Người dân chưa mặn mà với BHXH tự nguyện

09:57 | 27/10/2015
Qua gần 8 năm triển khai, mới chỉ có 0,39% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, trong đó, đa phần là người lao động (NLĐ) đã đóng BHXH bắt buộc trước đó, họ đóng thêm để đủ số năm nhận lương hưu. Nguyên nhân khiến NLĐ chưa mặn mà với BHXH tự nguyện là do việc thụ hưởng không công bằng, thiếu minh bạch về nguồn quỹ tiền BHXH…
Giảm phiền nhiễu cho người dân
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 10/2015
Mức thu BHXH mới: Nên quy định với từng loại doanh nghiệp

Không công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng

Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB và Xã hội), tính đến quí 2/2015, có khoảng 11,6 triệu người tham gia BHXH, trong đó có 11,45 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Những người này thuộc khu vực công, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và được hưởng 5 chế độ là ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất. Đối với BHXH tự nguyện được áp dụng từ 1/1/2008 và họ chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Điều này chưa tạo được sức hút với người tham gia BHXH tự nguyện. Thực tế, qua gần 8 năm áp dụng, số người tham gia BHXH tự nguyện rất thấp, chủ yếu đã tham gia BHXH bắt buộc trước đó nên họ đóng thêm để được nhận lương hưu.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Lê Thị Hoài Thu, Viện nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển, cho rằng, BHXH tự nguyện chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi đó BHXH bắt buộc thực hiện với 5 chế độ. Quy định này vô tình đã trở thành rào cản khiến NLĐ không "mặn mà" với loại hình BHXH này, nhất là lao động nữ. Mức đóng mà NLĐ khi tham gia BHXH tự nguyện theo quy định là 22% so với BHXH bắt buộc lại cao hơn 14%, nhưng họ chỉ được hưởng hai chế độ dài hạn. Trong khi đó, lao động ở lĩnh vực phi chính thức thường bấp bênh, không ổn định, khó tiếp cận chính sách về BHXH. Thu nhập của đa số lao động phi chính thức ở mức thấp, thiếu ổn định, phải ưu tiên trang trải cho các khoản “cơm áo, gạo tiền” nên chưa có điều kiện quan tâm đến BHXH.

Người dân chưa mặn mà với BHXH tự nguyện
Kê khai thủ tục làm BHXH tự nguyện

Chị Phạm Thị Đào, quê ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) làm nghề buôn bán hoa quả tại chợ Long Biên (Hà Nội), cho biết, chị cũng như nhiều NLĐ khác không được tiếp cận nhiều thông tin về BHXH tự nguyện. Hầu hết những lao động như chị đều mong muốn tham gia BHXH để có chính sách an sinh lúc bệnh tật và khi về già. Tuy nhiên, việc tiếp cận với BHXH là không dễ vì đặc thù công việc của những NLĐ tự do là không ổn định. "Tôi được nghe phong thanh là BHXH tự nguyện chỉ được hưởng hưu trí và tử tuất còn các chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động là những hỗ trợ rất cần thiết với NLĐ thì không được hưởng. Đây là lý do khiến NLĐ chúng tôi chưa thực sự hào hứng, quan tâm và tham gia", chị Đào nói.

Cần minh bạch về quỹ tiền BHXH

Để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện, bà Trần Thị Thúy Nga cho rằng, cần linh hoạt trong thực thi các chính sách. Theo đó, NLĐ không nhất thiết đóng BHXH mỗi tháng một lần, mà đóng theo quý hoặc theo năm. Thậm chí, một lần có thể đóng cho nhiều năm còn thiếu. Đặc biệt phải đơn giản thủ tục khi tham gia, phải nhanh chóng thay đổi thái độ phục vụ của chính cán bộ ngành BHXH.

Việc công khai, minh bạch tỷ lệ đầu tư, phân chia nguồn quỹ vào những đâu, tỷ lệ sinh lời của từng khoản như thế nào là yêu cầu tối thiểu để tạo niềm tin cho người dân tham gia BHXH.

Là người nhiều năm gắn bó với NLĐ, ông Lê Trọng Sang, nguyên Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết, NLĐ không mặn mà tham gia BHXH có nguyên nhân là do chính sách làm chưa đủ, chưa trúng đối tượng. Tuy nhiên, liệu có nguyên nhân nguồn tiền mà NLĐ đóng góp không minh bạch, xử lý vi phạm liên quan đến BHXH chưa rõ khiến NLĐ không tin tưởng? Ông Sang cho rằng, nguồn quỹ của BHXH chính là dân đóng góp. Vì vậy, phải minh bạch mới khuyến khích người dân tham gia. Phải làm sao để dân thấy tin cậy, không có sự tù mù và dân tham gia để cùng hưởng lợi.

Ủng hộ quan điểm của ông Sang, bà Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Phải công bằng, hiệu quả trong quản lý nguồn quỹ BHXH. Muốn vậy, phải có hệ thống cơ sở dữ liệu tốt, cập nhật chính xác đóng hưởng. Đặc biệt phải xây dựng hệ thống lương hưu đa trụ cột để NLĐ có thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu khi về hưu. Việc công khai, minh bạch tỷ lệ đầu tư, phân chia nguồn quỹ vào những đâu, tỷ lệ sinh lời của từng khoản như thế nào là yêu cầu tối thiểu để tạo niềm tin cho người dân tham gia BHXH”.

Còn ông Bùi Trinh, một chuyên gia độc lập, chia sẻ: "Các báo cáo đầu tư bảo hiểm chưa được công khai, rõ ràng. Trong đó, có phần cho ngân sách vay, đầu tư vào ngân hàng thương mại và các khoản khác. Vậy cho ngân sách vay là có lãi không? Có trả không? Người dân cần biết những cái họ chi tiêu như thế nào, họ đầu tư thế nào".

Dưới góc độ của một người quản lý doanh nghiệp, ông Dương Mạnh Hùng, Phó giám đốc Cty Xây dựng và Xử lý nền móng Hà Nội, nêu quan điểm: Quỹ BHXH mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản nhất của một quỹ, ngoài ra do đặc thù của BHXH mà quỹ BHXH có những đặc trưng riêng. Dù nhìn nhận ở khía cạnh nào thì quỹ BHXH vẫn là “của để dành ” của NLĐ phòng khi ốm đau, tuổi già... và đó là công sức đóng góp của cả quá trình lao động của NLĐ. Trong quỹ BHXH luôn tồn tại một lượng tiền tạm thời nhàn rỗi ở một thời điểm hiện tại để chi trả trong tương lai, khi NLĐ có đủ các điều kiện cần thiết để được hưởng trợ cấp (chẳng hạn như về thời gian và mức độ đóng góp BHXH ).

"Số lượng tiền trong quỹ có thể được tăng lên bởi sự đóng góp đều đặn của các bên tham gia và bởi thực hiện các biện pháp tăng trưởng quỹ. Vì thế, cơ quan BHXH cần minh bạch về các khoản sinh lời từ quỹ BHXH để các doanh nghiệp và NLĐ biết về mọi biến động và giao dịch của quỹ", ông Hùng chia sẻ.

Hạnh Nguyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này