vốn kịp thời để phát triển kinh tế, làm giàu chứ không phải chỉ đơn giản là duy trì cuộc sống như trước đây. Từ giá trị lớn lao đó, ngoài việc phát triển kinh tế bền vững mà nhiều đứa trẻ sẽ có điều kiện được đến trường.

Quyết định số 28/2015/QĐ – TTg có một số điều quy định như sau

Điều 1. Phạm vi áp dụng Quyết định này quy định về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.

Điều 2. Đối tượng áp dụng Hộ mới thoát nghèo theo quy định tại quyết định này là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và thời gian kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.

Điều 3. Nguồn vốn cho vay Nguồn vốn cho vay theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Điều 4. Mức cho vay Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ.

Điều 5. Thời hạn cho vay Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này