Viện phí tăng: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?

10:09 | 22/10/2015
Mỗi chính sách an sinh xã hội thay đổi đều có ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Theo lộ trình của Bộ Y tế, đến cuối năm 2015, các bệnh viện trên toàn quốc đồng loạt áp dụng giá dịch vụ y tế mới với mức tăng thêm 20%-30%. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và bệnh nhân chưa có BHYT sẽ phải gánh thêm chi phí điều trị!
Viện phí tăng, người bệnh không phải đóng thêm tiền?

Tính lương vào viện phí

Theo lộ trình vừa được Bộ Y tế công bố, đến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2015 sẽ đưa tất cả chi phí khám, chữa bệnh trực tiếp cho người bệnh và một loạt phụ cấp của cán bộ, nhân viên y tế vào viện phí. Đến 1/3/2016, lương và hàng loạt các loại phụ cấp của đội ngũ bác sỹ, y tá... cũng được đưa vào viện phí. Với cách tính này của Bộ Y tế, dự kiến khoảng 1.800 dịch vụ y tế cơ bản sẽ tăng với mức tối thiểu 20% so với hiện hành.

Chính sách mới của Bộ Y tế được hiểu, nếu như trước đây, lương, phụ cấp cho đội ngũ cán bộ bệnh viện đều do Nhà nước trả, thì từ thời điểm nói trên, người bệnh sẽ trực tiếp chi trả hoặc trả thông qua quỹ bảo hiểm y tế. Nói một cách khác, bệnh nhân sẽ là người trả lương cho đội ngũ y, bác sỹ!

Viện phí tăng: Ai hưởng lợi, ai chịu thiệt?
Thời gian tới chất lượng dịch vụ của bệnh viện có tương ứng với việc viện phí tăng?

Trước đó, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn chỉnh dự thảo thông tư liên tịch quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và đưa ra lộ trình tăng giá theo dạng “tính đúng, tính đủ” cho đến năm 2018. Theo tính toán của Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), với việc tính thêm phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, chi phí giường bệnh sẽ tăng 10.000 - 20.000 đồng/ngày, phí phẫu thuật hoặc thủ thuật sẽ tăng 300.000 - 1,5 triệu đồng/ca. Tiếp đó đến 1/3/2016 khi tính lương vào viện phí, ước tính trong tổng chi phí điều trị một ca bệnh giả dụ hết 6 triệu đồng, sẽ có 350.000 - 400.000 đồng “cắt ra” trả lương cho cán bộ y tế.

Theo đại diện ngành y tế, việc tăng viện phí chắc chắn sẽ có tác dụng thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, khi giá tính đủ sẽ khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật y tế cao, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn và người có thẻ bảo hiểm được thanh toán nhiều hơn nên làm tăng quyền lợi. Tuy nhiên, khi BHYT chưa phủ sóng toàn dân thì việc tăng giá viện phí sẽ là nỗi lo cho những người chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay mới có khoảng 64 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy vẫn còn lại hơn 30 triệu người, đặc biệt là bệnh nhân nghèo sẽ “oằn lưng” lo viện phí.

Ai sẽ được hưởng lợi?

Chủ trương tính đúng, tính đủ viện phí là hướng tới phục vụ người bệnh tốt hơn. Khi đó, bệnh viện phải tự chủ về tài chính nên phải nỗ lực nâng cao dịch vụ, chất lượng y tế để tăng lòng tin của người bệnh. Nếu người bệnh không tin tưởng, không đến bệnh viện để khám, chữa bệnh đồng nghĩa với việc bệnh viện không có tiền để trang trải y tế, không có tiền trả lương cho CB, nhân viên.

Đại diện ngành y tế khẳng định, sẽ có khoảng 23,7 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách có thẻ BHYT sẽ được hưởng lợi sau khi điều chỉnh giá lần này vì các đối tượng này được BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Trong khi đó, các đối tượng đang tham gia BHYT đồng chi trả cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều vì mức tăng không nhiều, tuy nhiên nhiều bệnh nhân “lấy bệnh viện làm nhà vẫn hết sức lo lắng”. Anh Trần Thanh Tùng (ở Thường Tín, Hà Nội), đang điều trị ở bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Tôi bị suy thận 3 năm nay, chi phí điều trị bệnh chủ yếu nhờ vào BHYT, nhưng tôi vẫn phải thanh toán một phần chi phí khám, chữa bệnh. Sắp tới, viện phí tăng có nghĩa số tiền tôi phải chi trả sẽ tăng”.

Anh Tùng cho hay, vẫn có những loại thuốc, vật tư y tế không nằm trong danh mục BHYT thanh toán khiến những bệnh nhân mắc bệnh nặng như anh rất lo lắng, bởi từ ngày mắc bệnh, anh không kiếm ra đồng nào, mỗi tháng dù tiết kiệm nhất cũng phải tốn đến 5 triệu đồng đi chữa bệnh. Đến nay kinh tế gia đình anh Tùng đã rơi vào hoàn cảnh khánh kiệt.

Bác Trần Công Trứ (70 tuổi, ở Nghệ An) đang điều trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện K, không giấu được vẻ lo lắng khi nghĩ đến “viễn cảnh” viện phí sẽ tăng do “gánh” thêm lương đội ngũ y, bác sỹ. Với bệnh nhân nặng như bác Trứ, mỗi lần điều trị ung thư cũng tốn kém vài chục triệu đồng. Dù chỉ phải chi trả 5% chi phí do có BHYT nhưng đây cũng là khoản tiền không nhỏ với những bệnh nhân phải điều trị lâu dài. “Ngoài tiền chi trả viện phí, còn tiền chi phí tàu xe, ăn uống, tiền thuốc. Tăng viện phí thì những người mắc bệnh hiểm nghèo sẽ rất gay”, bác Trứ lo lắng.

Thực tế đã có trường hợp bệnh nhân bỏ chữa bệnh vì không lo được viện phí. Đó là trường hợp xảy ra tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Ngày 27/7/2015, bé Phạm Ngọc Y. (11 tháng tuổi) được mẹ là Phạm Ngọc H. cho nhập viện do ho, sốt nhiều ngày. Sau đó, vì không lo được viện phí cho con, chị H. vờ đi vệ sinh và bỏ lại cháu bé với giỏ đồ. May mắn thay, cháu bé được sống trong sự bao bọc và che chở từ tình thương của đội ngũ y, bác sỹ bệnh viện.

Trong quá trình ghi nhận tại các bệnh viện, ngoài những chế độ khám, chữa bệnh BHYT chi trả, nhiều bệnh nhân còn cần những loại thuốc giá cao nhưng lại nằm ngoài danh mục bảo hiểm. Vì vậy, có trường hợp bệnh nhân nặng có khả năng hồi phục nhưng gia đình đành xin về vì không kham nổi những khoản chi phí tốn kém khác. Sắp tới, viện phí sẽ tăng, hi vọng những loại thuốc đặc trị sẽ được nằm trong danh mục BHYT chi trả để không còn những câu chuyện đau lòng như trên và chất lượng khám, chữa bệnh sẽ được nâng cao.

Phước Long

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này