Huyện Kỳ Anh có sai sót trong vụ 214 giáo viên mất việc

10:18 | 27/10/2015
Sáng ngày 26/10, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để giải quyết vụ việc 214 giáo viên và nhân viên hành chính bị cắt hợp đồng trên địa bàn. Tham dự buổi làm việc còn có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện, cùng lãnh đạo các sở, nghành liên  quan.
Giáo viên hợp đồng ở huyện Ba Vì: Lo lắng trước nguy cơ mất việc
Hàng nghìn lao động nguy cơ mất việc

Theo báo cáo, việc cắt hợp đồng với 214 giáo viên và nhân viên hành chính nêu trên xảy ra khi chia tách huyện Kỳ Anh cũ thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh mới. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc yêu cầu xử lý số giáo viên dôi dư, hợp đồng, đầu năm học 2015-2016, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh đã tổ chức nhiều cuộc họp thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 200 giáo viên (đa số là Tiểu học và Trung học cơ sở), giải quyết đầy đủ các chế độ cho người lao động.

Huyện Kỳ Anh có sai sót trong vụ 214 giáo viên mất việc

Quang cảnh buổi làm việc

Trước đó, từ năm 2010 đến năm 2014, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã ban hành quyết định cho các trường học trên địa bàn ký hợp đồng đối với 214 lao động để giảng dạy trên địa bàn. Sau khi tách địa giới hành chính, trong những trường hợp theo diện này, huyện Kỳ Anh có 142 người, thị xã Kỳ Anh có 72 người không ký hợp đồng với chủ sử dụng lao động và không được đóng bảo hiểm.

Lý giải nguyên nhân ký hợp đồng, ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (cũ) cho biết, trước kia huyện Kỳ Anh cũ địa bàn rộng, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Bên cạnh đó, do nhu cầu việc làm của con em địa phương rất cao, một số bộ môn ở THCS thiếu so với kế hoạch tỉnh giao, vì thế UBND huyện Kỳ Anh cũ đã không tuân thủ nghiêm các quy định về tuyển dụng, quản lý, sử dụng việc chức, thực hiện các quy định về hợp đồng chưa đúng quy định.

Huyện Kỳ Anh có sai sót trong vụ 214 giáo viên mất việc
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc

Theo vị chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, căn cứ vào luật lao động, hợp đồng có thời hạn, thì hết hạn chấm dứt là đương nhiên. “Trong các cuộc họp, đa số các ý kiến đều đề đạt mong muốn ở lại bục giảng. Chúng tôi đã lắng nghe, đề xuất, phân nhóm, rà soát cho các ban ngành tranh thủ tìm hiểu những trường hợp giáo viên khó khăn, ai đặc biệt quá thì phải có phương án”, ông Trần Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh nói.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thẳng thắn chỉ ra rằng nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc này là do UBND huyện Kỳ Anh cũ, bộ máy này không tuân thủ xác quy định về quả lý viên chức, sử dụng hợp đồng lao động không đúng, có trường đang dôi dư và mà vẫn ký hợp đồng.

“Có thời điểm thừa 24 giáo viên, nhưng lại nhận hợp đồng lên 109 người. Trường tiểu học thị xã Kỳ Anh thiếu 77 người, nhưng lại hợp đồng với 133 người. Như vậy là buông lỏng trong quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát của Sở Nộ vụ, ngành giáo dục, mặc dù đã có sự phân cấp”, ông Thiện nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao việc Hà Tĩnh nghiêm túc việc thực hiện tinh giảm biên chế. Việc chấm dứt với 214 giáo viên, có nguyên nhân khách quan là tách huyện, do vậy chưa giải quyết được tồn đọng trước để lại. Về nguyên nhân chủ quan thì có những điều chưa thực hiện đúng quy định.

Huyện Kỳ Anh có sai sót trong vụ 214 giáo viên mất việc

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn tiếp xúc với các giáo viên bị cắt hợp đồng

Trước mắt, Hà Tĩnh cần chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên. Trong điều kiện cho phép, có thể thực hiện những chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm mới đối với các trường hợp vừa chấm dứt hợp đồng lao động. Tổ chức rà soát, phân loại để có chính sách ưu tiên, thu hút những giáo viên tâm huyết, có năng lực trong quá trình tuyển dụng giáo viên sau này. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân được giao thẩm quyền nhưng không thực hiện đúng quy trình.

“Việc ký hợp đồng và chấm dứt là thỏa thuận của người lao động và chủ sử dụng lao động. Khi có nhu cầu thì cần, khi không có nhu cầu nữa thì chấm dứt, về mặt pháp luật là đúng tuy nhiên cần phải tuân thủ nội dung ký kết, đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho tất cả”, thứ tưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị Hà Tĩnh rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên hàng năm, về lâu dài nên tăng cường thanh tra kiểm tra trên cơ sở phân cấp, ủy quyền, nên xác định việc làm và nhu cầu của từng trường học, cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng.

N. Thắng – N. Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này