Lùm xùm nghi án đạo văn, thơ

14:11 | 12/10/2015
Một người là tác giả những cuốn truyện “gối đầu giường” của thiếu nhi trong 30 năm nay, một người là nhà thơ có các tác phẩm giành nhiều giải thưởng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Anh và Mỹ, cả hai đều bị tố đạo văn. Hai nghi án đạo văn này đã và đang làm rúng động dư luận.
Ai thực sự là tác giả bài thơ ‘Tổ quốc gọi tên mình’?

Nghi án đạo văn, đạo thơ

Sau khi tham dự hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh - Hành trình chinh phục tuổi thơ” do Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học - Nghệ thuật trẻ em (ĐH Sư phạm Hà Nội) tổ chức vào sáng ngày 16-9, trong bài viết khá dài đăng trên facebook với tựa đề “Ghi chép của một kẻ ngoại đạo về một hội thảo văn chương”, GS.TS toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng (Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã thể hiện quan điểm cá nhân của ông về buổi hội thảo. "Với nội dung có thể hiểu phê phán hội thảo ngợi ca một chiều nhưng cái đích ngắm đến là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với sự phủ nhận hàng triệu cuốn sách cùng xấp xỉ con số ấy độc giả thiếu nhi đã say mê đọc Nguyễn Nhật Ánh trong gần 30 năm qua mà đỉnh điểm là sự giễu cợt với nghi vấn Nguyễn Nhật Ánh thuê 20 người viết để anh đứng tên” (lời của nhà văn Phạm Ngọc Tiến).

Bài viết của ông đã tạo sự lan truyền lớn trên mạng xã hội với hàng ngàn lượt thích, vài trăm lượt chia sẻ và không ít bình luận hưởng ứng ca ngợi. Khi một số nhà văn, nhà làm sách dẫn bài về trang lên tiếng phản đối thì giáo sư Nguyễn Hữu Việt Hưng đã gỡ bỏ bài với lời biện hộ ông chỉ có ý phê phán hội thảo và nữa là sự mệt mỏi và sau cùng ông tuyên bố ra khỏi câu chuyện này. Dù nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đề nghị “Hãy rõ ràng chuyện này kèm một lời xin lỗi” nhưng vụ việc có vẻ như đi vào ngõ cụt.

Bài thơ “Tổ quốc gọi tên” được công bố năm 2011 với tên tác giả là Nguyễn Phan Quế Mai. Ngay sau khi được đăng báo, bài thơ đã được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”. Ca khúc đã được vinh danh với nhiều giải thưởng lớn và được đánh giá là một trong những ca khúc hay về đất nước của những năm đầu thế kỷ 21. Sự nổi tiếng của ca khúc góp phần không nhỏ cho sự thành công của tập thơ "Tổ quốc gọi tên mình" của Nguyễn Phan Quế Mai sau này. Ra mắt bạn đọc từ đầu tháng 7-2015, "Tổ quốc gọi tên mình" trở thành hiện tượng đặc biệt của làng xuất bản nói chung, làng thơ Việt nói riêng khi được nối bản thêm 1.000 bản in chỉ sau 5 ngày phát hành.

Lùm xùm nghi án đạo văn, thơ
Nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và tác phẩm "Tổ quốc gọi tên mình" (ảnh trên facebook cá nhân)

“Tổ quốc gọi tên” vừa được “mừng sinh nhật” 4 tuổi, đột nhiên ngày 28-9 vừa qua trên mạng xã hội facebook có một người tên Ngô Xuân Phúc lên tiếng tự nhận là tác giả của bài thơ trên. Vụ việc đang gây ồn ào trên mạng và được dư luận rất quan tâm. Ngày 2-10, từ Brussels, nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai bức xúc viết thư ngỏ gửi tới báo chí cả nước khẳng định đó là bài thơ mà bà “viết dâng Tổ quốc với tất cả tấm lòng thành kính”. Nữ nhà thơ đã đưa ra “tối hậu thư” yêu cầu ông Ngô Xuân Phúc phải gửi thư chính thức xin lỗi bà trước ngày 10-10-2015 qua các phương tiện truyền thông Việt Nam. “Nếu không tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện ông ấy về tội vu khống” - bà Mai viết.

Cho đến nay, lời xin lỗi vẫn chưa được “phát”. Trái lại, ông Phúc vẫn khăng khăng “Tôi chỉ mong bà Mai trả lại bài thơ cho tôi”. Có thông tin cho biết hiện bà Mai đang tìm luật sư để tiến hành khởi kiện. Dư luận sắp sửa chứng kiến một vụ “án thơ” mà có vẻ như phần thắng sẽ nghiêng về bài Mai vì bà có đầy đủ chứng cứ pháp lý. Thế nhưng, ông Phúc dù không có bất cứ lý chứng cứ nào, ngoài trí nhớ mong manh vẫn tỏ ra không nao núng: Nếu bà Mai muốn khởi kiện thì tôi sẽ theo đến cùng. Tất cả tôi đều công khai, không giấu diếm hay nói sai trái gì, vì thế tôi không sợ".

Chưa có hồi kết

Trong khi vụ “tố” nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đạo văn sớm tàn thì một cuộc “bút chiến” trên mạng về “kỳ án thơ” đã nổ ra và chưa có hồi kết. Trong “cuộc chiến” ấy, dư luận chia làm hai “phe” rõ rệt. Một “phe” tin rằng bài thơ là của ông Ngô Xuân Phúc vì nó “đậm nam tính” và chỉ có người lính mới có thể viết những dòng thơ như vậy. Ngay lập tức, nhận định này bị “đập” lại. Đáng chú ý, có nữ nhà thơ lên tiếng xác nhận rằng vào hồi tháng 4-2011 bà đã được đọc bài thơ này. Tuy nhiên đó chỉ là “khẩu chứng” từ trí nhớ trong khi bản thân nữ nhà thơ đó không hề lưu giữ bất cứ bản thảo hoặc hình ảnh trực quan của bài thơ. Cũng có độc giả tỏ ra bênh vực tác giả Ngô Xuân Phúc khi cho rằng: nhiều nhà thơ vẫn hay ăn cắp ý tưởng của người khác rồi gọt giũa thành cái của mình và họ sẽ chả bao giờ dám nhận là mình ăn cắp cả.

Trong khi đó, phe đông đảo hơn cho rằng: Với một nhà thơ chuyên nghiệp đã đoạt nhiều giải thưởng về văn chương trong và ngoài nước như Nguyễn Phan Quế Mai thì không thể có chuyện chị đi “đạo thơ” của một người vô danh như vậy. Nhiều lập luận cho rằng phong cách thơ của Nguyễn Phan Quế Mai nhất quán và trải dài trong suốt vài trăm tác phẩm đã được công bố và xuất bản. "Tổ quốc gọi tên" không thể là của ai khác, chỉ là của Nguyễn Phan Quế Mai”. Người ta còn công bố bức chụp lại màn hình Facebook của Ngô Xuân Phúc, trong đó ông Phúc dẫn đường link một bài báo đăng trên Người Lao Động nói về "Tổ quốc gọi tên" và khen bài thơ này hay! “Không ai có thể khen một tác phẩm của người khác, mà tác phẩm ấy lại chính là sản phẩm ăn cắp của mình! Chuyện đó thật nực cười và hoang tưởng!” - một nhà thơ bình luận.

Ngoài việc chỉ ra sự bất nhất của ông Phúc ở con số “2008” và “2009” về thời điểm sáng tác, có người còn so sánh về giọng điệu thơ của ông Phúc và bài thơ "Tổ quốc gọi tên" qua việc phân tích mấy bài thơ của ông, rồi chỉ ra rằng: Đọc thơ Ngô Xuân Phúc, ta thấy rõ cái "giọng Tiền chiến" xưa cũ của một người yêu thơ mà làm thơ chứ không có tinh thần của một nhà thơ đương đại, còn bài thơ "Tổ quốc gọi tên" lại mang tính chất thời sự rõ rệt, nên khó thể nói ông là tác giả của “Tổ quốc gọi tên” và còn khó hơn nếu cố chứng minh ông từng làm bài thơ này trong một lúc ngẫu hứng với tâm trạng sôi nổi của một thanh niên yêu nước.

Dư luận đang ngóng chờ “kỳ án văn chương” này sẽ diễn tiến ra sao…

Quang Chính

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này