Thanh tra các doanh nghiệp dệt may

Phát hiện nhiều sai phạm về ATVSLĐ

06:41 | 24/10/2015
Từ tháng 6/2015 đến hết tháng 9/2015, các đoàn thanh tra đã thực hiện thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh thành. Qua thanh tra, đã phát hiện 1.786 sai phạm (trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp).
Kiểm tra ATVSLĐ công trình đường sắt Bến Thành – Suối Tiên
Dự luật ATVSLĐ: Cần làm rõ vai trò của giới chủ sử dụng lao động

Năm 2015, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện thí điểm chiến dịch thanh tra lao động trong ngành may mặc, nhằm tăng cường sự tuân thủ pháp luật lao động và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) trong ngành may mặc. Chiến dịch thanh tra diễn ra từ tháng 5/2015 đến hết tháng 9/2015, thực hiện đối với các doanh nghiệp có tổng số lao động dưới 1000 người, tại 12 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Bến Tre, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Với hai hoạt động chính là truyền thông (phát tài liệu, tờ rơi, áp phích và các ấn phẩm truyền thông...) và hoạt động thanh tra trực tiếp tại doanh nghiệp nhằm kiểm tra mức độ tuân thủ của doanh nghiệp đối với tất cả các quy định của pháp luật về ATVSLĐ và các chính sách đối với người lao động. Trong đó, chú trọng kiểm tra kỹ các nội dung: Thời giờ làm việc, nghỉ ngơi; tiền lương làm đêm và làm thêm giờ; dụng cụ bảo vệ cá nhân; đường và cửa thoát hiểm; rủi ro về điện; môi trường lao động; lập kế hoạch về ATVSLĐ; huấn luyện ATVSLĐ.

Phát hiện nhiều sai phạm về ATVSLĐ
Ảnh minh họa

Từ tháng 6/2015 đến hết tháng 9/2015, các đoàn thanh tra đã thực hiện thanh tra 152 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn 12 tỉnh. Qua thanh tra, đã phát hiện 1.786 sai phạm (trung bình 12 sai phạm/doanh nghiệp), trong đó có: 60 doanh nghiệp (DN) huy động NLĐ làm thêm quá giờ quy định; 22 DN không thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng, lao động nữ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thai từ tháng thứ 7 trở lên; lao động nữ trong thời gian kinh nguyệt; 47 DN chưa thực hiện xây dựng định mức lao động, hệ thống thang lương, bảng lương; 17 DN không thực hiện trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đầy đủ cho NLĐ; 11 DN trả lương cho NLĐ thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.

Nhiều DN cũng chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, trong đó có 43 DN chưa trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; 69 DN có trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ nhưng không đầy đủ về số lượng; 31 DN không lập sổ theo dõi việc cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc lập sổ cấp phát nhưng không có chữ ký của NLĐ; 20 DN thiết kế đường đi nội bộ lại không đảm bảo chiều rộng theo quy định; 17 DN còn để các vật cản, chướng ngại vật ở đường đi nội bộ; 28 DN không có các biển cảnh báo an toàn, biển cấm, biển chỉ dẫn cho người và phương tiện qua lại; 14 DN không phổ biến cho người lao động các quy định về thoát hiểm và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết và chấp hành.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh thanh tra Bộ LĐ- TB& XH, các sai phạm trong ngành dệt may đang diễn ra khá phức tạp. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc bởi luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam. Doanh nghiệp muốn có nhiều bạn hàng, đơn hàng, xuất được sản phẩm thì phải thực hiện đúng quy định pháp luật, nhất là công ước chống lao động cưỡng bức.

Bên cạnh đó, có 37 DN không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động định kỳ hàng năm; 15 DN không có các biện pháp cải thiện điều kiện, môi trường làm việc; 64 DN không xây dựng kế hoạch ATVSLĐ hàng năm; 21 DN xây dựng kế hoạch ATVSLĐ nhưng không đảm bảo các nội dung theo quy định; 16 DN không tham khảo ý kiến đại diện người lao động khi xây dựng kế hoạch.

Đặc biệt, có hơn một nửa số DN được kiểm tra còn vi phạm các quy định về huấn luyện ATVSLĐ, bao gồm, 90 DN người sử dụng lao động không tham gia huấn luyện ATVSLĐ hoặc tham gia không đầy đủ; 61 DN cán bộ làm công tác an toàn chưa được huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ; 68 DN người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ không được huấn luyện an toàn hoặc huấn luyện không đầy đủ; 87 DN không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ hoặc huấn luyện không đầy đủ; 59 DN không huấn luyện ATVSLĐ cho người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng hoặc huấn luyện không đầy đủ.

Qua quá trình thanh tra, các đoàn thanh tra đã đưa ra 1.786 kiến nghị yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục sai phạm và đã lập 19 biên bản vi phạm hành chính để xử lý 19 doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật lao động với tổng số tiền xử phạt là 594 triệu đồng.

C.M

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này