Hỗ trợ học nghề và việc làm ngành CNTT cho người khuyết tật

04:54 | 10/10/2015
Hội Khuyết tật thành phố Hà Nội phối hợp với Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-TBXH) vừa tổ chức hội thảo “ Đào tạo và liên kết việc làm ngành công nghệ thông tin cho người khuyết tật”.
Hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động bị thu hồi đất
Nhân lực tay nghề cao: Cơ hội và thách thức
Từng bước nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Thiết lập môi trường cho người khuyết tật để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số tại Hà Nội – Việt Nam, năm 2015” do Hội Phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hàn Quốc tài trợ.

Thực hiện Luật Người khuyết tật (2010) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014), người khuyết tật (NKT) đã có nhiều cơ hội tiếp cận học nghề, tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Từ năm 2010 đến nay, số NKT được học nghề ngày một tăng. Trong 5 năm, có khoảng 120 ngàn người được hỗ trợ đào tạo nghề thông qua các chương trình, dự án... Theo thống kê, hiện cả nước có 6,7 triệu NKT chiếm 7,8 % dân số, trong đó có gần 400 ngàn NKT nặng. Để tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động, có cơ hội việc làm, thu nhập ổn định, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, giúp cho NKT học nghề và có việc làm. Hiện cả nước có khoảng hơn 1,1 ngàn cơ sở dạy nghề cho NKT (trong đó có 744 cơ sở công lập; 386 cơ sở tư thục), mỗi năm dạy nghề cho 7 – 8 ngàn NKT...

Hỗ trợ học nghề và việc làm ngành CNTT cho người khuyết tật
Tăng cường hỗ trợ học nghề cho người khuyết tật

Dự án đào tạo CNTT cho NKT được triển khai trong 4 năm (2014-2017) nhằm cải thiện cơ hội việc làm và hòa nhập cộng đồng thông qua việc thiết lập môi trường đào tạo CNTT cho các đối tượng trong độ tuổi lao động... Dự án triển khai tại thành phố Hà Nội và đã tổ chức đào tạo cho 364 học viên tại 6 quận, huyện của thành phố: Hoàng Mai, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Xuân, Phú Xuyên. Trong năm 2015, dự án tiếp tục đào tạo cho 260 học viên và tư vấn hỗ trợ việc làm cho họ...

Theo ông Đặng Văn Thanh, Tổng thư kí Hiệp hội NKT, hiện nay, trên 70% NKT có việc làm chủ yếu là thủ công mỹ nghệ, may, kim hoàn, thêu ren... còn nghề CNTT mới được triển khai ở một số tỉnh, thành... Việt Nam đã có nhiều chính sách bảo đảm hỗ trợ cho NKT, vấn đề là quá trình triển khai còn có bất cập, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề; NKT được đào tạo nghề bằng ngân sách nhà nước còn hạn chế...

Các ý kiến tại hội thảo đã chia sẻ những thành công và rào cản trong việc hỗ trợ đào tạo CNTT cho NKT. Trong đó, chú trọng việc ưu tiên xây dựng chính sách; hướng dẫn xây dựng và tổng kết mô hình cụ thể; bình đẳng trong dạy nghề; phát huy các nguồn lực xã hội; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, hỗ trợ việc làm;... Ngoài ra, các đại biểu còn đề xuất: cần khảo sát kỹ nhu cầu đào tạo nghề của NKT; bản thân NKT còn nhiều mặc cảm, tự ti cần có nghị lực vươn lên trong cuộc sống; giữa các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, tổ chức tạo điều kiện cho NKT tiếp cận thông tin, tiếp cận các công trình giao thông công cộng, xây dựng;...

Bên cạnh đó, trong thực tế, việc tuyển dụng lao động là NKT tại các cơ quan, doanh nghiệp thời gian qua chưa nhiều. Hầu hết khi tuyển dụng, các đơn vị đều dựa trên tinh thần nhân đạo của người quản lý, hay theo chương trình hợp tác với các tổ chức nhân đạo nước ngoài, chưa thực sự vì nhu cầu tuyển dụng...

Qua việc thực hiện ở một số địa phương, dự án đã có tác động tích cực đến một bộ phận NKT và có sự ảnh hưởng to lớn tới xã hội.

M.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này